Ký ức của những chiến sĩ an ninh ở chiến trường Trị Thiên khói lửa

Thời gian đã lùi xa, nhưng trong ký ức của những cựu chiến sĩ an ninh trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Trị Thiên máu lửa vẫn không thể nào quên được những tháng ngày vào sinh ra tử. Và, hằng năm, cứ đến Ngày Truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7), những cựu cán bộ may mắn sống sót có dịp ngồi lại với nhau để nhớ về những đồng đội mình đã ngã xuống ở chiến trường, để ôn lại sự tự hào một thời tuổi trẻ...

Gặp cô gái bảo vệ “đầu não” Khu ủy Trị Thiên

Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm đến căn nhà bà Trần Thị Sửu (sinh năm 1951, quê ở tỉnh Quảng Trị) nằm khuất sâu trong kiệt nhỏ ở đường Trần Phú, phường Phước Vĩnh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm lên 13 tuổi, chứng kiến các cô chú trong làng và các anh, chị đều theo cách mạng, cô gái Trần Thị Sửu ngày đó tham gia hoạt động an ninh cho Công an xã Hải Thượng. Với đôi quang gánh ngày ngày đến chợ, Sửu đã bí mật đưa công văn từ công an xã lên Công an quận lỵ Mai Lĩnh. Tối đến, Sửu cùng lực lượng du kích trong làng tập trung vót chông, cài mìn và canh hầm bí mật cho cán bộ.

“Hôm đó, khi vừa đưa các bác, các chú công an xuống hầm bí mật ở giữa làng và chưa kịp đậy nắp hầm thì một nhóm quân phía bên kia khoảng 12 tên tiến lại gần. Lúc này, bất đắc dĩ, tôi phải giả vờ đang đi vệ sinh và ngồi lì trên nắp hầm. Một lúc sau, địch thấy vậy, lắc đầu rồi bỏ đi”, bà Sửu kể.

Bà Trần Thị Sửu và tấm Huân chương kháng chiến.

Bà Trần Thị Sửu và tấm Huân chương kháng chiến.

Sau nhiều tháng ngày bí mật đưa công văn, tài liệu từ cơ sở lên Công an quận lỵ, một buổi chiều mùa đông năm Mậu Thân 1968, bà Sửu cùng hai cô gái trong làng đang đi nắm tình hình cơ sở thì bị địch phát hiện. “Chúng đưa chúng tôi về đồn, rồi chuẩn bị các băng ghế dài, 1 thùng dây, 3 thùng xà phòng, 3 thùng nước ớt... Lúc này, chúng bảo: Nếu các cô không khai báo thì sau khi ăn cơm tối, chúng tôi sẽ tra tấn. Lợi dụng khi địch đi ăn cơm, chúng tôi lén lút bỏ trốn trong đêm tối và chạy gần 5 km về đến trụ sở công an xã”, bà Sửu nhớ lại. Sáng hôm sau, các cô gái ấy vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.

Xem lại những kỷ vật gắn bó với mình trong thời kỳ kháng chiến, bà Sửu bồi hồi, kể: Sau 2 năm hoạt động an ninh tại địa phương, tôi bị địch đưa vào tầm ngắm khi che chở, đưa nhiều cán bộ công an cốt cán trốn ở các hầm bí mật trong làng. Một ngày cuối tháng 7/1969, khi tôi đang đưa thư từ công an xã lên Công an quận lỵ và còn khoảng 2 km là tới nơi thì bị địch phát hiện. Tuy nhiên, được sự dặn dò của cấp trên, trước khi bị chúng bắt giữ, tôi đã kịp vứt bỏ toàn bộ giấy tờ xuống cánh đồng.

Sau khi đưa tôi về chỗ giam giữ, địch lục soát người tôi nhưng không tìm thấy bất cứ tài liệu gì. Tại đây, tôi nói với bọn chúng: tôi không phải là lực lượng an ninh. Những ngày tiếp theo, chúng đe dọa, lấy lời khai, không cho ăn nhưng tôi trả lời trước sau như một. Rốt cuộc, sau 1 tuần giam giữ, chúng buộc phải thả tôi ra. Tôi lại tiếp tục hoạt động cách mạng...

Sau lần ấy, ngày 20/10/1969, Trần Thị Sửu được biệt phái làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trụ sở Khu ủy Trị Thiên đóng ở trên rừng. “Lúc đó, tôi cùng một cô gái hoạt động bí mật đơn tuyến. Chúng tôi vừa bảo vệ trụ sở của khu ủy Trị Thiên, vừa về đồng bằng tải gạo, thực phẩm lên cho cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tại chiến trường. Mỗi lần vậy, máy bay của địch cứ rà rà trên đầu, còn dưới đường thì địch cài mìn khắp nơi. Không ít đồng đội đã ngã xuống ở đây. Hôm đó, chị Nguyễn Thị Hóa, đồng đội của tôi trên đường từ rừng về đồng bằng để lấy gạo lên thì không may giẫm trúng mìn do địch cài và hy sinh tại chiến trường ở tuổi 17”, bà Sửu bùi ngùi kể lại.

