Ký ức người biên tập hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật là người may mắn đã được biên tập hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia - Sự thật, nói bà may mắn được biên tập sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2004. Bà cũng chính là người đã biên tập hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ đó đến nay.

 Bà Phạm Thị Thinh trong một lần làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: NVCC

Bà Phạm Thị Thinh trong một lần làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: NVCC

Lý luận sắc bén, am tường thực tiễn

Với bà Phạm Thị Thinh, được làm việc chung với Tổng Bí thư là điều vinh dự. Những lời căn dặn của ông trong quá trình làm việc đã trở thành những bài học, kinh nghiệm quý giá để bà trưởng thành hơn mỗi ngày. Không chỉ về kiến thức, kinh nghiệm, cách làm việc khoa học, tỉ mẩn, bà còn học ở vị lãnh đạo cao nhất của Đảng sự khiêm nhường, giản dị, mộc mạc.

“Tổng Bí thư luôn dặn sách là văn bia để đời, do vậy, mọi thông tin trong sách phải chuẩn xác và phải bảo đảm tính khoa học, tính chính trị, bố cục phải chặt chẽ, rút tít cần ngắn gọn nhưng lại phải chứa đựng được nội dung cần chuyển tải…” - bà Phạm Thị Thinh mở đầu cuộc trò chuyện.

Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định: “Tổng Bí thư của chúng ta là một nhà lý luận xuất sắc”.

Theo bà, những cuốn sách được xuất bản và ra mắt trong thời gian qua là những tổng kết lý luận chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ bản lĩnh, quan điểm, lập trường nhất quán, kiên định của Tổng Bí thư và tư duy tầm chiến lược nhưng lại rất cụ thể của một nhà lý luận, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và dân tộc ta.

Trong hơn 40 cuốn sách của Tổng Bí thư đã xuất bản, bà Thinh nói nổi bật và bao trùm các tác phẩm là bằng tư duy lý luận sắc bén và sự am tường thực tiễn, Tổng Bí thư đã luận giải rất chặt chẽ, thấu đáo, với ngôn từ dung dị, gần gũi, dễ hiểu nhưng rất thuyết phục những câu hỏi lớn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Qua đó, làm sâu sắc thêm bản chất, giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội trên các bình diện chính trị, kinh tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… bằng những ngôn ngữ giàu hình ảnh, được chắt lọc từ đời sống thực tiễn sinh động của đất nước.

Nhà lãnh đạo gần dân

Không chỉ là một nhà lý luận xuất sắc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua cảm nhận của nữ Phó giám đốc còn là một lãnh đạo gần dân, hiểu dân, thương dân.

"Tổng Bí thư là một con người rất sâu sắc, bản lĩnh, trí tuệ nhưng cũng rất chan hòa, rất khiêm tốn, rất giản dị và rất gần gũi với mọi người.

Ở ông có một tình thương yêu nhân dân chan chứa, các chỉ đạo của Tổng Bí thư luôn luôn hướng đến vì sự bình an của nhân dân, vì cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân. Lối sống thanh bạch, giản dị của Tổng Bí thư khiến chúng ta nể phục và càng thêm kính trọng ông” - bà Phạm Thị Thinh nhắc nhớ về vị lãnh đạo của đất nước.

Bà điểm lại trong các chuyến đi thăm, làm việc của Tổng Bí thư với cơ sở, bao giờ Tổng Bí thư cũng dành thời gian đến thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng, gặp gỡ, lắng nghe nhân dân, thăm hỏi đồng bào các dân tộc. Ông cũng động viên các thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, gặp gỡ, trò chuyện với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng,...

“Một lần, khi khảo sát tư liệu để thực hiện cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi nhận thấy trong các chuyến đi thăm, làm việc của Tổng Bí thư với cơ sở, bao giờ Tổng Bí thư cũng dành thời gian gặp gỡ nhân dân, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, các hộ nghèo” - bà Thinh kể.

 Hình ảnh dung dị, đời thường của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi cùng gia đình gói bánh chưng dịp Tết năm 2019 được chia sẻ trong nhiều ngày qua. Ảnh: Văn phòng Tổng Bí thư

Hình ảnh dung dị, đời thường của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi cùng gia đình gói bánh chưng dịp Tết năm 2019 được chia sẻ trong nhiều ngày qua. Ảnh: Văn phòng Tổng Bí thư

Điểm nhanh trong đầu về hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Đảng, bà Thinh nói đã có rất nhiều bức ảnh Tổng Bí thư gặp gỡ nhân dân, nói chuyện rất thân tình với nhân dân trong nước, với người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân, bạn bè quốc tế được tuyển chọn in trong nhiều cuốn sách.

