'Ký ức không phai' và chuyện về những đứa trẻ có số phận đặc biệt
'Ký ức không phai' - Tư liệu lịch sử và câu chuyện của cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc - với 58 tác phẩm của 29 tác giả đã ra mắt độc giả TP.HCM. Quyển sách của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM do nhà báo Nguyễn Thế Thanh làm chủ biên là tập hợp những câu chuyện đã chạm đến trái tim người đọc và làm trào dâng biết bao xúc cảm về những mất mát và bù đắp, những hạnh phúc và khổ đau, những chia ly và đoàn tụ. Và trên hết, thấm đẫm những trang sách là lòng biết ơn đối với những vùng đất và con người đã cưu mang, đùm bọc những đứa trẻ cô đơn, côi cút, lạc loài...
Đường sách TP.HCM sáng 23.11 thật rộn ràng. Những chiếc bong bóng đủ màu sắc được trang hoàng nhìn rất vui mắt. Nhà báo Nguyễn Thế Thanh tiết lộ đó là "tác phẩm" của bà Châu Nhật Sinh và các anh chị em học sinh miền Nam (HSMN). Họ đã đến đây lúc tờ mờ sáng để đem đến cho buổi ra mắt sách một không khí thật tươi vui, gợi nhớ những ngày ấu thơ trên đất Bắc.
Bên dưới các hàng ghế, những mái đầu đã bạc của nhiều thế hệ HSMN bên cạnh những gương mặt trẻ măng mới mười tám, đôi mươi của các sinh viên Khoa Báo chí & Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) đã làm nên một bức tranh đẹp về sự kế thừa, tiếp nối. Trong mấy tiếng đồng hồ ngắn ngủi, họ đã được nghe các nhân chứng sống của những ngày tháng cách nay vừa tròn 70 năm nói về những ký ức không thể nào quên của một thời HSMN trên đất Bắc.
Những kỷ niệm khó quên
HSMN trên đất Bắc không chỉ là những đứa trẻ có mặt bên cạnh cha mẹ trên những chuyến tàu từ Nam ra Bắc trong cuộc chuyển quân tập kết sau Hiệp định Genève chấm dứt sự chiếm đóng của Pháp ở Đông Dương (1954-1955) mà là một dòng chảy xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ giành độc lập của nhân dân miền Nam. Dù đi bằng tàu từ Sông Đốc (Cà Mau), đường hàng không từ Kampuchia sang HongKong (Trung Quốc) rồi vòng về Việt Nam hay ngược Trường Sơn theo đường 559 thì những đứa trẻ ấy cũng đã hội tụ về hậu phương miền Bắc, được nuôi nấng, dạy dỗ và trưởng thành như một phần không thể tách rời của cuộc chiến tranh nhân dân.
Tự nhận mình là người "trẻ nhất" có mặt trên những chuyến tàu tập kết đầu tiên rời miền Nam, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể: "Mẹ tôi tập kết trên chuyến tàu dành cho cán bộ, vừa dắt anh trai tôi lúc đó mới 3 tuổi, vừa ì ạch mang cái bầu (trong đó là tôi) rất vất vả. Đến Sầm Sơn mấy tháng sau thì mẹ tôi chuyển dạ. Mọi người phải cáng mẹ tôi lên bệnh viện ở thị xã Thanh Hóa. Sau này mẹ tôi kể lại đó là một đêm tháng 3 rất lạnh, không điện, không đồng hồ nên không biết chính xác là mấy giờ. Mẹ tôi lên tàu tập kết tại cửa sông Ông Đốc, ba tôi đi từ Gành Hào. Sau này tôi thường nói đùa rằng tôi cũng đi tập kết ra Bắc như ai…".
Ngồi lẫn dưới hàng ghế khán giả, bà Dương Thanh Mai len lén lau nước mắt khi nghe trên sân khấu nhắc đến câu chuyện của mình 70 năm trước. Khi đó Thanh Mai mới được 1 tuổi đi cùng gia đình tập kết ra Bắc bằng đường tàu biển. Đang giữa cuộc hành trình thì cô bé bị sốt, bệnh tình rất nguy kịch. Những người chỉ huy trên tàu nói với người mẹ rằng các bác sĩ sẽ cố gắng chữa trị cho bé, nhưng vạn bất đắc dĩ nếu bé không qua khỏi thì họ buộc lòng phải thả xác bé xuống biển chứ không thể giữ lại trên tàu vì điều kiện không cho phép.