Năm 1971, bà Sửu được cấp trên cử đi học Khóa 71, Trường Đại học Sơn Tây, Hà Nội. Chỉ học được vài tháng thì bà Sửu cùng đồng đội nhận được tin báo, chiến tranh ở Quảng Trị đang trở lại khốc liệt. “Ngay chiều hôm đó, chúng tôi tức tốc lên xe vào Quảng Trị và đến thẳng chiến trường thành cổ. Tại đây, những cán bộ an ninh nói riêng cũng như lực lượng Công an Trị Thiên nói chung cùng toàn quân và dân Quảng Trị đã dốc sức, giải phóng hoàn toàn Quảng Trị. Đúng 11h ngày 1/5/1972, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kiêu hãnh tung bay trên dinh tỉnh trưởng tại thị xã Quảng Trị...”, bà Sửu kể lại với giọng đầy tự hào.

Ghi nhận những công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thiếu tá Trần Thị Sửu được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Ba. Sau ngày giải phóng, bà Sửu lập gia đình với một chiến sĩ an ninh vũ trang (sau này, chuyển công tác qua Bộ Chỉ huy biên phòng). Lúc đó, bà Sửu được cấp trên phân công về công tác tại Phòng Chống phản động, sau đó đổi tên Ban An ninh Bình Trị Thiên. Thời điểm đó, Thừa Thiên-Huế là một trong những trọng điểm mà các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề nhạy cảm trên tất cả các lĩnh vực tôn giáo, tư tưởng, văn hóa... để kích động, gây rối chính trị.

“Gần 20 năm bám trụ, được giao phụ trách an ninh tôn giáo, nhiều hôm mưa bão, 11h -12h khuya, tôi vẫn còn đạp xe về cơ sở và nằm vùng dài ngày ở đó. Cuộc sống rất vất vả, khó khăn nhưng vợ chồng tôi may mắn có 3 người con đều học hành đến nơi đến chốn. Hiện, cô con gái đầu lòng đã nối nghiệp mẹ...”, bà Sửu vui mừng cho hay.

Những chiến sĩ an ninh được phong danh hiệu Anh hùng

Gần 50 năm trôi qua nhưng trong ký ức các chiến sĩ Ban An ninh thành phố Huế vẫn nhớ như in thời khắc trước giờ giải phóng chiến trường Trị Thiên-Huế. Thời điểm đó, Bộ Công an đã chi viện 1 Tiểu đoàn An ninh vũ trang gồm 500 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu. Mở đầu chiến dịch tại Huế, chỉ sau mấy ngày đầu lực lượng an ninh cùng lực lượng quân đội đã đánh tan các cứ điểm của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Còn lực lượng an ninh đã tiến công vào sâu và chiếm đóng các ty cảnh sát của địch. Sau 18 ngày đêm, ngày 26/3/1975, lá cờ giải phóng được quân và dân ta kéo lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu thời khắc lịch sử chiến trường Trị Thiên-Huế sạch bóng quân thù và tỉnh Thừa Thiên-Huế hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng này đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc, góp phần quyết định vào thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nói về dấu ấn lực lượng an ninh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ánh mắt của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Phong, tên thật là Trần Đình Lưỡng (sinh năm 1929, quê ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) như bừng sáng, đầy tự hào. Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông Trần Phong tập kết ra miền Bắc và tham gia lực lượng Công an vũ trang. Cuối năm 1966, ông được Bộ Công an tăng cường cho An ninh thành phố Huế, hình thành Ban Chỉ huy lực lượng trinh sát vũ trang hoạt động nội thành Huế theo yêu cầu nhiệm vụ mới.

“Sau Mậu Thân 1968, địch đánh phá rất ác liệt nhưng nhờ sự chuẩn bị trước nên lực lượng trinh sát vũ trang nội thành Huế vẫn cùng nhân dân kiên cường bám trụ lại vùng đồng bằng để hoạt động. Từ năm 1971, sau khi được phân công làm Phó Ban rồi Trưởng Ban An ninh thành phố Huế, tôi đã cùng đồng đội tổ chức nhiều trận đánh địch và giành được chiến thắng vang dội. Nhất là thời điểm lực lượng An ninh thành phố Huế và trinh sát vũ trang mật tại địa bàn huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) chuẩn bị vũ khí đầy đủ tiến vào Huế. Chúng tôi đột nhập vào chiếm lĩnh Ty Cảnh sát Thừa Thiên ở số 15 Trần Cao Vân, Trung tâm Cảnh sát sắc phục ở số 42 Hùng Vương, Trung tâm Thẩm vấn Mỹ - ngụy trên đường Lê Quý Đôn, chiếm giữ tạm cho đến khi Huế hoàn toàn giải phóng”, Anh hùng Trần Phong nhớ lại giây phút lực lượng An ninh chiến đấu góp phần làm chủ thành phố, giúp Huế giải phóng hoàn toàn.

