Ký ức những ngày tham gia giải phóng Sài Gòn
50 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày tham gia giải phóng Sài Gòn vẫn còn in đậm trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Trọng Thẩm (làng Ia Tang, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp gặp và nghe ông kể những kỷ niệm không thể nào quên về một thời hoa lửa.
1. Năm 1971, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai Nguyễn Trọng Thẩm xếp bút nghiên, rời quê hương Đồng Cương (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau thời gian huấn luyện, ông được biên chế về Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Phòng không 232, Sư đoàn 377 thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân.
Rót chén trà ấm, ông Thẩm trầm tư bắt đầu câu chuyện với bao xúc cảm dành cho những đồng đội đã hy sinh: “Nhớ lại những trận đánh ác liệt ngày ấy, tôi thương tiếc các đồng đội vô cùng. Tôi may mắn còn sống để nhìn thấy đất nước ngày càng phát triển, còn nhiều anh em của mình đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ”.

Mặc dù tuổi cao nhưng cựu chiến binh Nguyễn Trọng Thẩm vẫn hăng say lao động, sản xuất. Ảnh: T.T
Khi được hỏi về quãng thời gian tham gia giải phóng miền Nam, ông Thẩm chậm rãi kể: Ông là lính phòng không chiến đấu bảo vệ miền Bắc và tham gia Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đầu năm 1974, trước yêu cầu của chiến trường, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, Trung đoàn 232 từ Khu 4 hành quân vào chiến trường Tây Nguyên. Đến bây giờ, cuộc hành quân vượt rừng với vũ khí trang bị, phương tiện trên vai vẫn in đậm trong ký ức của ông Thẩm.
“Chúng tôi phải trải qua “mưa dầm, cơm vắt” trong rừng với địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, độc hại. Chưa kể, những đợt hành quân dài ngày, đôi chân chúng tôi bị phồng rộp, mọng nước, phải dùng kim chích cho vỡ ra rồi lấy áo quấn vào chân để đi tiếp. Dẫu gian khổ nhưng tôi và đồng đội đều giữ vững niềm tin, ý chí quật cường, đảm bảo tập kết đúng kế hoạch. Vào đến Tây Nguyên, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng vùng đất này. Khi Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra, đơn vị của chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ đội hình xe tăng đột phá và đánh địch tập kích đường không, bảo vệ đội hình bộ binh và sở chỉ huy”-ông Thẩm chia sẻ.
2. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, ngày 26-3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định thành lập Quân đoàn 3 trên cơ sở các đơn vị chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên, bao gồm cả Trung đoàn Phòng không 232.
Ngay sau khi thành lập, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 nhận lệnh hành quân thần tốc tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Quân đoàn đảm nhiệm tiến công chủ yếu từ hướng Tây Bắc vào Sài Gòn, tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy, đánh chiếm Hóc Môn, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Thiết giáp, Bộ Tư lệnh Pháo binh và Bộ Tổng Tham mưu ngụy.
Ngày 29-4, Sư đoàn 320 tiến công tiêu diệt căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) của Sư đoàn 25 ngụy. Sư đoàn 316 tấn công địch ở Trảng Bàng, Gò Dầu, làm chủ đường số 1 và 22. Trung đoàn 198 đặc công đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng, tạo điều kiện cho lực lượng thọc sâu (binh chủng hợp thành) của Quân đoàn đánh chiếm các mục tiêu nội đô.

