Ký ức hào hùng trong cuộc đời người lính
70 năm đã qua đi, những người góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Bắc Ninh luôn tự hào về những năm tháng gian khổ, nhưng đầy oanh liệt.
Cùng với quân dân cả nước trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Bắc Ninh đã phát động phong trào thi đua “Diệt nhiều sinh lực địch trên quê hương” với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, vừa đẩy mạnh các hoạt động quân sự, vừa đảm bảo giao thông, vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược cho chiến trường.
Trong ký ức của ông Lương Duy Tám, sinh năm 1937 ở thôn Lương Xá, xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, buổi chiều hè 7/5/1954 dường như không phai mờ trong suốt 70 năm qua. Vào mỗi tháng 5, ông Tám đều nhớ về chiến trường xưa, về đồng đội và những ngày "nếm mật nằm gai". Khoảng thời gian đó là dấu ấn lớn nhất trong đời lính của ông.
Ông Tám bồi hồi chia sẻ: Năm 1954 khi mới 17 tuổi, như bao thanh niên khác ông háo hức lên đường nhập ngũ, lúc ấy không biết gian khó là gì, chỉ biết mình đang đi thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, tự hào lắm. Có những lúc cái chết cận kề nhưng ông và đồng đội vẫn quyết chiến với tinh thần người lính cụ Hồ. "Buổi chiều 7/5 lịch sử ấy, khi nghe tin quân ta giành chiến thắng anh em chúng tôi vui sướng khôn cùng, quên ăn quên ngủ...", ông nhớ lại.
Mỗi lần ngược thời gian về với khí thế hào hùng đó là mỗi lần ông Tám rưng rưng nhớ thương những đồng đội đã anh dũng hy sinh. Ông Tám tâm sự: "Chúng tôi đã có những ngày cùng hướng về phía quân thù, cùng chung một mục đích, bao gian khó cùng nhau nếm trải, đó là thứ tình cảm thiêng liêng khó nói thành lời. Tôi may mắn được trở về với gia đình, còn biết bao đồng đội của tôi nằm lại, họ hy sinh cả tuổi xuân, gia đình họ chịu mất mát lớn, với tôi các đồng chí ấy còn hơn cả ruột thịt. Vì thế, tôi mong các thế hệ sau này luôn ghi nhớ công ơn đó và hãy ra sức bảo vệ đất nước, làm giàu cho quê hương".
Bà Nguyễn Thị Thao ở phường Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh từng là dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ xúc động chia sẻ: Năm 16 tuổi, bà Thao theo dấu chân những người lính cụ Hồ lên đường làm nhiệm vụ chuyển lương thực cho tiền tuyến. Khi ấy các thanh niên đầy nhiệt huyết, không một ai chùn bước trước những khó khăn bủa vây. Thức ăn chủ yếu là rau rừng với măng nhưng tinh thần thanh niên, tinh thần chiến đấu lấn át tất cả. Ngày chiến thắng dù ở tuyến sau nhưng ai nấy đều vui mừng khôn xiết, cả tiểu đội của bà Thao không ai bảo ai đều quên ăn, quên ngủ, hát mừng chiến thắng suốt đêm, lúc ấy mới nghĩ đến ngày trở về quê hương.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 400 thương binh, bệnh binh, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, Anh hùng lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, có khoảng 152 chiến sĩ Điện Biên, 80 cựu thanh niên xung phong, 48 dân công hỏa tuyến và 117 gia đình có thân nhân là liệt sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch.
Ông Phạm Hồng Thắng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh khẳng định, dù tuổi cao, sức yếu nhưng những người chiến sỹ Điện Biên năm xưa của tỉnh Bắc Ninh vẫn vẹn nguyên ký ức về thời hào hùng đó. Trở về quê hương trong thời bình, các bác vẫn giữ được tinh thần Bộ đội cụ Hồ, là những tấm gương cho lớp trẻ noi theo và là niềm tự hào của con cháu, của quê hương vì đã góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân tỉnh Bắc Ninh không ngại hy sinh, gian khổ, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch. Với những chiến công oanh liệt trong phong trào thi đua giết giặc lập công của quân và dân Bắc Ninh, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như: Đội Công an danh dự tỉnh Bắc Ninh có thành tích diệt tề, trừ gian, đột nhập đánh sân bay Gia Lâm, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi. Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng nổi danh cả nước về thành tích chiến đấu chống thực dân Pháp, được tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác “đền ơn, đáp nghĩa”. Đây là việc làm thường xuyên, thể hiện sự tri ân của cán bộ, đảng viên, cộng đồng xã hội với những người có công với cách mạng, với các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đặc biệt trong thời gian này, tỉnh Bắc Ninh tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức triển lãm chuyên đề “Bắc Ninh trong kháng chiến chống thực dân Pháp”. Với trên 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật chọn lọc, triển lãm phản ánh sinh động, sâu sắc bức tranh toàn cảnh về bề dày lịch sử, văn hiến và yêu nước, cách mạng của vùng đất, con người Bắc Ninh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như sự năng động, phát triển trong thời kỳ đổi mới.
Bên cạnh đó, các buổi nói chuyện truyền thống cách mạng, tuần lễ chiếu phim tài liệu, phim truyện và trình diễn các ca khúc cách mạng, tác phẩm nghệ thuật đạt giải cao tại liên hoan tuyên truyền lưu động “về với Điện Biên”, cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách và xếp mô hình sách nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên - Vang mãi bản hùng ca”, hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều ấn tượng. Thông qua các hoạt động, khẳng định Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thể hiện sức mạnh, tính sáng tạo và độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; đặc biệt là tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến thắng ấy xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.