"Mẹ tôi kể bà đã khóc hết nước mắt và cầu nguyện. Và phép màu đã xảy ra. Trận ốm đó tôi không chết và khỏe mạnh đến giờ", bà Mai cười nói với tôi.
Có mặt trong buổi ra mắt Ký ức không phai còn có một người phụ nữ mà từ lâu tên bà đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ. Bác sĩ, nhà báo, đạo diễn, nhà văn, họa sĩ... tên gọi nào cũng đúng với bà. Người phụ nữ của Gánh gánh... Gồng gồng, người phiên dịch của đoàn làm phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân Nguyễn Thị Xuân Phượng. Ở tuổi 95, bà vẫn tràn đầy sức sống, khỏe mạnh, minh mẫn.
Bà chia sẻ: "Chứng kiến những giây phút như thế này tôi vô cùng xúc động, bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Ra Bắc trước 1954, tôi được phân công đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Trong đời tôi có hai lần đón tiếp đồng bào miền Nam không thể nào quên. Lần đầu là trong cuộc chuyển quân tập kết 1954-1955, lần thứ hai là năm 1973 khi con tàu cập bến Sầm Sơn mang theo những người tù chính trị vừa được trao trả sau Hiệp định Paris. Trên chuyến tàu này cũng có những đứa trẻ là con của các nữ tù chính trị. Chúng được sinh ra trong tù, phải ở tù cùng mẹ hoặc bị chia cắt tình mẫu tử đến giờ mới được đoàn tụ trên đất Bắc. Đó là một trong những điều tàn khốc nhất của chiến tranh mà chúng ta không thể nào quên".
70 năm với từng ấy ân tình...
Ký ức không phai với hơn 450 trang sách, font chữ hơi to hơn bình thường một chút, rất dễ đọc đối với những người lớn tuổi. Có lẽ đây là chủ ý đầy tinh tế của những người làm sách. Tôi đọc một bài, lại một bài và không thể ngăn mình đừng đọc những bài tiếp theo sau đó. Những trang sách thấm đẫm ân tình, có rất nhiều tiếng cười và không ít nước mắt.
Trong câu chuyện của mình, thầy giáo Lê Ngọc Lập, dạy HSMN từ 1956, kể rằng: "Những năm tháng ấy đã cho tôi biết bao kỷ niệm vui, buồn để rồi chúng khắc sâu vào tâm khảm mà mỗi lần nhắc đến lại bồi hồi xúc động và da diết nhớ thương. Cũng như các đồng nghiệp và các anh chị HSMN, tôi mãi mãi nhớ đến những mái trường HSMN vừa là trường học, là vườn ươm những “hạt giống đỏ" của miền Nam; nơi dạy chữ, dạy người, nơi chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng bay cao và bay xa; vừa là một đại gia đình, một tổ ấm, một cái nôi chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa con miền Nam, những người chủ tương lai của đất nước. Những mái trường ấy đã góp mình làm nên một hình ảnh trường HSMN trên đất Bắc đẹp đẽ...
Tôi mãi mãi nhớ đến những cán bộ quản lý giáo dục, những giáo viên, nhân viên vốn coi khẩu hiệu "Tất cả vì HSMN thân yêu" là mệnh lệnh của trái tim mình, ngày đêm âm thầm, lặng lẽ lao động để những đứa con, đứa em miền Nam của mình ăn no, mặc ấm, ngủ yên; được học chữ, học làm người chân chính và lương thiện...".
Bên lề sự kiện ra mắt sách Ký ức không phai còn có triển lãm giới thiệu về các hoạt động của HSMN.
