Ký ức một thời hoa lửa

Cứ mỗi dịp tháng 5 về, ký ức về trận đánh điển hình, được xếp vào những trận đánh kinh điển trong nghệ thuật quân sự của quân đội ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc lại ùa về, đó là trận đánh Ba Gia diễn ra cách nay 54 năm.

Ông Phan Công Chánh cùng những kỷ vật từ trận chiến Ba Gia mà ông giữ làm kỷ niệm suốt 54 năm qua.

Ông Phan Công Chánh cùng những kỷ vật từ trận chiến Ba Gia mà ông giữ làm kỷ niệm suốt 54 năm qua.

Ông Chánh hiện ở khu dân cư Bắc Lê Lợi, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) kể: Ba Gia là trận đánh đầu tiên của bộ đội chủ lực ở đồng bằng Khu 5. Quân địch bất ngờ và thất bại chóng vánh chỉ trong 3 ngày (28 - 31.5.1965). Để thực hiện trận đánh Ba Gia, quân ta đưa 4 tiểu đoàn chủ lực vào tham chiến. Tuy nhiên, với địa hình như các xã khu tây Sơn Tịnh, cả 4 tiểu đoàn chủ lực của ta chuẩn bị cho trận đánh chỉ trong thời gian ngắn, không hầm hào, công sự mà vẫn giữ được bí mật tuyệt đối. Đó là bởi ta có “trận địa lòng dân” vững chắc trong vùng chiến sự.

Ông Chánh lúc đó làm nhiệm vụ thông tin liên lạc phục vụ trận đánh, tiếp tục câu chuyện: Trong thời gian lực lượng chủ lực của ta lần lượt tập kết vào trận địa từ Quảng Nam vào, ngoài thế trận lòng dân vững chắc, bí mật để che giấu bộ đội, thì mọi thông tin về lực lượng đều được mã hóa. Khi một đơn vị tập kết xong chỉ cần thông báo qua hệ thống thông tin liên lạc bằng mật lệnh. Thế nên, quân địch không thể do thám được gì về quân chủ lực của ta có mặt tại trận địa, vì thế chúng bị quân ta giáng cho những đòn chí mạng và thất thủ chóng vánh.

Trong trận đánh Ba Gia còn có một khẩu hiệu rất “lỳ” của bộ đội ta, đó là “bám thắt lưng địch mà đánh”. Theo ông Chánh, thì đây là kinh nghiệm từ trận chiến ở vùng Thăng Bình (Quảng Nam) trước đó. Bởi, quân địch với hỏa lực pháo binh rất mạnh, do đó phải bám sát thắt lưng, để hỏa lực của địch không phát huy tác dụng.

Trong thời gian trước khi trận chiến diễn ra, để chuẩn bị lương thực cho bộ đội, lãnh đạo tỉnh đã có sáng kiến tổ chức các đội công tác của mình lên vùng Trà Bồng mua quế xuống chợ Tân An (xã Tịnh Đông) để bán, đổi gạo. Việc bán quế đổi gạo thu hút khá đông những người buôn bán ở thị xã Quảng Ngãi lên giao dịch. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn ta đã thu gom được một lượng lúa gạo khá lớn để phục vụ cho bộ đội chủ lực từ Quảng Nam vào. Điều đáng nói là, sau khi bị bộ đội ta bắt sống, chỉ huy quân địch là tên Ngọc - Đồn trưởng Đồn Gò Cao, tỏ ra điên tiết khi chính vợ hắn ta là một tiểu thương thường xuyên mua lúa gạo lên đổi quế ở chợ Tân An.

Nghĩa tình đồng đội

Cuộc chiến đã đi qua hơn nửa thế kỷ, những người tham gia cuộc chiến ngày ấy giờ đây người còn, người mất. Dẫu tuổi cao, sức yếu, nhưng họ luôn nhớ về nhau, nhất là trong mỗi dịp tháng 5 về. Mới đây, Ban liên lạc Trung đoàn Ba Gia tại Quảng Ngãi đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 54 năm chiến thắng Ba Gia. Ông Chánh là Trưởng Ban liên lạc.

Trong số các cựu chiến binh từng tham gia trận đánh Ba Gia, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian qua, Ban liên lạc Trung đoàn Ba Gia ở Quảng Ngãi đã kêu gọi hỗ trợ xây tặng được 5 căn nhà đồng đội cho cựu binh nghèo.

Ông Chánh vẫn luôn cố gắng sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến trận đánh Ba Gia, viết lại những ký ức của một thời hoa lửa để lưu lại cho con cháu, đó là cách để giáo dục lớp trẻ về truyền thống cách mạng của quê hương. Trong số những kỷ vật của trận đánh Ba Gia mà ông giữ lại cho riêng mình có một khẩu súng ngắn, một bình đông inox, một chiếc tô bằng nhôm được gói ghém cẩn thận trong chiếc ba lô đã sờn màu. “Súng ngắn và bình đông nước là chiến lợi phẩm quân ta thu được từ tay địch. Mỗi khi nhìn thấy những hiện vật này là mình lại nhớ về một thời hoa lửa lúc mười tám, đôi mươi rạo rực ở chiến trường”, ông Chánh bồi hồi.

Bài, ảnh: X.THIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/201905/ky-niem-54-nam-chien-thang-ba-gia-3151965-3152019-ky-uc-mot-thoi-hoa-lua-2948566/