Ký ức không quên
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tỉnh ta có hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện đã từng tham gia chiến đấu, giúp nước bạn Lào. Với họ, những năm tháng sống, chiến đấu, công tác trên đất nước Lào là những hồi ức không thể nào quên.
Ký ức không quên
“Sau mấy tháng huấn luyện, chúng tôi sang Lào chiến đấu ở cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng” - thương binh Ma Văn Lược, thôn Chuông, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) bắt đầu câu chuyện. Ông Kể: “Ở cánh đồng Chum, lúc đó có nhiều cao điểm, đơn vị tôi làm nhiệm vụ chốt giữ căn cứ Xảm Thông - Long Chẹng, rồi tiến vào Đồi 5 Mỏm, đỉnh cao Phu Tầng, Phu Keng”. Chiến trường Lào trong ký ức của người lính là những tháng ngày gian khổ luồn rừng già trên những điểm cao. Khó khăn không chỉ địa hình, là gian khó của công tác tiếp vận hậu cần. Có những thời điểm, cả đơn vị phải chịu đói khát hàng tháng trời, chỉ cầm hơi bằng rau rừng, củ nâu, hoa chuối... Vừa đánh địch, vừa lấy lương thực của địch nuôi quân. Gần 2 năm chiến đấu tại Lào, ông đã để lại một phần máu thịt của mình. Trong lần tiếp viện Đồi 5 Mỏm, đơn vị bị tập kích, ông bị đạn bắn vào chân trái, phóng lựu đạn gẫy chân phải.
Điều ấn tượng nhất đối với CCB Đào Xuân Chấp, tổ dân phố Vĩnh Tiến, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) đó là tình cảm chân thành, nồng hậu của nhân dân Lào đối với bộ đội tình nguyện Việt Nam. Ông Chấp bồi hồi nhớ lại: “Chúng tôi đã cùng ăn, cùng ở, cùng đánh giặc với bà con nhân dân. Nhớ lắm, hình ảnh người mẹ Lào căn dặn anh em bộ đội chúng tôi, tránh thổ phỉ Vàng Pao như những người mẹ dặn dò chính những con của mình. Họ gùi nước, rau cải, đu đủ lên chốt cho bộ đội. Hay những gói xôi nắm vội của các mẹ nắm cho anh em bộ đội, ăn xong mỗi người còn được thêm 1 gói mang đi. Rồi chúng tôi chia từng thanh lương khô, viên thuốc nhường cho bà con”. Tình quân dân thắm thiết, chở che của bà con các bộ tộc Lào đã tiếp thêm nghị lực, cổ vũ động viên người lính quân tình nguyện Việt Nam khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt Đảng, Nhà nước giao phó.
Những câu chuyện kể, những chiến công và những kỷ niệm tình quân dân luôn là những câu chuyện đầy nghĩa tình, thắm đượm tình đoàn kết. Họ đã góp phần viết lên trang sử hào hùng, vẻ vang về tinh thần quốc tế, về tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào.
Thầm lặng cống hiến
Sau giải phóng, những người lính quân tình nguyện hoàn thành sứ mệnh. Người bị thương thì phục viên, người lành lặn tiếp tục tham gia nhiệm vụ Tổ quốc giao. Giờ đây, những người lính kiên trung ấy đầu đã bạc, chân tay đã chậm, nhưng họ vẫn lặng thầm cống hiến.
Năm nay đã bước sang tuổi 60, nhưng CCB Bùi Đức Chinh, Phó giám đốc Công ty TNHH 27-7 vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, nhạy bén của người doanh nhân. Năm 1988, phục viên trở về, là bệnh binh 2/3 mất sức 61%. Nhà nghèo, ông làm đủ nghề nung vôi, đốt gạch bán. Năm 2001, ông cùng 5 thương binh khác góp vốn thành lập công ty, lấy tên 27-7, hoạt động nhiều lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng cơ bản. Sau gần 20 năm xây dựng, công ty đã phát triển lớn mạnh, đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 200 lao động địa phương. Công ty còn thực hiện công tác an sinh xã hội 300 triệu đồng/năm. Năm 2018, Công ty thành lập thêm 2 chi nhánh. Riêng chi nhánh ông phụ trách có 30 công nhân viên thường xuyên, trong đó chiếm 60% CCB, con em CCB, mức lương bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Đồng thời, phát triển kinh tế rừng, diện tích hơn 50 ha theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC).
Với người lính già Đào Xuân Lư, thôn 4, xã Trung Trực (Yên Sơn) những đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường luôn đau đáu trái tim ông. Bởi vậy, sau khi về nghỉ chế độ, ông đã dành nhiều thời gian đi tìm hài cốt liệt sỹ. Tại làng ông, có nhiều liệt sỹ, trong đó có liệt sỹ Hoàng Văn Đá. Năm 2016, ông Lư đã cùng thân nhân liệt sỹ Hoàng Văn Đá 3 lần sang Lào để tìm hài cốt. Đi hết tỉnh này, đến tỉnh khác tìm đồng đội của liệt sỹ, rồi ngày đêm nằm rừng, xẻ núi tìm hài cốt vẫn không làm chùn lòng người lính già. Sau 3 lần sang Lào, ông Lư đã tìm được hài cốt liệt sỹ Hoàng Văn Đá trở về với gia đình. Những chuyến đi đó, ông đều tự bỏ tiền túi của mình lo xe cộ, ăn uống. Có chuyến ông phải bán gần 1 ha rừng được 30 triệu đồng để có kinh phí cho chuyến đi. Ông Lư tâm sự: “Được trở về, tôi là người may mắn. Điều đó thôi thúc tôi phải làm việc gì đó để những đồng đội của mình đã ngã xuống, làm vơi bớt nỗi đau mất mát các thân nhân liệt sỹ”. Dù đã ngót 70 tuổi, thế nhưng trong nhật ký tìm hài cốt liệt sỹ của người lính già ấy còn dài dằng dặc tên liệt sỹ cần tìm. Ông bảo: “Bất cứ thân nhân liệt sỹ nào muốn tìm hài cốt, tôi sẵn sàng lên đường giúp đỡ”.
Còn CCB Vũ Văn Minh, tổ 14, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) sau khi nghỉ chế độ tiếp tục tham gia Ban liên lạc CCB Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào tỉnh Tuyên Quang với vai trò Trưởng ban. Hiện Ban có 600 hội viên, hàng năm, các Ban liên lạc cấp cơ sở đều tổ chức gặp mặt hội viên nhân ngày truyền thống; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình hội viên lúc việc vui, việc buồn.
Đi qua bom đạn, chiến tranh hay trở về cuộc sống đời thường, những người lính như CCB Vũ Đức Chinh, Đào Xuân Lư, Vũ Văn Minh cùng hàng nghìn CCB quân tình nguyện tỉnh ta vẫn giữ gìn phẩm chất cao quý của người lính bộ đội Cụ Hồ, phát huy vai trò gương mẫu, tiếp tục góp sức mình cho công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/ky-uc-khong-quen-124530.html