Giấy chứng nhận tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh của cựu chiến binh Nguyễn Trọng Thẩm. Ảnh: T.T
Là lực lượng phòng không chiến dịch, đơn vị của ông Thẩm theo đội hình của Quân đoàn để hỗ trợ các lực lượng. Đến nay, trận đánh vào căn cứ Đồng Dù vẫn để lại trong ông nỗi ám ảnh vì quá nhiều đồng đội hy sinh.
Đồng Dù là căn cứ hỗn hợp quy mô lớn, có vị trí rất quan trọng, nằm trên trục quốc lộ 1, án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn. Đây vốn là căn cứ của Sư đoàn 25 Mỹ (Tia chớp nhiệt đới) được xây dựng từ lâu, có hình bầu dục, chu vi gần 8.500 m, xung quanh là vùng trắng bằng phẳng, trống trải và hoang tàn.
Lực lượng địch trong căn cứ Đồng Dù gồm: Bộ Tư lệnh Sư đoàn 25, Ban Chỉ huy Trung đoàn 50, Tiểu đoàn 2 bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo hỗn hợp, 1 chi đoàn xe tăng và hậu cứ Trung đoàn 10 thiết giáp; các tiểu đoàn công binh, thông tin, vận tải, chiến tranh chính trị, quân y, tiếp vận; chỉ huy căn cứ Củ Chi và Trường Huấn luyện hạ sĩ quan, binh sĩ. Tổng quân số khoảng 3.000 tên; trang bị có 34 xe tăng, xe bọc thép, gần 5.000 khẩu súng các loại, trong đó có 18 khẩu pháo lớn. Do vậy, Chuẩn tướng Lý Tòng Bá (Sư đoàn trưởng Sư đoàn 25 của địch) hô hào và bắt quân lính “tử thủ” đến cùng.
Ông Hoàng Đức Anh-Chủ tịch UBND xã Ia Kla: “Không chỉ là một người lính kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ mà khi về địa phương, ông Thẩm còn là một công dân tiêu biểu, tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể. Khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 100 m2 đất để mở rộng đường giao thông”.
Đúng 5 giờ 30 phút ngày 29-4-1975, pháo binh Sư đoàn 320 đồng loạt nã đạn vào căn cứ Đồng Dù và kéo dài trong suốt 2 giờ liền. Cùng lúc đó, bộ binh trên các hướng nổ mìn và đánh bộc phá liên tục, mở bung nhiều lớp hàng rào.
Trên hướng tiến công chủ yếu, chiến sự diễn ra ác liệt ngay từ những phút đầu. Ta và địch giành nhau từng cửa mở; địch liên tục dùng pháo, xe tăng để bịt cửa mở khiến nhiều chiến sĩ của ta hy sinh.
“Đơn vị của chúng tôi nhiều lần được yêu cầu hạ thấp nòng pháo để chi viện cho bộ binh và bắn phá các công sự của địch. Sau 5 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt toàn bộ Sư đoàn 25 ngụy ở căn cứ Đồng Dù. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, bộ đội ta đã đánh chiếm và làm chủ Sở chỉ huy Sư đoàn 25. “Cánh cửa thép” trên quốc lộ 1 bị đập tan đã tạo điều kiện cho các đơn vị binh chủng hợp thành của Quân đoàn tiến vào giải phóng Sài Gòn.
“Theo kế hoạch, sau khi làm chủ căn cứ Đồng Dù, các đơn vị tiếp tục tiến về Sài Gòn. Đang trên đường di chuyển thì chúng tôi nghe tin Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Khi đó, đơn vị chúng tôi được lệnh chốt chặn tại Củ Chi”-ông Thẩm nhắc nhớ.
3. Năm 1976, Trung đoàn 232 được điều động về đóng quân tại Bình Dương, sau đó là Buôn Ma Thuột. Đến cuối năm 1976, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Thẩm được xuất ngũ. Trong 6 năm rong ruổi trên mọi chiến trường, đi từ mất mát, đau thương đến ngày đất nước thống nhất, khi trở về quê hương, người cựu chiến binh ấy vẫn phát huy vai trò của mình. Do chiến tranh, cuộc sống của người dân ở quê vô cùng khó khăn. Đến năm 1978, ông Thẩm bén duyên với cô giáo trường làng Nguyễn Thị Thanh.
Trong căn nhà nhỏ chỉ còn vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Trọng Thẩm sớm tối bên nhau, bởi các con đều đã xây dựng gia đình riêng. Ngồi bên chồng, xem lại những kỷ vật chiến tranh, bà Thanh tâm sự: “Cũng chẳng hiểu sao chúng tôi lại nên duyên vợ chồng. Từ chiến trường trở về, ông ấy gầy và đen lắm, song có lẽ vì cảm mến anh giải phóng quân nên tôi đem lòng yêu ông. Sau khi cưới, tôi động viên chồng tiếp tục việc học nhưng ông ấy không đồng ý. Vì kinh tế khó khăn, ông phải lên Lào Cai để làm việc, kiếm thêm thu nhập nuôi vợ, con. Đến năm 1991, chúng tôi quyết định vào Gia Lai lập nghiệp. Vào đây, tôi vẫn làm giáo viên dạy học, còn chồng thì làm công nhân khai thác mủ cao su”.

Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Thẩm cùng vợ ôn lại những kỷ niệm về một thời hoa lửa. Ảnh: T.T
Trở lại với Tây Nguyên-mảnh đất đã gắn bó trong chiến tranh, người chiến sĩ Nguyễn Trọng Thẩm vẫn phát huy vai trò của một cựu chiến binh gương mẫu, từng tham gia giải phóng Sài Gòn.
“Tôi vừa làm công nhân, vừa tham gia công tác ở địa phương với 11 năm đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của thôn. Tôi cũng luôn động viên người dân chăm lo lao động sản xuất để xây dựng, kiến thiết quê hương. Gia đình tôi có 3 người con, đến nay đều đã lập gia đình ra ở riêng, cuộc sống ổn định. Tôi thường khuyên các con phải biết trân quý hòa bình bởi nó được đánh đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ cha anh đi trước”-ông Thẩm bộc bạch.
Những ngày này, gia đình ông Thẩm trở nên rộn ràng hơn khi các con, các cháu cùng quây quần bên ông bà để chung vui trong niềm vui đất nước tròn 50 năm giải phóng.
“Chiến tranh đã đi qua 50 năm nhưng ký ức của nó vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Để giành được độc lập, giang sơn thống nhất, hàng ngàn đồng chí, đồng đội của tôi vẫn còn nằm lại đâu đó trên chiến trường. Chính vì thế, các thế hệ hôm nay phải biết quý trọng cuộc sống tốt đẹp hiện tại và phải chung tay gìn giữ để đất nước mãi mãi hòa bình”-ông Thẩm quả quyết.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ky-uc-nhung-ngay-tham-gia-giai-phong-sai-gon-post320875.html