Ký ức những ngày tháng Tư lịch sử
Tròn 50 năm trôi qua, hồi ức của những ngày tháng Tư lịch sử lại tràn về. Bao nhiêu kỷ niệm hào hùng thuở ấy, trong đó có một câu chuyện mà cho đến nay vẫn hằn trong ký ức, đó là câu chuyện về thiết lập chính quyền cách mạng trong những ngày đầu giải phóng.

Quần chúng Nhân dân mit tinh mừng chiến thắng tại Đơn Dương
Từ một người lính ở chiến trường Tuyên Đức, tôi được điều về công tác ở cơ quan Văn phòng Khu ủy Khu 6. Đầu năm 1974, tôi lại được điều về huyện Đơn Dương, lúc đầu phân công tôi phụ trách công tác Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng của huyện, sau đó ra làm Đội trưởng Đội Võ trang tuyên truyền công tác. Nói là Đội Võ trang nhưng chỉ có 6 đồng chí, trong đó có 2 đồng chí nữ, tùy lúc có tăng cường 3 - 4 đồng chí bộ đội 815 nhưng phải hoạt động trên địa bàn rộng lớn bao gồm xã Thạnh Mỹ, Lạc Lâm, Ka Đô, Quảng Lập, Đạ Ròn và một phần xã Tu Tra ngày nay. Huyện Đơn Dương vào những năm 1972 - 1974 rơi vào tình cảnh “thoái trào”. Năm 1972, thực hiện chủ trương cắm cờ lấn đất giành dân, huyện tập trung lực lượng vào Ka Đô bị địch bao vây đánh úp làm cho lực lượng của ta bị tổn thất nặng nề. Cuối năm 1973, địch đánh vào cơ quan đầu não của huyện, đồng chí Bí thư Huyện ủy và nhiều đồng chí hy sinh, phong trào cách mạng ở nhiều nơi trong huyện bị địch đánh phá tan rã, Đội công tác K4 phụ trách vùng Ka Đô, Quảng Lập… bị “xóa sổ”, Đội công tác K1 của chúng tôi phải đảm nhận địa bàn này.
Tháng 3/1975, ta đánh đòn quyết định vào Buôn Ma Thuột làm thối động cả vùng Nam Tây Nguyên, quân địch ở Tuyên Đức, Đà Lạt hoang mang rệu rã, cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975, toàn bộ địch ở Tuyên Đức, Đà Lạt tháo chạy về Phan Rang. Ngày 2/4/1975, đội công tác chúng tôi vào tiếp quản và thiết lập chính quyền cách mạng ở 2 xã Thạnh Mỹ và Lạc Lâm. Đã gần 10 ngày từ ngày 2/4/1975 đến 11/4/1975 chúng tôi dồn hết lực của đội công tác và một số anh em bộ đội 815 tăng cường về các thôn, ấp để thiết lập chính quyền quân quản, nhưng gần 10 ngày ấy mới xây dựng được chính quyền 12 thôn trên 20 thôn và chính quyền quân quản 2 xã, 2 đội dân quân du kích làm lực lượng nòng cốt ở 2 xã.
Khoảng 10h ngày 11/4/1975, vừa đi công tác ở Ka Đô về trụ sở xã Thạnh Mỹ, tôi vô cùng ngạc nhiên và phấn khởi gặp lại đồng chí Trần Lê - Bí thư Khu ủy Khu 6. Đồng chí đi kiểm tra tình hình từ Đà Lạt xuống D'ran và vào Thạnh Mỹ. Gặp tôi, đồng chí ân cần thăm hỏi chân tình như người cha, người chú lâu ngày mới gặp lại (khi công tác ở Văn phòng Khu ủy, tôi gọi đồng chí Trần Lê bằng chú). Sau vài lời thăm hỏi, động viên, đồng chí bảo tôi báo cáo tình hình 2 xã Thạnh Mỹ, Lạc Lâm; tôi báo cáo cụ thể tình hình về thực lực của ta, kể cả cơ sở cách mạng ở các thôn ấp trước giải phóng, bộ máy kềm kẹp của tề, ngụy đã tan rã tại chỗ, công tác xây dựng chính quyền của ta ở 2 xã và các thôn từ ngày tiếp quản đến nay. Đồng chí rất chăm chú nghe tôi báo cáo, nghe xong đồng chí có vẻ không vui nhưng cũng rất cởi mở và ôn tồn hỏi tôi: “Tình hình như rứa, cậu định đến chừng nào mới lập xong chính quyền ở các thôn còn lại và số vũ khí còn nằm rải rác trong dân liệu có ổn không?”. Tôi trình bày thêm: "Thưa chú, những thôn còn lại là những nơi khá phức tạp, ta hoàn toàn không có cơ sở cách mạng, do đó phải lựa chọn người tin cậy để lập chính quyền, do vậy có nhanh cũng phải một tuần nữa mới lập xong chính quyền ở các thôn đó".
