Ký ức Nhà Tròn Bà Rịa
Gắn liền với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng của TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nhà Tròn là một trong số di tích ít ỏi còn nguyên vẹn. Hơn trăm năm qua, công trình đã trở thành biểu tượng của mảnh đất xứ Mô Xoài giàu truyền thống cách mạng và hội tụ nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.
Tọa lạc tại giao lộ 27-4 và Cách Mạng Tháng Tám (phường Phước Hiệp), Nhà Tròn cách cầu Long Hương bắc qua sông Dinh uốn lượn giữa TP Bà Rịa chỉ vài trăm mét. Được người Pháp gọi là Château d'eau, xây dựng đầu thế kỷ XX để cấp nước cho bộ máy cai trị của địa phương thời bấy giờ, công trình là một tháp nước nhưng lại tựa như tháp canh.
Nhà có chiều cao khoảng 20m, chân nhà hình bát giác cao 4m, có 8 trụ thẳng đứng bằng bê tông cốt thép và được cố định bằng các xà ngang để đỡ bồn nước bên trên. Năm 1945 sau khi đảo chính Pháp, người Nhật cho đặt hệ thống loa báo động gồm 6 cái bên dưới bồn nước.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngọn cờ cách mạng tung bay trên đỉnh Nhà Tròn và cũng từ nơi này, hàng vạn người dân đã tổ chức mít tinh, tuần hành... Theo người dân, hệ thống loa sau này được dùng để nhắc nhở giờ bắt đầu đi làm và giờ tan ca. Buổi sáng, cứ đúng 6 giờ 45, buổi trưa vào lúc 11 giờ 30, buổi chiều là lúc 13 giờ 15 và cuối chiều là 17 giờ 15, tiếng còi tầm lại được gióng lên trong khoảng thời gian từ 15 đến 20 giây. Riêng ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật thì còi không hú. Ngày 27-4-1975, thị xã Bà Rịa được giải phóng và đến ngày 1-5-1975, mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nhà Tròn lại chứng kiến lễ mít tinh ăn mừng với sự tham gia của hàng vạn người.
Sau chiến tranh, Nhà Tròn được tu sửa lại và được dùng làm Câu lạc bộ Thanh niên Bà Rịa. Với nhiều người công trình như một kho ký ức về một thời kỳ đầy tự hào trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tại Quyết định số 112/VH-QĐ, ngày 5-6-1987, Nhà Tròn Bà Rịa được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, công trình Nhà Tròn Bà Rịa đã gắn bó với bà Nguyễn Thị An (sinh năm 1956) gần 70 năm trời. Nhà cách công trình mấy chục bước chân, bà nhớ lại: “Hồi đó khu này là cái chợ, nhà tôi là cửa hàng buôn bán sắt, tối đến trẻ con hay tụ tập ra Nhà Tròn chơi vì có rất nhiều dế ở đó”. Tuổi thơ của những người như bà An ở quanh khu này gần như đều gắn với công trình, dù có người nay đã đi xa, có người còn ở lại.
Ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng trước cửa nhìn về phía Nhà Tròn, bà An kể tiếp: “Ra Bắc, vào Nam, đi rất nhiều nước trên thế giới nhưng ở đâu tôi cũng nhớ tiếng còi tầm của Nhà Tròn, nhờ tiếng còi mà tôi biết lúc đó là mấy giờ chứ khỏi cần xem đồng hồ. Từ hồi Nhà nước cấm đốt pháo, cứ đêm giao thừa, Nhà Tròn kéo tiếng còi dài chừng 5 phút báo hiệu một mùa xuân mới đã về trên quê hương, đất nước. Hiện đường sá, nhà cửa quanh khu đã khang trang hơn, nhưng hình dáng Nhà Tròn vẫn sừng sững như vậy. Vẫn đàn chim én sinh sống dưới gầm tháp nước, cũng không nhớ rõ có từ bao giờ, nhưng theo nhiều bậc cao niên thì đã có từ lâu và vẫn ở đó cho tới nay…”.
Năm 2024, TP Bà Rịa kỷ niệm 30 năm thành lập và trong tương lai không xa, TP Bà Rịa sẽ không chỉ là trung tâm chính trị của tỉnh mà với lợi thế “lưng tựa sơn, mặt hướng biển” còn có nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-uc-nha-tron-ba-ria-post737401.html