Ký ức của nhà văn Hồ Anh Thái về người cậu họa sĩ nổi tiếng
Tuổi đôi mươi, đang là sinh viên, lâu lâu gặp cậu Thủ, tôi đều nghe cậu nói say sưa về triết Phật.
Hồi đó tôi có hiểu gì đâu, những thứ ấy nghe để thấm vào mình, nhưng nó ở nguyên trong đầu mà không lý giải. Cậu còn đưa cho một vài quyển sách mỏng giấy nâu vàng, trong ấy có những công án thiền càng gây bối rối. - Ngài hỏi đi - Ta đã hỏi rồi -Ngài hỏi chi? - Ông đã trả lời chi? - Tôi không trả lời gì cả - Ta cũng không hỏi gì cả...
Cũng chịu ảnh hưởng của cha, con trai cậu là họa sĩ Hồ Hồng Lĩnh từ khi còn ít tuổi đã tâm đắc với triết học phương Đông. Lĩnh nói với tôi: Krishnamurti không phải là nhà tư tưởng mà là nhà vô tưởng.
Tôi vẫn nghe mà để đấy. Tưởng như quá xa xôi. Rồi về sau, tình cờ số phận sắp đặt thế nào đó, đang làm việc ở Bộ Ngoại giao, tôi lấy được học bổng đi Ấn Độ. Đi Ấn Độ mà không biết gì về cái đại dương văn hóa ấy. Đi Ấn Độ mà không biết gì về Phật. Thế rồi dần dần, mưa dầm thấm lâu. Phải ở xứ Bắc mới biết mưa dầm nó thế nào. Mưa dầm dề dai dẳng triền miên. Cứ thế mà thấm sâu.
Về sau nghĩ lại, những điều cậu Thủ nói về Phật, những bức tranh của cậu như thiền, những quyển sách ố vàng cậu đưa ngày trước... tất thảy những điều đó có sợi chỉ mỏng manh nào nối vào con đường dẫn mình tới Ấn Độ? Thế rồi mấy chục năm nghiên cứu văn hóa Ấn Độ, dăm bảy cuốn sách tôi viết về Ấn Độ tôi đều gửi cậu Thủ đọc. Namaskar, xin chào Ấn Độ; Đức Phật, nàng Savitri và tôi; Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên; Ở lại để chờ nhau, Chốc lát những bến bờ... Cậu nhìn những bìa sách, có khi bảo, nên vẽ thế này thế kia cho đúng màu sắc đúng bố cục, cho đúng là Ấn Độ...
Năm 1991, anh Nguyễn Trọng Chức ở báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh có một chuyến đi tu nghiệp báo chí ở Ấn Độ. Họa sĩ Hồ Hữu Thủ nói có đứa cháu làm việc ở đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi và viết một bức thư giới thiệu. Tôi lúc ấy là thư ký đại sứ, xa nhà lâu, nhận được thư cậu Thủ thì mừng lắm. Anh Chức viết nhiều về mỹ thuật, anh kể Hồ Hữu Thủ là thành viên nhóm họa sĩ trẻ Sài Gòn từ năm 1965, một nhóm tiên phong với nhiều tìm tòi cách tân, gồm những họa sĩ trưởng thành rất sớm như Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Hồ Hữu Thủ...
Mỗi người một phong cách, mỗi người một con đường riêng, nhưng đều thành công đáng kể. Hồ Hữu Thủ từ nhiều chất liệu, dần dần hướng sâu vào sơn mài và trở thành tay sơn mài hàng đầu trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.