Ký ức chiến trường xưa của cựu quân y Lê Thị Thanh Xuân

Trong căn nhà khang trang ở tổ 2, khu phố Long Bình, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) còn tràn ngập hương vị của những ngày tết cổ truyền, chúng tôi trò chuyện với nữ quân y C19 năm xưa. Những câu chuyện một thời gian khó nơi chiến trường xưa lần lượt hiện về với nhiều cảm xúc…

Đó là những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Cô gái Lê Thị Thanh Xuân khi ấy mới mười tám đôi mươi.

Những lúc rảnh rỗi, bà Xuân thường đọc sách, xem ti vi và dạy bảo con cháu. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Những lúc rảnh rỗi, bà Xuân thường đọc sách, xem ti vi và dạy bảo con cháu. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Quyết giành giật sự sống cho đồng đội

Bà Xuân quê ở xã Hòa Vinh, huyện Tuy Hòa (nay là phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa). 13 tuổi, ba và mẹ thoát ly lên vùng căn cứ cách mạng, nên cô bé Xuân ở nhà với cô, chú. Vì địch biết trong gia đình có người làm cộng sản, thường o ép, bắt bớ nên Xuân phải về ở với ông bà ngoại tại thôn Thạch Bàn, xã Hòa Phong (nay là xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa). Ông bà ngoại hoạt động cơ sở tại địa phương, vì vậy, cô bé Xuân sớm giác ngộ cách mạng và làm nhiệm vụ đưa thư mỗi khi ông không thể ra ngoài được. Nhờ tố chất lanh lợi, Xuân được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ giao liên truyền tin, theo dõi hoạt động, giúp cơ sở ở địa phương nắm bắt tình hình của địch, rồi tham gia vào đội du kích của xã. “Hồi ấy, ban ngày tôi đi chăn bò, làm thuê đủ việc để tiện nghe ngóng tình hình nên ngõ ngách nào tôi cũng biết, nắm rõ địa bàn. Tôi thường xuyên nhận nhiệm vụ dẫn đường cho cán bộ từ căn cứ xuống làng và đưa đồng chí Nhị vượt qua hai gác bốt địch lên căn cứ giữa ban ngày”, bà Xuân kể.

Năm 1967, bà Xuân thoát ly ra căn cứ và nhận nhiệm vụ tại Bệnh xá K68A Phân khu Nam. “Ngày đầu tiên về bệnh xá, tôi mới cảm nhận được những gian khổ và sự khốc liệt của chiến trường. Suốt những năm 1968-1970, địch càn quét, vây hãm ráo riết nên ta khó khăn và thiếu thốn đủ thứ. Mỗi khi có chiến dịch, nhân viên, y tá, y sĩ, bác sĩ chưa được 10 người phải tiếp nhận cứu thương và chăm sóc hàng trăm thương binh, không có giây phút nào được nghỉ ngơi. Chúng tôi động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ...”, bà Xuân nhớ lại. Có lần đơn vị phân công bà đi công tác bị địch bắn bị thương. “Tôi cùng đồng chí Duy (y sĩ) và y tá Đáng (quê Hòa Hiệp) mới vừa ra khỏi đơn vị chừng 600m thì bị biệt kích phát hiện, nổ súng. Đồng chí Duy bị thương ở đầu và hy sinh dưới chân tôi. Đồng chí Đáng sau đó cũng hy sinh. Tôi may mắn chỉ bị thương ở tay, nên chạy thoát khỏi vòng vây của địch rồi lội qua sông tìm về đơn vị”, bà Xuân nhớ lại.

Khi lành vết thương, bà Xuân đi học lớp y tá, sau đó được biên chế vào Đội Phẫu thuật Bệnh xá Hồ Tây đóng ở Kỳ Lộ, Đồng Xuân. Bà bảo, chiến tranh ác liệt lắm, thương vong rất nhiều, có thời điểm số bộ đội bị thương lên đến cả trăm người. Thiếu thốn, hiểm nguy đe dọa cuộc sống từng ngày từng giờ nhưng ai nấy cũng đều tận tâm chăm sóc thương binh. Có những lúc bất lực đứng nhìn các anh trút hơi thở cuối cùng trên tay, trên giường mổ mà lòng nghẹn thắt. Bà Xuân kể: “Một đồng chí quê ở Hải Dương bị thương ở bụng, khi chúng tôi đang phẫu thuật thì đồng chí ấy giơ tay lên xin hát. Chúng tôi phải dừng lại và nghe anh hát chưa hết đoạn đầu của Bài ca hy vọng. Cũng một đồng đội nữa bị thương ở đầu, đang lúc mổ thì anh cũng giơ tay. Chúng tôi phải dừng lại nghe và anh cất giọng yếu ớt hô “Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”, rồi nhắm mắt xuôi tay”.

Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh

Thời gian sau đó, bà Xuân được điều qua công tác tại Đại đội Công binh 19 (C19), Tỉnh đội Phú Yên, đóng ở Sơn Hòa. Mặc dù công việc chính là cứu thương, nhưng bà vẫn làm tất cả mọi việc và cùng đơn vị đánh phá, mở đường; sẵn sàng cầm súng chiến đấu khi đối mặt với địch như người lính thực sự. C19 là đơn vị tác chiến độc lập, tham gia phục kích đánh địch khắp mọi nơi khi cấp trên phân công nhiệm vụ. “Mỗi lần đơn vị nhận lệnh lên đường đánh địch, tôi cùng đồng đội mang gạo, thuốc men, súng… Nhiều lúc đồng đội nam bị thương, tôi vừa dìu vừa mang hộ luôn”, bà Xuân nhớ lại. Thời gian dài, bà tham gia cùng đơn vị đứng chân đánh phá đường 7 (nay là quốc lộ 25) nhằm ngăn chặn sự chi viện của địch lên Tây Nguyên. Khi đơn vị phục kích đánh địch ở điểm nào, bà luôn ứng trực để làm nhiệm vụ sơ cứu thương, kịp thời chuyển tuyến đối với những trường hợp nặng.

Sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, C19 nhận nhiệm vụ phục kích đánh sập cây cầu dưới chân đèo Cả nhằm cắt đứt đường chi viện của địch trong Nam ra Phú Yên. Bà Xuân kể: Đại đội hành quân đến nơi, phối hợp với công binh của Huyện đội Tuy Hòa phục kích dưới chân đèo Cả. Nằm chờ đến tối, địch rút quân về đồn, quân ta tiến hành gài mìn và phá sập cây cầu rồi cắm cờ giải phóng, canh giữ địa phận. Sáng hôm sau địch kéo đến, hai bên đánh nhau dữ dội. Khi địch tiến vào đến gần cây cầu bị mìn quân ta gài sẵn làm thương vong nhiều nên chúng dùng loa kêu gọi thỏa thuận. Hai bên đối mặt nhau, ta đồng ý cho chúng lấy xác binh lính và rút quân. Đơn vị đóng quân canh giữ cây cầu này hơn nửa tháng. Sau đó, địch đổ quân biệt động và tổ chức tấn công. Quân ta chiến đấu kiên cường nhưng địch đông, ta ít nên phải rút quân về căn cứ để bảo toàn lực lượng.

Hơn 8 năm làm y tá chiến trường, bà Xuân không nhớ mình đã sơ cứu, chăm sóc bao nhiêu thương binh, nhưng với cựu quân y này, trận đánh tại chân đèo Cả là trận ác liệt và gian khổ nhất mà bà trải qua. Lương thực cạn, nhiều ngày không có gì bỏ bụng. Nước uống cũng không, mọi người hứng nước mưa để uống. Dẫu vậy, bà Xuân cho rằng mình may mắn, hạnh phúc hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống khi chưa được chứng kiến ngày đất nước thống nhất và đang phát triển từng ngày. “Những mất mát, vất vả của mình có thấm thía gì đâu so với những chiến sĩ đã hiến dâng cả cuộc đời thanh xuân cho tự do của Tổ quốc!”, bà Xuân trải lòng.

Trong trận đánh tại đèo Cả, bà Xuân bị thương. Đầu năm 1974, bà được đưa ra miền Bắc an dưỡng và học văn hóa tại Ninh Bình. Sau đó, bà cùng một số đồng đội xin trở lại miền Nam chiến đấu nhưng khi vào đến Đà Nẵng thì Sài Gòn được giải phóng, đất nước được thống nhất. Được phân công về làm y tá tại Trường Văn hóa Tỉnh đội Phú Yên cho đến năm 1977, bà Xuân nghỉ theo chế độ phục viên, trở về địa phương. Được chị em phụ nữ cơ sở tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa), đến năm 2011 vì sức khỏe yếu, bà xin nghỉ hẳn về chăm lo cho gia đình.

Bà Nguyễn Thị Cảnh ở khu phố Ninh Tịnh 6 (phường 9, TP Tuy Hòa) cho biết: “Hồi ấy tôi là dược tá công tác tại Xưởng Dược 2, Phân khu Nam, còn chị Xuân là y tá đơn vị sau đó chuyển sang C19. Tuy công tác khác bộ phận, đơn vị nhưng tôi biết chị Xuân tính tình hiền lành, tích cực, năng nổ và linh hoạt trong nghiệp vụ chuyên môn, làm việc có trách nhiệm. Đến năm 1974, tôi được đưa ra miền Bắc an dưỡng và học tập thì mới có dịp ở chung với chị Xuân. Sau giải phóng trở về mỗi người mỗi công việc nhưng chị em cũng thỉnh thoảng gặp gỡ, hàn huyên ôn lại chuyện xưa”.

“Gia đình bà Lê Thị Thanh Xuân là gia đình cách mạng, đều là đảng viên gương mẫu, luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương”, ông Bùi Tấn Lai, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Long Bình, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An nhìn nhận.

Hồi ấy tôi là dược tá công tác tại Xưởng Dược 2, Phân khu Nam (sau đó Xưởng Dược thuộc Tỉnh đội Phú Yên), còn chị Xuân là y tá của đơn vị sau đó chuyển sang C19. Tuy công tác khác bộ phận, đơn vị nhưng tôi biết chị Xuân tính tình hiền lành, tích cực, năng nổ và linh hoạt trong nghiệp vụ chuyên môn, làm việc có trách nhiệm.

Bà Nguyễn Thị Cảnh ở khu phố Ninh Tịnh 6, phường 9, TP Tuy Hòa

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/271015/ky-uc-chien-truong-xua-cua-cuu-quan-y-le-thi-thanh-xuan.html