Ký ức khắc ghi

Chia tay Báo Hải Dương với đồng nghiệp nghĩa tình thắm thiết, tôi về Báo Hưng Yên khi tái lập tỉnh (1/1997). Đến năm 2002, tôi được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu ở quê nhà.

Tuy chỉ 5 năm công tác ở Báo Hưng Yên nhưng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên. Khi tái lập tỉnh, Báo Hưng Yên gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về chỗ ở, nơi làm việc chật chội, tạm bợ, phương tiện in ấn chưa có. Ngoài mấy phóng viên ở Báo Hải Hưng chuyển về còn vài anh chị em từ các địa phương, ngành nghề khác nhau không được đào tạo chuyên ngành báo chí làm hợp đồng... Các anh Đắc, anh Tuyến còn ở thành phố Hải Dương chưa về kịp. Tôi và anh chị em trong tòa soạn động viên nhau cố gắng làm tốt phần việc được giao. Các phóng viên say sưa tìm tòi, đi cơ sở, bám sát thực tế, trao đổi, giúp nhau về nghiệp vụ, phản ánh trung thực, sinh động đời sống xã hội, nguyện vọng của dân, phát hiện cổ vũ điển hình tốt… góp phần định hướng dư luận đúng đắn, củng cố niềm tin của dân với Đảng. Những chuyến đi giao lưu, học hỏi trao đổi với báo bạn đã giúp cán bộ, phóng viên thêm kinh nghiệm về nghiệp vụ. Mọi người nhắc nhau phản ánh sự việc khách quan, đúng thực tiễn, không tô hồng, bôi đen, bẻ cong ngòi bút. Các anh Phạm Tú - Thư ký tòa soạn (sau là Phó Tổng biên tập đã nghỉ hưu), Huy Phương - họa sĩ (hiện là Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) không quản mưa nắng bão bùng, ngày hè chói chang hay ngày đông tê tái, mệt nhọc vẫn cần mẫn đưa báo sang in tại nhà in Hải Dương để báo Hưng Yên đều đặn đến tay bạn đọc. Anh Công Tuấn - kế toán (hiện là Tổng Biên tập Báo Hưng Yên), chị Phượng - thủ quỹ (đã nghỉ hưu) “tay hòm chìa khóa” tận tụy lo “cơm áo gạo tiền” chu đáo cho anh chị em. Các chị Trầm Na, chị Hường, anh Khanh phát hành báo. Các bộ phận khác hoạt động nhịp nhàng cho báo ra đúng kỳ hạn. Mỗi người mỗi việc cùng nhau gắn bó, khuyến khích, giúp nhau học tập, tham gia khóa học bồi dưỡng hay học đại học tại chức về báo chí; sống chan hòa đầy tình thương, trách nhiệm.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn thăm hỏi, động viên anh chị em tòa soạn, giải quyết kịp thời đề xuất chính đáng của Báo (thành lập, trang bị máy móc hiện đại cho xưởng in báo) và những vướng mắc, nguyện vọng của dân. Qua bài báo phản ánh dân ở thôn Vân Nghệ, xã Mai Động, huyện Kim Động - “hòn đảo” ở giữa sông Hồng - không có điện sinh hoạt, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã đến kiểm tra, chỉ đạo ngành điện cung cấp điện cho dân. Điện về tỏa sáng rạng rỡ trên khuôn mặt, nụ cười của người dân Vân Nghệ với lòng biết ơn Đảng. Cảm động biết bao khi tôi và anh chị em khác yếu mệt được mọi người trong tòa soạn quan tâm, chăm sóc. Các anh Đặng Văn Cảo - Bí thư Tỉnh ủy, anh Phạm Chung Đỉnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy gửi lời thăm hỏi, động viên tôi mau phục hồi sức khỏe.

Từ những ngày đầu gian nan ấy nay Báo Hưng Yên đã “chững chạc” không ngừng phát triển. Tờ báo to đẹp, nhiều thể loại, chuyên mục, nhiều về số lượng, phong phú về nội dung, hấp dẫn về hình thức… Nhiều anh em đồng nghiệp trưởng thành là lãnh đạo Báo Hưng Yên hoặc các ban, ngành của tỉnh hay công tác ở Báo Nhân Dân…

Năm tháng qua đi nhưng ký ức về một thời làm Báo Hưng Yên mãi khắc ghi trong tâm khảm tôi về nghĩa Đảng, tình Dân; về đồng nghiệp ân tình sâu đậm ở Báo Hưng Yên. Tôi tự hào được là thành viên của Báo Hưng Yên.

Với đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Hưng Yên hiện tại có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đam mê, đổi mới, sáng tạo với nghề, phát huy truyền thống hào hùng của các thế hệ trước, Báo Hưng Yên vững bước xa hơn, đáp ứng lòng mong đợi, tin cậy của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh trong tiến trình Hưng Yên khát vọng - phát triển bền vững, giàu đẹp, văn minh.

Phạm Vân Khảm
Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hưng Yên

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202306/ky-uc-khac-ghi-53f06df/