Đến thăm nhà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lài (nằm cuối đường Dương Văn An, phường Xuân Phú, thành phố Huế) - một trong những biệt động thành của Ban An ninh TP Huế từng bị địch chôn sống. Là cơ sở cách mạng, năm 14 tuổi, bà Lài đi ở (giúp việc nhà - PV) cho các gia đình cảnh sát ngụy, luật sư hoặc những gia đình có vai vế để nắm tình hình. Ban ngày, bà Lài làm giúp việc nhà, tối đến xin chủ nhà lấy đôi chục ổ bánh mỳ đi bán dạo mà thực chất là đi rải truyền đơn và dán cờ cách mạng. Không lâu sau, cấp trên đặc phái bà Lài về lực lượng trinh sát vũ trang thuộc Ban An ninh TP Huế. Với các nhiệm vụ phá sự kìm kẹp của địch, diệt bọn ác ôn, ngụy quân và ngụy quyền. Từ năm 1970, bà Lài cùng đồng đội tổ chức rất nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần” khiến địch không kịp trở tay.

Anh hùng Nguyễn Thị Lài trò chuyện với Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát trong lễ tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. (Ảnh tư liệu).

Anh hùng Nguyễn Thị Lài trò chuyện với Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát trong lễ tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. (Ảnh tư liệu).

Tháng 2/1971, sau thất bại ở chiến dịch đường 9 Nam Lào, Mỹ - ngụy tổ chức nhiều chiêu trò để trấn an tinh thần sĩ quan và binh lính. Tại TP Huế, chúng tổ chức chiếu phim, triển lãm tuyên truyền chiến thắng giả tạo ở rạp chiếu bóng Tân Tân nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Bằng sự mưu trí, nữ biệt động Nguyễn Thị Lài quyết đánh một trận phủ đầu vào rạp chiếu bóng này. “Để lọt được vào rạp, tôi mặc áo dài trắng, tay xách giỏ hoa đóng giả bạn gái một thiếu úy quân đội Việt Nam Cộng hòa nên kẻ địch không nghi ngờ. Khi quả mìn hẹn giờ ở rạp phát nổ tiêu diệt nhiều sĩ quan và cảnh sát ngụy thì quân địch mới hoảng hốt truy lùng Việt Cộng...”, bà Lài bồi hồi nhớ lại trận đánh cảm tử ngày ấy.

Sau trận đánh đó, bà Lài cùng động đội tiếp tục tổ chức nhiều trận đánh khác cho đến ngày bị địch bắt vào tháng 4/1971. Những ngày bị giam cầm ở xà lim Lê Quý Đôn, bà bị kẻ địch tra tấn bằng roi điện, máy điện quay tay. Kẻ địch còn bắt rắn cho bò vào ống quần, cạp quần bà nhưng thấy bà không hé môi nói nửa lời, chúng tiếp tục lấy dao rạch tay lộ gân trắng rồi đào hố đem bà chôn sống. Thấy bà có mái tóc dài, địch lại nắm tóc quấn lên chiếc quạt trần treo trên tường rồi cho quạt quay... nhưng bà vẫn kiên quyết không khai, một lòng kiên trung với cách mạng.

Sau ngày giải phóng, tháng 6/1976, bà Nguyễn Thị Lài vinh dự được bầu làm Chủ tịch Đoàn Đại hội tuyên dương Anh hùng các lực lượng An ninh miền Nam và được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bà Lài còn được tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng, Huân chương Giải phóng, Huy hiệu Tấn công nổi dậy, anh dũng kiên cường...

Trong dịp 20 năm giải phóng Thừa Thiên-Huế, Thiếu tướng Phan Văn Lai, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên-Huế đã sáng tác bài thơ “Điểm tựa trong lòng dân”, trong đó có đoạn: “Lấy đất làm giường/ Lấy hầm làm nhà/ Mưa gió đội trời che thân/ Giá rét lấy sương sưởi ấm/ Đói lòng lấy nước thay cơm...”. Đoạn thơ thể hiện sự kiên cường, bất khuất của lực lượng Công an trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cụ thể là chiến dịch Trị Thiên-Huế năm 1975 - trận đánh mang dấu ấn lớn của lực lượng An ninh nhân dân.

Hải Lan

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/ky-uc-cua-nhung-chien-si-an-ninh-o-chien-truong-tri-thien-khoi-lua-i736858/