Với tác giả Trần Đức Hạnh (Tiến sĩ Toán Kinh tế, chuyên gia cao cấp) trong bài viết về người mẹ thân yêu của mình (bà Trương Thị Hồng, Giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM từ năm 1981 đến năm 1992), bên cạnh những mất mát, hi sinh thì hồi ức của bà còn là những câu chuyện thật dễ thương. "Má kể dạy học rất vui và học sinh thì thể hiện rất đúng khí chất Nam bộ. Có hôm giảng bài, má hỏi 1/4 lít bằng bao nhiêu dm3, có bác trả lời: 1/4 lít = 1 xị… Ra đường gặp bà con trong làng nơi đóng quân, các bác thường chào: “Chào bác ạ”, “Chào cụ ạ”… Người dân thường đáp lại “Không dám”, các bác nhà mình chơi nguyên câu: “Không dám cũng chào, Nghị quyết đã học rồi”…
Còn văn công miền Nam mới tập kết nên không biết “sườn non” là những ngọn đồi nhỏ mà cứ tưởng đó là xương sườn non của mình, nên khi múa theo lời bài hát: “Lúa khoai ta gắng trồng, sườn non cho đến bờ sông…” thì cứ lấy tay móc chỉ từ sườn mình ra…".
Bìa cuốn sách Ký ức không phai.
"Ký ức tốt đẹp sẽ góp phần truyền cảm hứng lịch sử đến thế hệ trẻ", tác giả Huỳnh Văn Thòn đã nhắc lại điều này trong bài viết của mình. Ông kể: “Khi hơn hai trăm HSMN được chuyển từ Quế Lâm (Trung Quốc) về ở tạm với dân ở thôn Mộ Đạo, xã Đạo Đức và xã Lý Nhân huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phú), đồng bào địa phương đã dành cho các cháu miền Nam những gì tốt nhất mà họ có: tấm phản bằng phẳng gần cửa sổ thoáng mát, nước giếng trong nhất để tắm giặt, nồi cơm gạo mới, đĩa khoai luộc ngọt bùi mới dỡ… Những trò nghịch phá của tuổi học trò ngây dại như trộm gà, bẻ bí, đánh nhau… đều được bà con bao dung bỏ qua với suy nghĩ “cha mẹ các cháu đang chiến đấu giải phóng quê hương, các cháu còn bé thơ đã phải xa cha, xa mẹ”. Tận đáy lòng mình, xin cảm ơn các thầy cô đã từng cực khổ dạy dỗ chúng em năm xưa”.
Và Ký ức không phai còn rất nhiều ân tình không thể kể hết...
Ước gì đừng có những vết thương...
Gấp quyển sách lại, rất nhiều điều vẫn còn lắng đọng. Có cảm giác đâu đó trong quyển sách vẫn còn những hố bom sâu hoắm trong tâm hồn con trẻ. Những câu nói thắt lòng: "Con nhớ má con. Sao nói 2 năm mà lâu vậy? Cho con về thăm má...". Đâu đó là hình ảnh những đứa trẻ dắt tay nhau ra đường tàu nhìn về phương Nam...
Trong cuộc ra đi tưởng rằng chỉ 2 năm mà thành 20 năm ấy có những vết thương có thể chữa lành, nhưng cũng có những vết thương còn mãi, luôn nhói đau... Chuyện Minh Chánh của Lê Chí Công là một vết thương như thế. Họ là hai người con trai của liệt sỹ Lê Thị Riêng (1925 - 1968), Trưởng ban Phụ vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, bị chính quyền Sài Gòn bắt năm 1965 và thủ tiêu ở Sài Gòn ngày 31.1.1968.
Trong bài viết rất dài, đong đầy cảm xúc, tác giả đã viết: "Có một thực tế, dù muốn dù không thì hầu hết những đứa trẻ mồ côi hình như khó thoát khỏi vòng xoáy nghiệt ngã của thân phận mồ côi khi bươn chải trong đời. Cái vòng xoáy đó giữ riệt lấy chúng, bám chặt lấy mỗi bước đi của chúng. Không người thân dạy dỗ, chăm sóc, không một vòng tay, không cả một cái tên để nương tựa, không người đỡ dậy khi vấp ngã, không người la mắng khi sai lầm, không người chỉ đường khi lạc lối, không biết sợ để tránh điều tội lỗi, có lẽ cũng không có cả động cơ và mục tiêu phấn đấu từ tình thương yêu gia đình. Những đứa trẻ mồ côi thường mặc cảm, tủi thân, khác thường, khép kín, khó hòa nhập và nói chung là... dễ nuôi khó dạy!