Khi tôi trình bày như vậy, đồng chí nghiêm nghị và nói: “Sự thắng lợi của ta ở Buôn Ma Thuột và các nơi khác đang diễn ra là những đòn đánh “thối động” làm cho địch choáng váng không kịp trở tay. Đối với ta, đó là thời cơ lịch sử, tuy nhiên tình hình cụ thể ở từng địa phương hiện nay, thắng lợi của chúng ta giống như một trận bão tràn qua, nếu chúng ta không khẩn trương dọn dẹp thì cây cối sẽ ngóc đầu dậy. Địch hoang mang dao động kéo nhau bỏ chạy, song lực lượng tại chỗ của chúng vẫn còn đông, trong khi Phan Rang chưa giải phóng, Sài Gòn chưa giải phóng, nếu chúng ta không khẩn trương nắm chính quyền ngay, để chúng hoàn hồn trở lại thì tình hình sẽ rất phức tạp. Mặt khác, bọn phản động mới cũng đang lăm le tranh chấp giành chính quyền với ta. Do đó, thời gian lúc này quý giá hơn vàng ngọc, không cho phép ta “hưỡn đãi” được đâu".
Đồng chí trầm ngâm nói tiếp: "Phải quan niệm chính quyền đối với ta lúc này như cái lưỡi hái cùn, mặc dù có cùn nhưng khi ta nắm chắc cái cán, thằng nào nhào vô không đứt cổ cũng chảy máu, do đó bọn phản động có muốn làm gì cũng phải dè chừng. Những nơi nào khó quá, chọn không ra người thì chọn điều những cơ sở cốt cán của ta ở thôn khác đến để lập chính quyền, sau đó sẽ củng cố dần, lúc này không quá cầu toàn. Nên nhớ một điều là phải dựa vào quần chúng Nhân dân, và qua các phong trào cách mạng chắc chắn sẽ chọn ra được người tốt. Nhiệm vụ của chính quyền xã, ấp lúc này là tập trung gìn giữ an ninh trật tự, thu gom vũ khí, tuyên truyền giải thích các chủ trương, chính sách của Chính phủ cách mạng, kêu gọi tề ngụy ra trình diện, động viên quần chúng Nhân dân chăm lo sản xuất ổn định đời sống…".
Sau vài giây suy nghĩ, đồng chí nhắc nhở chúng tôi: "Phải luôn cảnh giác, không vì thắng lợi mà say sưa, chểnh mảng. Chúng ta đang ra ánh sáng, kẻ địch đang đi vào bóng tối, mọi cử chỉ, hành động của chúng ta chúng đều theo dõi đấy. Vấn đề khác cũng vô cùng phức tạp không chỉ hôm nay mà sẽ diễn ra trong quá trình chúng ta quản lý xã hội sau này. Đó là mọi thứ cám dỗ đang bày ra đối với chúng ta. Những viên đạn bọc đường dễ xơi lắm các cậu có hiểu không? Thôi mình nói bấy nhiêu, các cậu nghiên cứu, cố gắng làm đi, mình đi kiểm tra mấy nơi vừa rồi thấy còn nhiều trì trệ. Mình biết ở cơ sở anh em vất vả lắm, nhưng được gần dân, sát dân, va chạm với thực tiễn ở thời điểm lịch sử này có ý nghĩa vô cùng to lớn, không phải ai cũng có được, cậu động viên anh em cố gắng vượt qua khó, khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Đây là ước vọng ngàn đời của dân tộc ta".
