'Ký ức' Điện Biên
Ngày 7-5-1954 chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Trong chiến dịch 'Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' ấy, quân dân Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp, được Bác Hồ khen ngợi: 'Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó'.
Một thời đạn bom
Đã 97 tuổi, ông Thiều Quang Mộc, nguyên Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) vẫn còn minh mẫn, giọng sang sảng. Ông hào hứng kể: “Năm 1954, tôi chỉ đạo đại đội dân công bộ (gánh bộ, gánh bồ) gồm 2 trung đội nữ và 1 trung đội nam, tổng cộng trên 100 người. Mỗi chuyến đi, một người gánh hai bồ, mỗi bồ 25kg, nếu đi xa thì mỗi bồ 15kg. Tôi cùng đại đội đi từ thị xã Thanh Hóa lên Hồi Xuân rồi theo hướng Sơn La sang bên Lào… Thời gian đầu chúng tôi vừa đi vừa phát cây rừng để mở đường”.
Sau giải phóng Điện Biên, dân công mãn hạn được cho về, chỉ một số còn ở lại để dọn dẹp kho, binh trạm, chừng nửa tháng. Vừa nói ông vừa lục tìm kỷ vật duy nhất ông còn giữ. “Lúc bộ đội giải tù binh, chúng tôi đương còn dọn các kho ở lại. Các anh bộ đội cho mỗi người 1 mảnh vải dù dùng thả hàng. Lúc đó là quý lắm, tặng cho nhau để quàng cổ”. Ông còn cho chúng tôi biết thêm thông tin về tờ giấy chứng nhận đi đường đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Không chỉ đi dân công tuyến Điện Biên Phủ, ông còn đi ra Nho Quan, Đồng Giao, Quán Cháo. Mỗi đợt đi khoảng 1 tháng đến 1 tháng rưỡi, hết chiến dịch lại về địa phương, rồi khi có lệnh của trên là lại đi.
“Tiếc là tôi chưa bao giờ được quay lại Điện Biên. Lúc có sức khỏe thì điều kiện công việc và thời gian không cho phép. Giờ có điều kiện, có thời gian thì lại không còn sức khỏe để đi”, ông Thiều Quang Mộc nói với giọng tiếc nuối. Căn nhà số 250 đường Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, nơi ông sống gần 80 năm nay, trước đây thỉnh thoảng những “cô gái” trong đội nữ dân quân Nam Ngạn đi qua thường ghé vào hỏi thăm ông, nay hầu hết đã không còn. “Tôi vẫn vận động mỗi ngày, sống vui, sống khỏe, gắng sống trên 3 con số”, trong lời nói của ông Thiều Quang Mộc tôi nhận ra chất lính, sự kỷ luật ở một con người đã đi qua, chứng kiến, chiến đấu xuyên qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại của cả dân tộc.
Năm nay đã bước vào tuổi 89 nhưng cựu chiến binh (CCB) Hoàng Văn Tuất, thôn Thịnh Hòa, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) vẫn rất khỏe mạnh. Khi được chúng tôi hỏi về thời điểm tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, giọng nói của ông sôi nổi hơn. Vừa lần tìm những huân, huy chương, kỷ niệm chương được khen thưởng thời kỳ tham gia chiến dịch Điện Biên, ông Tuất vừa kể cho chúng tôi về quá khứ đầy hào hùng của ông và đồng đội.
Năm 1953, khi vừa tròn 19 tuổi, chàng trai trẻ Hoàng Văn Tuất đã lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và được biên chế vào Tiểu đội 3 Trung đoàn 148 quân khu Tây Bắc. Lúc bấy giờ, để có mặt tại vùng đất Điện Biên giao chiến với kẻ thù, những người lính như ông Tuất đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Không quản đêm ngày, họ phải đi bộ hàng trăm cây số, đối diện với đường đi khúc khuỷu, gồ ghề, mưa nắng, muỗi, vắt… Vì lẽ đó, nhập ngũ từ đầu năm 1953 mà mãi gần 6 tháng sau, ông và đồng đội mới đến được Điện Biên và bắt đầu bước vào cuộc chiến. Cuối năm 1953, tướng Navarre chính thức quyết định xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ “chưa từng thấy” ở Đông Dương với 49 cứ điểm mạnh mẽ, được viện trợ tối đa binh lực, hỏa lực và sự dẫn dắt chỉ huy của đại tá De Castries (Đờ Cát-xtơ-ri). Vào giữa tháng 3-1954, sau khi chuẩn bị về mọi mặt, ta chính thức mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong thời điểm lịch sử quan trọng này, ông Tuất và đồng đội may mắn được giao nhiệm vụ đánh chiếm đồi Độc lập rồi Đồi A1, tiến thẳng vào hầm De Castries.
