Ký ức đẹp

Tôi sinh ra ở một miền quê; thời mẫu giáo thì học ở nhà ông giáo cùng làng; lớn lên thêm một chút nữa học trường cấp I, cấp II ở xã. Sau năm 1975, quê tôi mỗi xã chỉ có một trường cấp II. Trong ký ức tôi, ngôi trường như một mái nhà thân thương mà ở đó thầy cô và bạn bè là những người họ hàng, bà con láng giềng. Năm tôi lên lớp 6, trường cách nhà độ chừng 3 km, tất cả anh em, bạn bè của chúng tôi đều đi bộ đến trường, học một buổi còn một buổi ở nhà phụ giúp cha mẹ. Lên cấp II mới biết, người dân ở quê chỉ có một vài người làm nghề giáo. Đa số thầy cô cấp II mà tôi học đều là ở 'thành thị'. Thầy cô đạp xe đạp chừng 7 đến 8 km, có người 10 km từ thị xã Phan Thiết lên vùng quê dạy học; sáng đi, chiều về. Cũng có một vài thầy cô đã lập gia đình thì ở hẳn trong nhà trường tại một khu tập thể; phòng ở cột làm bằng gỗ, mái tôn, vách đất xiêu vẹo che nắng che mưa. Tình cảm thầy và trò ở nhà quê chúng tôi lúc bấy giờ thật gần gũi và có rất nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ lại chính xác là năm tôi lên lớp 7, những năm giữa thập niên tám mươi của thế kỷ trước, đầu năm học có 4 thầy cô trẻ về nhận công tác tại trường. Trong đó, có một cô giáo tóc cắt ngắn rất model, mặc quần ống loe, chân đi guốt cao, áo xanh lòe loẹt. Những đứa trẻ nhà quê chúng tôi thật hiếu kỳ đón non, đón già; nào là cô đó dạy tiếng Anh, chỉ có phong cách châu Âu mới như thế; đứa đón cô dạy âm nhạc; đứa thì đón cô phụ trách đoàn, đội… Nhưng tất cả đều đón không trúng, sau buổi chào cờ đầu tuần cô đi vào lớp chúng tôi làm quen, giới thiệu cô tên Lê Đào, 23 tuổi, quê ở xã Hàm Cường, cô sẽ chủ nhiệm và dạy môn văn cho lớp chúng tôi. Cả lớp vỡ òa, đứa này nhìn đứa kia như báo hiệu bạn đón sai rồi, sau đó tất cả đều im lặng, lắng nghe từng lời cô nói.

Ký ức đẹp

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cô chủ nhiệm chúng tôi 3 năm, từ lớp 7 đến hết lớp 9; một quãng thời gian không dài, cũng không ngắn, nhưng cô đã để lại cho chúng tôi những kỷ niệm ngọt ngào của một thời cắp sách nghèo khổ. Cô rất vui vẻ với học sinh, cô coi chúng tôi như những đứa em của mình. Nhưng cô cũng rất nghiêm nghị, luôn nghĩ cách để gần gũi, uốn nắn, nhắc nhở, rèn luyện những học sinh lười học, ham chơi. Cô luôn thông cảm động viên những bạn có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và khuyến khích các bạn học lực khá, giỏi phải biết nỗ lực vươn lên, vượt qua hoàn cảnh để thực hiện ước mơ bé nhỏ của mình. Tôi là lớp trưởng nên được gần gũi cô nhiều hơn và được cô dạy nhiều điều hay, lẽ phải. Cô nói, trong cuộc sống không gì quý bằng tình người, chỉ có tình cảm con người gắn bó với nhau mới vượt qua được mọi khó khăn, thử thách. Nhờ cô mà khả năng học môn văn của tôi khá hơn một chút, cùng với học lực đều ở các môn nên tôi đã vào lớp 10 Trường Phan Bội Châu – Phan Thiết một cách dễ dàng. Thời gian dần trôi qua, xa mái trường làng, xa thầy cô giáo ở quê; tôi đã tốt nghiệp cấp ba, tốt nghiệp đại học rồi làm việc lập nghiệp xa quê hương. Nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, và cũng là kỷ niệm 30 năm tốt nghiệp cấp hai. Trong một chuyến công tác, tôi ghé về thăm quê hương, thăm cha mẹ, rủ một số bạn học ở quê ghé lại thăm trường. Niềm vui vỡ òa, cô trò gặp lại nhau sau bao năm xa cách. Cô tâm sự với tôi, gần đây cô gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, do gặp phải một căn bệnh về mắt nên việc soạn giáo án, đi lại lên lớp cũng có một số khó khăn nhất định. Hơn nữa, việc dạy học hôm nay đã hiện đại, thầy cô phải soạn giáo án điện tử và dạy học bằng vi tính, bằng internet… cô tuổi cao không thể theo kịp, nên cô muốn xin về hưu sớm mà không biết làm cách nào để được cấp trên giải quyết. Nhận được thông tin của cô, tôi đã cố gắng liên hệ một số bạn bè học cùng đại học hiện đang làm việc một số sở, ngành của tỉnh nhà. Rồi hồ sơ xin nghỉ hưu sớm của cô cũng được tiếp nhận, được giải quyết chế độ khi năm học vừa kết thúc. Khi nhận được quyết định nghỉ hưu sớm 3 năm, được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, cô gọi điện cho tôi trong niềm vui không kể xiết. Cô nói: Hơn 30 năm trồng người của cô, hôm nay cô hái được một trái ngọt, cảm ơn em rất nhiều, lần sau về quê, nhớ gọi điện và ghé thăm cô nhé. Tôi đã vui lây với niềm hạnh phúc của cô. Tôi thầm cảm ơn ông trời, thầm cảm ơn ngành giáo dục đã mang cô Lê Đào đến dạy văn cho tôi, dạy tôi cái nhân nghĩa ở đời khi tôi vừa mới lớn. Kỷ niệm những ngày gần gũi, học tập với cô bây giờ chỉ còn trong ký ức; những ngày tháng xa quê, cuộc sống nơi phố thị cuốn theo dòng đời xuôi ngược, tôi vẫn cất giữ trong lòng những kỷ niệm vui buồn nơi làng quê yêu dấu. Ở đó, tôi có những tháng ngày hạnh phúc cùng gia đình, mái trường và những thầy cô yêu dấu.

Đỗ Văn Cường

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/ky-uc-dep-142899.html