Chúng lớn lên, học hành, đi làm, lập gia đình và bươn chải với cuộc sống trên con đường đời do chúng chọn, độc lập và tự chịu trách nhiệm. Chúng có cuộc sống khác thường thì suy cho cùng cũng là bình thường. Khi có chuyện gì đó xảy ra với chúng, người đời thường nói: Tội nghiệp, nó mồ côi từ nhỏ, hoặc: Thôi, thông cảm cho nó, nó mồ côi... Vậy đó. Thôi thì lẽ đời vẫn thế, nhưng hình như có cha có mẹ thì hơn. Hai anh em tôi cũng giống như hầu hết những đứa trẻ mồ côi, và nhiều HSMN sau 30.4.1975, chỉ đơn giản là "về Nam" mà không là "về đoàn tụ gia đình!".
Một HSMN chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách Ký ức không phai.
Nhưng rồi tác giả cũng tự nhủ: "Dù sao trên bước đường đời, hai anh em cũng còn may mắn nhận được thật nhiều tình thương và sự quan tâm chăm sóc của nhiều ba mẹ khác - những bạn bè của ba mẹ, những người mà suốt cuộc đời, hai anh em không thể nào quên...". Chút ánh sáng le lói đó không đủ xua đi giá lạnh trong những trái tim nhỏ bé, nhạy cảm, dễ tổn thương.
Nhìn thấu suốt những điều này, người anh cả của HSMN Tống Quang Anh trong bài Dấu ấn đã trăn trở: "Phần đông HSMN, do hoàn cảnh chia cắt đất nước và chiến tranh mà phải xa gia đình từ tuổi ấu thơ. Nhiều đứa nhỏ chỉ khoảng 3, 4 tuổi đã sớm trở thành “cô nhi” khi cha mẹ chúng hoặc hi sinh, hoặc phải đi làm nhiệm vụ. Chiến tranh và sự chia cắt đất nước kéo dài khiến nhiều đứa trẻ HSMN không còn dám nghĩ đến chuyện gặp lại cha mẹ, trở về quê hương. Nguồn tình cảm đối với người thân đã bị cắt, giống như trẻ bị thôi bú sớm, nên quên mất mùi vị của bầu sữa mẹ. Sự xa cách gia đình lâu ngày dẫn đến hậu quả là tình cảm đối với cha mẹ, với gia đình, với người thân gần như phai lạt. Những tính cách cần thiết để có thể sống hòa hợp với gia đình cũng bị mất dần...".
Những điều tác giả nói dù không phải là phổ biến nhưng cũng không phải cá biệt. Nó như một lời gửi gắm: Xin mọi người hãy nhận diện điều đó để hiểu, cảm thông, chia sẻ nhiều hơn với những nỗi đau mà chiến tranh, chia cắt đã khắc sâu vào tâm hồn những đứa trẻ.
Ảnh chụp trang đầu thư tháng 2.1968 Đại tướng Lê Đức Anh gửi con gái Lê Xuân Hồng.
"Chúng tôi đã khóc vì ngày thống nhất đất nước 30.4.1975, ngày sum họp của cả dân tộc nhưng biết bao bạn HSMN không còn gặp lại được ba má nữa, trong đó có tôi. Chúng tôi đứng giữa trời Sài Gòn mà bơ vơ, mà tủi thân vì không cha hoặc không mẹ. Có bạn mất hết cả gia đình. Họ là những liệt sĩ đã hy sinh anh dũng, trước khi nhắm mắt ra đi còn gọi tên những đứa con thân yêu của mình và hy vọng tổ quốc Việt Nam chắc chắn sẽ có một ngày hòa bình". Đọc những dòng này của tác giả Võ Thị Ánh Tuyết, chúng ta không thể không thấy xốn xang trong lòng. Hơn 20 năm xa quê, không ai mong muốn một ngày về cô đơn, quạnh vắng như vậy.
