Ký ức những điểm đến khó phai của người dân Tây Ninh

Nhắc đến Tây Ninh, một trong những điểm đến khó quên của người dân là cánh đồng Khedol. Ở đây, cây thốt nốt đôi tình yêu từ lâu trở thành một biểu tượng riêng của mảnh đất ven chân núi Bà Đen này. Nhưng giờ chỉ còn lại ký ức.

Cây trâm “cô đơn” ở Gò Duối. Ảnh: Huỳnh Thái Bảo

Cây trâm “cô đơn” ở Gò Duối. Ảnh: Huỳnh Thái Bảo

Cây thốt nốt đôi ở Khedol, cội trâm già ở Gò Duối… đã trở thành những ký ức khó phai của người dân Tây Ninh, bởi những hình tượng này nay chỉ còn lại trên những bức ảnh.

Nhắc đến Tây Ninh, một trong những điểm đến khó quên của người dân là cánh đồng Khedol. Ở đây, cây thốt nốt đôi tình yêu từ lâu trở thành một biểu tượng riêng của mảnh đất ven chân núi Bà Đen này. Nhưng giờ chỉ còn lại ký ức.

Nằm cách trung tâm TP. Tây Ninh khoảng 5km, cánh đồng Khedol thuộc ấp Khedol, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh là điểm không thể thiếu trong chuyến hành trình khám phá vùng đất Tây Ninh đầy nắng gió.

Cánh đồng Khedol vốn từ lâu trở thành điểm đến hấp dẫn của giới yêu nhiếp ảnh, nghệ thuật và khám phá du lịch. Nơi đây mang một vẻ đẹp hoang sơ, bình dị đến lạ thường. Đối với nhiều bạn trẻ, đây là một trong những địa điểm đổi gió lý tưởng, đúng nghĩa hương đồng cỏ nội.

Cây trâm già ở cánh đồng lúa Gò Duối. Ảnh Huỳnh Thái Bảo

Cây trâm già ở cánh đồng lúa Gò Duối. Ảnh Huỳnh Thái Bảo

Cánh đồng xanh mướt, đầy gió, giữa là cây thốt nốt đôi, cây cô đơn đẹp đến nao lòng. Còn vào mùa lúa chín, người đến bị mê hoặc những hình ảnh dân dã khi có những chiếc xe bò lặng lẽ vận chuyển lúa về làng dưới cái nắng hoàng hôn lấp ló bên cạnh núi Bà Đen.

Thậm chí, vào khoảng tháng 10 hằng năm, ở cánh đồng Khedol trở nên đặc sắc hơn khi đồng cỏ lau trắng muốt mọc lên. Đối với các bạn yêu chụp ảnh, thời gian lý tưởng nhất đến Khedol là từ 7 giờ đến hơn 10 giờ sáng và chiều từ 15-17 giờ. Đây được xem là thời điểm chụp ảnh ấn tượng nhất ở mảnh đất này. Tất cả đều xoay quanh biểu tượng vô cùng nổi tiếng khi nhắc đến Khedol- cây thốt nốt đôi.

Không có nhiều người biết rõ cặp thốt nốt đôi này chính xác bao nhiêu tuổi, người dân chỉ biết 2 cây thốt nốt tình yêu này đã có từ rất lâu giữa cánh đồng Khedol thơ mộng này. Cặp thốt nốt này đã chứng kiến không biết bao nhiêu mùa lúa, chứng kiến những cặp đôi đến hò hẹn, chụp ảnh cưới… Những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia tìm đến chụp thốt nốt đôi với cảnh hoàng hôn, bình minh. Sự nổi tiếng của cặp cây này vượt xa khắp mọi miền Tổ quốc.

Cây thốt nốt tình yêu nhìn từ trên cao. Ảnh: Giang Phương

Cây thốt nốt tình yêu nhìn từ trên cao. Ảnh: Giang Phương

Thế nhưng, khoảng đầu tháng 5.2021, sau đêm mưa giông, một trong hai cây thốt nốt tình yêu đã ngã quỵ, bỏ lại một cây đứng cô đơn giữa đồng. Do nó trở thành biểu tượng đặc trưng gắn với vùng đất Khedol nên bà con ở đây đã cùng chủ đất và chính quyền thành phố Tây Ninh dựng lại cây thốt nốt với sự hỗ trợ của Công ty CP Mặt trời Tây Ninh (Sungroup Tây Ninh).

Cây thốt nốt như được hồi sinh. Phần thân bị tét được bó lại, rồi dùng sắt chống đỡ, giằng néo cho cây đứng tựa vào cây bên cạnh còn đứng vững. Cư dân Tây Ninh một lần nữa bày tỏ sự cảm kích đối với những người đã nỗ lực hồi sinh cây thốt nốt. Thế nhưng, cây thốt nốt tình yêu đã không trụ nổi thời gian dài, nay chỉ còn lại ký ức cho người dân Tây Ninh.

Cặp thốt nốt trên cánh đồng Khedol. Ảnh: Giang Phương

Cặp thốt nốt trên cánh đồng Khedol. Ảnh: Giang Phương

Một biểu tượng khác cũng khó có thể quên là cội trâm già Gò Duối. Đó là cây trâm già cô đơn nằm chơ vơ giữa cánh đồng lúa Gò Duối (thuộc ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hòa Thành). Nó cũng mang biểu tượng của thiên nhiên, của làng quê dân dã.

Vào buổi bình minh hay lúc hoàng hôn, gốc trâm già tạo nên bức tranh đồng quê thơ mộng, bình yên đến lạ. Thế nhưng, cây trâm già nay đã chết khô, thân cây cằn cỗi, cành trụi lá khiến lòng người không khỏi nhiều cảm xúc.

Những khoảnh khắc đẹp của cây thốt nốt tình yêu giờ chỉ còn là kỷ niệm. Ảnh Giang Phương

Những khoảnh khắc đẹp của cây thốt nốt tình yêu giờ chỉ còn là kỷ niệm. Ảnh Giang Phương

Chính sự dân dã của cánh đồng Khedol hay cánh đồng Gò Duối đã mang lại nét đặc trưng làng quê hiếm có cho Tây Ninh. Dù những biểu tượng này dần phai theo quy luật của tự nhiên nhưng vùng đất Tây Ninh cho thấy càng ngày càng có thêm nhiều điểm đến mới thay thế. Phải kể đến còn nhiều điều mới mẻ ở hồ Dầu Tiếng (huyện Dương Minh Châu), vùng quê Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng), Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát…

Giang Phương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-uc-nhung-diem-den-kho-phai-cua-nguoi-dan-tay-ninh-a145185.html