Đó là hình ảnh đêm Giao thừa năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thăm hỏi, mừng tuổi công nhân vệ sinh môi trường ứng trực trên đường Thanh niên, quận Ba Đình, Hà Nội; hay như bức ảnh Tổng Bí thư thăm, tặng quà gia đình có công với cách mạng trên địa bàn xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai tháng 4-2017...

Hay bức ảnh ngày 27 Tết năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng (và Tết năm nào gia đình Tổng Bí thư cũng gói bánh chưng). Rồi ảnh đọc sách báo hằng ngày của Tổng Bí thư trong bệnh viện…

Những lời dặn thấm thía của Tổng Bí thư

Trong nhiều cuốn sách, nhiều bài viết, bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm, có những lời căn dặn đối với cán bộ, đảng viên, trên nhiều lĩnh vực. Trực tiếp làm việc với Tổng Bí thư qua nhiều đầu sách, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia- Sự thật vẫn nhớ như in lời dặn của Tổng Bí thư đối với từng cán bộ của mình.

Đối với cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư nói: “Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tự mình tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ để tay không nhúng chàm”

Với các đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư căn dặn: “Là đại biểu của nhân dân thì đại biểu Quốc hội phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân tin tưởng, giao phó”.

Với cán bộ làm công tác kiểm tra thì “phải có dũng khí đấu tranh, thật sự công tâm, khách quan, chính trực, và hơn ai hết, phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được người khác, không kỷ luật được người khác.

Nhiều người thường vẫn ví các cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng phải là những “Bao Công” của thời nay, phải là những người cộng sản chân chính vừa có dũng khí đấu tranh vừa có lòng nhân ái và nhiều khi phải chịu đựng hy sinh về quyền lợi cá nhân nữa”

Với người làm công tác tổ chức, cán bộ thì: “Mỗi cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ, bên cạnh việc học tập, nâng cao trình độ hiểu biết và kinh nghiệm công tác, phải thường xuyên rèn luyện về phẩm chất đạo đức, trong sáng, công tâm, khách quan. Cán bộ phải mạnh dạn đề xuất, dám can ngăn những việc làm không đúng; dũng cảm bảo vệ chân lý, lẽ phải; không chịu bất cứ sức ép nào không lành mạnh; không bị cám dỗ bởi những lợi ích vật chất; không bị chi phối bởi quan hệ tình cảm cá nhân thân quen, riêng tư không trong sáng”...

Cũng theo lời kể của bà Phạm Thị Thinh, Tổng Bí thư gọi đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại là một đội ngũ đặc biệt tin cậy về phẩm chất, nhạy bén về thời thế, sâu sắc về chiến lược, khôn khéo trong đàm phán và tinh tế trong ứng xử. Do vậy, cần phải rèn luyện phong cách suy nghĩ kỹ càng, hành động linh hoạt, kỹ năng thành thạo; về năng lực phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ giỏi.

Cán bộ làm công tác đối ngoại phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị và tư tưởng vững vàng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động, cám dỗ, lôi kéo của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vướng vào tham nhũng, tiêu cực. Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại cần luôn luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là Nhà nước, là đất nước và nhân dân.

Đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, Tổng Bí thư căn dặn: “Cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị phải gương mẫu, phải tự soi mình, chống chủ nghĩa cá nhân; giáo dục gia đình, vợ con, người thân giữ gìn phẩm chất, không làm điều gì trái đạo đức, vi phạm pháp luật”.

Đối với cán bộ MTTQ Việt Nam, Tổng Bí thư dặn dò: “Cán bộ mặt trận phải luôn luôn ghi nhớ rằng, nhân dân chỉ nghe theo, tin theo mình khi nhân dân thật sự tin tưởng mình, khi cán bộ mặt trận thật sự là những tấm gương thuyết phục nhất. Do đó, mỗi cán bộ mặt trận phải thường xuyên rèn luyện mình, tu dưỡng đạo đức, phải trở thành những tấm gương sáng để dân mến, dân thương, dân tôn trọng và dân được nhờ”...

"Tôi nghĩ rằng, những lời căn dặn đó rất thấm thía đối với chúng ta" - Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia - Sự thật chia sẻ.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ky-uc-nguoi-bien-tap-hon-20-cuon-sach-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-post801706.html