Ký ức không phai mờ của 'Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô'

Trong không khí Thủ đô vui mừng, phấn khởi chào đón kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tại Trường Đội Lê Duẩn, Thành đoàn Hà Nội và Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi Gặp mặt lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.

Kỷ niệm ngày tiếp quản Thủ đô

Phát biểu tại sự kiện, Trưởng ban Liên lạc Đội thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô Nguyễn Văn Khang cho hay, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) đã thành lập “Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô" với hơn 300 đội viên, do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Thường vụ Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam làm đội trưởng.

 Trưởng ban Liên lạc Đội thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô Nguyễn Văn Khang phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: Sỹ Tiến)

Trưởng ban Liên lạc Đội thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô Nguyễn Văn Khang phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: Sỹ Tiến)

Đội được thành lập vào tháng 7.1954 tại đình làng Sòng, nay thuộc xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Yêu cầu đội viên phải là các học sinh sắp tốt nghiệp tú tài, có trình độ văn hóa, có khả năng làm công tác vận động quần chúng, đang học ở các trường trung học kháng chiến ở Việt Bắc, như Hùng Vương, Tân Trào, Lương Ngọc Quyến, Ngô Sĩ Liên, Huỳnh Thúc Kháng...

Hơn 300 đội viên khi đó được chia thành 17 phân đội, vinh dự vào Hà Nội sớm từ ngày 3 đến ngày 6.10.1954 để chuẩn bị công tác tiếp quản Thủ đô. Các đội viên có nhiệm vụ tiếp cận với nhân dân để tuyên truyền, giải đáp khúc mắc cho người dân, giải thích cho nhân dân hiểu về chính sách tiếp quản của Đảng và Nhà nước; dọn dẹp, trang hoàng đường phố; tuyên truyền, vận động thanh niên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô…

Sáng 10.10, các phân đội tỏa về các khu phố, hướng dẫn nhân dân đón chào bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ đô. Hòa cùng nhân dân, thanh, thiếu nhi Thủ đô tay trong tay, cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu tưng bừng đón chào đoàn quân trở về sau 9 năm xa cách…

Sau ngày giải phóng Thủ đô, các phân đội lại tỏa về các khu phố để xây dựng phong trào: Khi thì phổ biến chính sách của Đảng, Chính phủ; xóa khẩu hiệu cũ, kẻ khẩu hiệu mới trên đường phố; vận động thanh thiếu niên và nhân dân hăng hái tham gia các hoạt động xã hội như vệ sinh khu phố; tập hợp thanh niên tổ chức sinh hoạt Đoàn; tuyên truyền chống cưỡng ép di cư… Một bộ phận của đội tiếp tục tiếp quản thành phố Hải Dương, Hải Phòng.

Năm 1955, Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô giải thể, các đội viên được chia ra nhận những nhiệm vụ tại Trung ương Đoàn, Thành đoàn và các quận, huyện Đoàn; nhiều đội viên hăng hái tiếp tục xung phong đi xây dựng đường sắt Hà Nội, Lào Cai; người chuyển về làm việc tại bộ, ngành; một số được cử đi học ở nước ngoài… Hầu hết đội viên tiếp quản Thủ đô sau này đều trở thành cán bộ nòng cốt của thành phố. Các đội viên đều trải qua nhiều nhiệm vụ của Đảng, nhà nước giao và hoàn thành nhiệm vụ.

"Từ hơn 300 đồng chí, hiện nay “Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô" chỉ còn khoảng 50 người, đều đã bước qua tuổi 90. Tuy 70 mùa Thu đã qua, nhưng ký ức về những ngày tiếp quản Thủ đô không phai mờ trong ký ức của mỗi thanh niên xung phong và trong lịch sử dân tộc", ông Nguyễn Văn Khang chia sẻ.

 Những đội viên Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô tại buổi họp mặt (Ảnh: Văn Hiền)

Những đội viên Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô tại buổi họp mặt (Ảnh: Văn Hiền)

Theo Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Đính, ngày 10.10.1954, đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm, của Thủ đô Hà Nội, đánh dấu một trong những bước ngoặt quan trọng nhất, có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang của mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Góp phần vào thời khắc lịch sử thiêng liêng đó, có những cựu thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô 70 năm về trước. Họ là những nhân chứng lịch sử cho một thời kỳ hào hùng, oanh liệt của Hà Nội, góp phần tô thắm trang sử vàng truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, hầu hết đội viên sau này đều trở thành cán bộ nòng cốt của thành phố. Đến nay khi tuổi đã cao, các bà, các bác vẫn tiếp tục giữ vững bản lĩnh chính trị, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, động viên con cháu thực hiện; là những tấm gương cho thế hệ phụ nữ hôm nay học tập và noi theo.