Có mặt trong buổi ra mắt Ký ức không phai, tác giả Vũ Phương Mai (nguyên là cán bộ Đài Truyền hình TP.HCM, con gái nhà báo, liệt sĩ Vũ Tùng – Chủ tịch Hội Nhà báo Giải phóng), cũng có những nỗi niềm riêng. Theo ba má vào chiến khu, sau đó Phương Mai mới được gởi ra Bắc học tập. Đúc kết từ chính bản thân và bạn bè, bà chia sẻ: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn 20 năm đã để lại cho nhiều gia đình ở Việt nam nói chung và một số gia đình của HSMN những hệ lụy ngoài sự hy sinh, chết chóc, thương tật, chất độc da cam. Cha mẹ chúng ta đã miệt mài đi theo lý tưởng cách mạng để mong thấy một ngày non sông liền một dải. Họ đã đi hết trận đánh này đến chiến dịch kia, đi hết phong trào đồng khởi này đến cuộc nổi dậy nọ cho nên trong cuộc đời họ chưa bao giờ có một gia đình đúng nghĩa.
Và khi chiến thắng trở về, có một nỗi đau mà tôi cứ tưởng chỉ có trong gia đình mình nhưng bây giờ mới biết không chỉ có mình như vậy. Đó là ngày đoàn tụ, gia đình không hòa hợp được với nhau, bởi chiến tranh đã làm chúng tôi xa nhau quá lâu, mỗi người đã sống trong những hoàn cảnh khác nhau quá dài. Trong nhà tôi, ba chị em cùng cha cùng mẹ nhưng mang ba họ khác nhau, ba tính cách, ba quan điểm, ba cách sống khác nhau. Đó là nỗi đau khi trong cùng một nhà mà mẹ thì thấy mình lẻ loi, con thì thấy mình côi cút...".
Tác giả Vũ Phương Mai (thứ 2 từ phải) chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách Ký ức không phai.
Những nỗi niềm đó chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Nhưng không vì thế mà bà mất đi hi vọng. "Hãy để quá khứ trôi về dĩ vãng... Dù thời cuộc có thay đổi nhưng những gì tốt đẹp của chế độ XHCN miền Bắc ngày ấy chúng ta nên ghi nhận, những gì chúng ta được hưởng ta nên biết ơn. Tôi luôn nghĩ như thế và tự dặn mình nên sống như thế".
Để quá khứ không bị lãng quên
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, đứa bé trong bụng mẹ ngày nào trên chuyến tàu tập kết nay đã bước vào tuổi bảy mươi. Cầm quyển sách trên tay, ông chia sẻ: "Tôi đã trở lại Sông Đốc (Cà Mau) 2 lần, ra Thanh Hóa 4 lần, dự 2 cầu truyền hình và viết hàng chục bài về tập kết để đền đáp công ơn cha mẹ của tôi, bởi họ vì điều kiện sức khỏe, tuổi tác mà không trở lại những nơi đó được. Tôi đã thay mặt cha mẹ cảm ơn người dân Cà Mau, Thanh Hóa, Hà Nội. Quyển sách này rất ý nghĩa nên cần phải được lan tỏa để mọi người biết.
Tôi đã viết trên facebook của mình "Không ai, không điều gì có thể lãng quên". Nhưng muốn ký ức không phai thì phải làm giàu ký ức bằng những cuộc gặp gỡ như thế này bởi nếu không nhắc thì sau này chẳng ai còn nhớ. Hãy để cho lịch sử được biết có những người con miền Nam đã ra miền Bắc như thế và đã trở về như thế. Mong rằng các bạn trẻ sẽ lan tỏa quyển sách thật nhiều".
Đại diện HSMN trao tặng 2 cây vú sữa được ươm từ cây vú sữa 70 năm trước gia đình má Lê Thị Sảnh (Cá Mau).
Sự mong đợi của ông đã được rất nhiều bạn trẻ phản hồi. Lê Phan Gia Hân, 19 tuổi, sinh viên năm thứ hai Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) mạnh dạn bày tỏ: "Con thích học môn Lịch sử, nhất là lịch sử những cuộc chiến tranh giữ nước, dựng nước của cha ông mình. Hôm nay được nghe câu chuyện của các ông bà cô chú, con thấy quá đỗi tự hào. Chúng con là những người sinh ra sau chiến tranh, được hưởng hòa bình hạnh phúc mà các thế hệ cha anh đi trước đã hi sinh rất nhiều xương máu để có được. Con sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự hi sinh đó".
Bà Nguyễn Thế Thanh, chủ biên cuốn sách Ký ức không phai (trái) và nhà văn Trịnh Bích Ngân chia sẻ tại sự kiện.