Nhìn vào tôi, đồng chí nói với một tình cảm chân tình, đặc biệt, đồng chí cảm thông với hoàn cảnh gia đình tôi vì có nhiều người hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ này, đồng chí động viên tôi cố gắng vươn lên, và đồng chí khen tôi: “Mình thấy cậu ra làm công tác phong trào tốt đấy, thấy cậu lớn lên nhiều, hãy cố nhiều lên hỉ”.
Bắt tay tiễn đồng chí Trần Lê ra xe, tôi vô cùng lưu luyến và xúc động. Chỉ không đầy 1 giờ làm việc trực tiếp với đồng chí, những lời nói ngắn gọn của đồng chí nhưng vô cùng súc tích, chứa đựng biết bao nội dung thiết thực. Chúng tôi, những người cán bộ ở cơ sở, trực tiếp với công việc trong tình hình khó khăn chồng chất lúc bấy giờ được tiếp cận đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, được nghe những lời chỉ giáo chân tình, cụ thể và sâu sắc như vậy, thực sự đã tiếp thêm cho chúng tôi một sức mạnh to lớn.
Ngay chiều hôm đó (11/4/1975), chúng tôi triệu tập Chi ủy và toàn bộ nhân viên đội công tác về họp đánh giá tình hình chung ở 2 xã và công tác xây dựng chính quyền trong thời gian qua. Sau khi nghe anh em phản ánh góp ý và nêu ra những khó khăn, tôi vận dụng và truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Khu ủy Trần Lê, anh em nghe xong như được tháo gỡ nhiều điều. Chúng tôi bàn kế hoạch khẩn trương xây dựng chính quyền các thôn còn lại và lập thêm các đội du kích, lấy một số anh em bộ đội 815 làm nòng cốt đưa về các địa bàn phức tạp để hỗ trợ cho chính quyền, hầu hết tề ngụy đều ra trình diện, vũ khí các loại đã được thu gom cơ bản đưa về xã Thạnh Mỹ và chuyển về huyện.
Sau khi ổn định tình hình chung của 2 xã Thạnh Mỹ, Lạc Lâm, huyện điều đồng chí Phan Công Chúng về làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã Thạnh Mỹ, đồng chí Nguyễn Đức Ổn làm Bí thư - Chủ tịch xã Lạc Lâm, tôi được điều đi học lớp công tác chính quyền đầu tiên do Khu vực Nam Trung Bộ (Khu 6) mở tại Bảo Lộc. Sau đó, tôi về nhận công tác Ủy viên thư ký UBND huyện Đơn Dương, đến tháng 11/1975 được đi học chính trị tại Hà Nội.
Đúng như lời của đồng chí Trần Lê nhận định và cảnh báo, một thời gian ngắn sau giải phóng, địch hoàn hồn lại, chúng đã gây cho ta một số tổn thất: đồng chí Phan Công Chúng thay tôi làm Bí thư xã Thạnh Mỹ bị chúng sát hại ở Lạc Xuân; đồng chí Mười Tất - Bí thư xã Xuân Trường (Xuân Trường lúc này thuộc Đơn Dương) bị bọn phản động sát hại ở Phát Chi; đồng chí Trần Láng - Đội Công an của huyện bị chúng sát hại ở Tu Tra... Sự thiệt hại đó có một phần do ta chủ quan, mất cảnh giác.
Thời gian đã trôi qua, mặc dù sau này tôi được đào tạo ở các trường lớp và trải qua các cương vị công tác khác nhau, nhưng những ký ức về công tác xây dựng chính quyền những ngày đầu mới giải phóng và sự chỉ đạo của đồng chí Trần Lê năm xưa đối với tôi luôn có ý nghĩa sâu sắc, là những bài học quý giá thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và trưởng thành.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202504/ky-uc-nhung-ngay-thang-tu-lich-su-2c43d91/