"Chúng tôi, những thế hệ thanh niên xung phong tiếp nối luôn khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thanh niên xung phong, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ,..", Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Đính bộc bạch.

Ký ức không phai mờ theo thời gian

Tại chương trình, Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội đã trao tặng Huy hiệu “Cựu thanh niên xung phong làm theo lời Bác” và quà tặng tới 30 đội viên Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô.

Những cựu thanh niên xung phong tuy đầu đã 2 thứ tóc, nhưng vẫn vô cùng minh mẫn và khỏe mạnh. Tinh thần và nụ cười các đội viên vẫn vẹn nguyên như buổi sáng 10.10.1954.

Ở tuổi gần 90, bà Vương Thị Hiếu, một cựu thanh niên xung phong không giấu được cảm xúc bồi hồi khi là một trong những người đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô và chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội 70 năm qua. Lật giở những bức ảnh đen trắng đã nhuốm màu thời gian, bà ôn lại các kỷ niệm xưa cũ.

 Những bức ảnh đã nhuốm màu thời gian (Ảnh: Văn Hiền)

Những bức ảnh đã nhuốm màu thời gian (Ảnh: Văn Hiền)

Bà Hiếu kể, ngày 2.8, đội Thanh niên xung phong tập trung ở Đại Từ, Thái Nguyên để học tập 8 chính sách của Đảng, Chính phủ đối với đồng bào vùng mới giải phóng, 10 điều kỷ luật trước khi vào tiếp quản Thủ đô và nhiệm vụ của đội. Đến đầu tháng 10, Đội hành quân đi bộ từ Thái Nguyên về Hà Nội.

Địa điểm tiếp quản đầu tiên là Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện 108). Tại đây, đội Thanh niên xung phong trải chiếu ngủ dưới đất, mặc quần áo đồng phục. Các thành viên nữ mặc váy kaki, áo sơ mi trắng cổ lá sen, đội mũ cối - một sự pha trộn độc đáo giữa phong cách trẻ trung của các tiểu thư Hà Nội với sự trang nghiêm của những cán bộ cách mạng.

Đêm 9.10, đội Thanh niên xung phong không ngủ, mỗi người một việc, tất bật chuẩn bị cho sáng hôm sau. Đúng sáng 10.10.1954, các phân đội Thanh niên xung phong tỏa về các khu phố để dán khẩu hiệu, phát truyền đơn, hướng dẫn nhân dân, gọi loa mời thanh niên ra đón các cánh quân từ 5 cửa ô tiến vào Hà Nội.

"Lúc đó, hàng vạn người dân ùa kín 2 bên đường, tay cầm cờ hoa, giương cao ảnh Bác Hồ. Người hát, người đàn, người đánh trống tạo nên một không khí tưng bừng. Trong ký ức tôi đó là một dấu ấn không bao giờ quên, một cảm giác vô cùng thân thương và trìu mến", Bà Hiếu nhớ lại.

 Các đội viên đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản thủ đô trao tặng nhau huy hiệu (Ảnh: Văn Hiền)

Các đội viên đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản thủ đô trao tặng nhau huy hiệu (Ảnh: Văn Hiền)

Đến tháng 4.1955, nhiệm vụ của đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản thủ đô kết thúc một cách xuất sắc. Một số thành viên trong đội được chọn đi du học ở Trung Quốc, Liên Xô, Tiệp Khắc… Một số tiếp tục là thanh niên xung phong đi lao động xây dựng đường sắt.

Hằng năm, các thành viên của đội thanh niên tiếp quản ngày ấy vẫn tổ chức họp mặt để cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa, dù nhiều người đã tuổi cao sức yếu. Những ký ức về ngày tiếp quản Thủ đô lại ùa về trong tâm trí từng đội viên, vẹn nguyên, không phai mờ theo dấu vết của thời gian.

Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ky-uc-khong-phai-mo-cua-doi-thanh-nien-xung-phong-tiep-quan-thu-do-post392681.html