Sau chiến thắng Điện Biên, người lính Hoàng Văn Tuất tiếp tục sang Lào tiêu diệt quân thổ phỉ cho đến năm 1960 thì chuyển ngành sang Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam rồi làm tại mỏ Cromit ở Triệu Sơn. Đến năm 1978, ông về nghỉ chế độ tại địa phương. Sau đó, ông tiếp tục làm thường trực tại UBND xã Hoằng Thịnh đến năm 1984.
Ký ức một thời đạn bom ấy đến bây giờ những người như ông Mộc, ông Tuất… chưa bao giờ quên.
Và những đóng góp của quân và dân Thanh Hóa
Trong giai đoạn ấy kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang Thanh Hóa một mặt phải tổ chức chiến đấu bảo vệ địa phương, mặt khác phải tích cực chi viện cho chiến trường thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Trong đó chỉ tính riêng chiến cuộc Ðông xuân 1953-1954, Thanh Hóa là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Thanh Hóa đóng góp hơn 2,3 triệu ngày công sửa chữa 114km đường giao thông phục vụ tiền tuyến. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa huy động 11.000 xe thồ, 1.500 chiếc thuyền, 120 con ngựa thồ, 120.254 dân công dài hạn, 76.670 dân công ngắn hạn, vận chuyển 50% khối lượng lương thực, 40% khối lượng thực phẩm phục vụ chiến dịch và có 5,6 vạn thanh niên đã lên đường nhập ngũ. Lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã bổ sung một tiểu đoàn, hai đại đội, hai trung đội và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu. Những tấm gương anh hùng liệt sĩ như: Trần Ðức, Lê Công Khai, Trương Công Man, Tô Vĩnh Diện... và hàng nghìn dân công hỏa tuyến tỉnh Thanh Hóa ngã xuống trên các nẻo đường chiến dịch, hòa mình vào núi sông.
Có những sự kiện lịch sử thời gian càng lùi xa thì tầm vóc, ý nghĩa của nó càng vĩ đại. Và chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một sự kiện như vậy. Đến Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa những ngày này, tại phòng trưng bày “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước 1945-1975” có rất đông khách tham quan. CCB Hà Văn Pớt (khu 3, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa) cho biết: Dù tôi chỉ tham gia kháng chiến chống Mỹ nhưng được nhìn thấy những hiện vật, tranh ảnh quý hiếm về chiến thắng Điện Biên Phủ như chiếc xe đạp thồ còn nguyên vẹn, chiếc sọt nan, chiếc kiềng sắt đoàn dân công dùng để nấu ăn dọc đường vận chuyển hàng ra chiến trường… tôi rất xúc động và cũng tự hào vì mình đã nêu gương những thế hệ đi trước, góp một phần nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ và dựng xây quê hương.
Theo ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và phối hợp nên trong năm có nhiều đoàn CCB, học sinh, sinh viên đã đến Bảo tàng tỉnh tham quan, tìm hiểu tư liệu. Đặc biệt, vào những ngày tháng 5 này, bảo tàng thu hút rất đông CCB ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tham quan. Nhiều người chia sẻ với chúng tôi rằng, xem phần trưng bày “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” họ đã hình dung được một cách tổng thể cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam nói chung, của quân và dân Thanh Hóa nói riêng.
Vào những ngày tháng 5 lịch sử này, được gặp lại những nhân chứng đã tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng tôi vừa mừng vì họ vẫn còn sống khỏe, vừa tự hào khi được nghe những câu chuyện, những sự kiện dù đã diễn ra cách đây đã lâu nhưng vẫn như mới ngày hôm qua. Bởi, phần ký ức ấy đã hằn sâu, đã được khắc ghi và không bao giờ quên.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/ky-uc-dien-bien/27239.htm