Tôi xin mượn câu nói của nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM để kết thúc những xúc cảm của mình: "Trí nhớ, ký ức sẽ phai mờ nhưng sách thì còn mãi. Ký ức không phai là tài sản quý giá, thậm chí là vô giá nhưng nó vẫn còn quá ít so với cuộc hành trình của cha ông. Tôi mong Nhà nước có sự đầu tư xứng đáng với những đóng góp của đội ngũ HSMN trên đất Bắc trong cuộc chiến đấu vĩ đại của nhân dân ta".
Các diễn giả, đại biểu, tác giả cuốn sách và khách mời chụp hình lưu niệm sau buổi giao lưu ra mắt sách Ký ức không phai.
Võ Nhật Thăng, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Luật TP.HCM:
Con thấy trách nhiệm của người trẻ...
Có mặt rất sớm tại Đường sách, con đã đọc sách và nghe những câu chuyện của các ông bà chú bác. Con đã được biết những HSMN đã sống thế nào khi rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Con đã nghe những câu chuyện ấm áp nghĩa tình của những người xa lạ dành cho HSMN. Con thấy hiện rõ lên trong đó tình đoàn kết của người dân Việt Nam đã được vun đắp từ rất lâu và vẫn tiếp tục cho tới bây giờ.
Tận mắt thấy, tận tai nghe những câu chuyện về lòng yêu nước của các ông bà, các cô bác, con thấy trách nhiệm của người trẻ không những là học hành giỏi để xây dựng phát triển đất nước mà còn phải gìn giữ được những giá trị văn hóa tốt đẹp mà cha ông đã trao truyền.
Hoàng Minh Duyên, sinh viên năm thứ hai Khoa Báo chí & Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM:
Lòng con tràn đầy sự biết ơn
Buổi gặp gỡ giao lưu hôm nay thực sự truyền cảm hứng cho con và bạn bè. Có một số người trẻ như tụi con hiện nay không quan tâm, không hiểu rõ lịch sử, thờ ơ với lịch sử.
Sau buổi hôm nay con thấy được mở mang rất nhiều về lịch sử và biết rằng để có được hòa bình như hôm nay thì phải biết ơn những người đã ngã xuống và cả những người còn sống bởi họ chính là hiện thân của lịch sử. Lòng con tràn đầy sự biết ơn.
Lê Nguyễn Nhật Vy, sinh viên năm thứ hai Khoa Báo chí & Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM:
Có gì đó thôi thúc trong lòng...
Con rất cảm động khi nghe câu chuyện của các ông bà, chú bác. Trước đây con chỉ học lý thuyết, học trong sách vở, còn hôm nay con đã được gặp những người bước ra từ sách vở, họ là những chứng nhân lịch sử và làm nên lịch sử. Điều đó như chạm đến trái tim con. Con thấy rất xúc động và có gì đó thôi thúc trong lòng, rằng mình phải làm một điều gì đó để tiếp nối và lưu giữ những giá trị nhân văn của cha ông.
______________________
Những gương mặt học sinh miền Nam tiêu biểu
1. Lê Anh Xuân, nhà thơ, liệt sĩ, Anh hùng LLVT, tác giả bài thơ nổi
tiếng Dáng đứng Việt Nam.
2. Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang.
3. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên UV Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Trưởng ban Tuyên giáo TW.
4. Phi công Đồng Văn Đe, liệt sĩ, Anh hùng LLVT.
5. GS-TS. Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế
Quốc dân.
6. TS. Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em.
7. TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, người có công đưa Internet vào Việt Nam.
8. PGS-TS. Lê Bửu, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao.
9. Trung tướng Trương Hòa Bình, nguyên UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.
10. GS-TS. Nguyễn Thiện Nhân, nguyên UV Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.
11. Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên UV TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
12. Kỹ sư Đinh Miên, Anh hùng Lao động, Giám đốc Công ty Truyền tải Điện III.
13. Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Công ty May và Xây dựng Huy Hoàng, Anh hùng Lao động.
14. Bác sĩ Phan Kim Phương, Anh hùng Lao động, nguyên Viện trưởng Viện Tim TP.HCM.
15. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, Anh hùng Lao động.
Bài: Lệ Thủy - Ảnh: Trung Dũng