Ký ức thanh xuân trên đất Bắc

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa bình, trong lớp lớp cán bộ đi B ngày ấy, có những người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, nhiều người đã trở về góp phần xây dựng quê hương. Những giấy tờ cá nhân được bảo quản cẩn thận, những kỷ vật được lưu giữ trang trọng..., khi được trở về với chính chủ của nó, khoảng cách thời gian, không gian dường như xóa nhòa.

Các đại biểu tham quan Khu trưng bày “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”. Ảnh: Ái Trinh

Các đại biểu tham quan Khu trưng bày “Ký ức thanh xuân trên đất Bắc”. Ảnh: Ái Trinh

Tập kết ra Bắc, hành trình lịch sử

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết vào ngày 21/7/1954, đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Bắc nước ta, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975. Hiệp định quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời trong thời gian chờ cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là, đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng. Sự kiện tập kết năm 1954 được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trong Hiệp định Geneve đã quy định thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7/1956 nên toàn thể nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc đều tin rằng, sau hai năm ra Bắc tập kết sẽ trở về, nhưng không ngờ, đến tận 21 năm sau, cơ hội này mới thành hiện thực. Để rồi sau đó, họ và cả những cán bộ, người dân miền Bắc lại tình nguyện, lặng lẽ âm thầm vượt dãy Trường Sơn để chi viện sức người cho cuộc chiến đấu ở miền Nam. Đó là nhiệm vụ cách mạng bí mật, cao cả, được gọi với mật mã “đi B”, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Hồ sơ đi B, những kỷ vật đặc biệt

Theo quy định, những cán bộ vào Nam chiến đấu chỉ được mang theo đồ dùng sinh hoạt cá nhân do Ủy ban Thống nhất Chính phủ cấp phát. Tất cả tư trang hành lý, tài sản cá nhân, kỷ vật đều phải gửi lại (gọi chung là hồ sơ cán bộ đi B). Những tờ chứng minh thư, sơ yếu lý lịch, những tấm bằng tốt nghiệp, bằng khen, giấy khen, huy hiệu, huân chương, những cánh thư, những dòng đơn tình nguyện và những giấy tờ có giá trị vật chất là phiếu tiết kiệm, công trái, tiền vàng... là những kỷ vật đặc biệt. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện, là một phần ký ức của thời thanh xuân tươi trẻ của thế hệ cán bộ cách mạng đã góp phần làm nên lịch sử của một dân tộc yêu nước.

Ông Lê Quang Dũng xúc động khi xem các kỷ vật của cha. Ảnh: Hoàng Trọng

Ông Lê Quang Dũng xúc động khi xem các kỷ vật của cha. Ảnh: Hoàng Trọng

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneve và thực hiện chuyển quân ra Bắc của tỉnh Bình Định, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định tổ chức trưng bày chuyên đề tài liệu lưu trữ ‘‘Ký ức thanh xuân trên đất Bắc” giới thiệu, quảng bá 150 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý giá về sự kiện chuyển quân tập kết ra Bắc tại cảng Quy Nhơn, cán bộ và học sinh miền Nam trên đất Bắc, hồ sơ và kỷ vật cán bộ đi B. Thời gian trưng bày từ ngày 28/8 đến ngày 31/12/2024, tại số 12 Mai Hắc Đế, thành phố Quy Nhơn.

Tại lễ khai mạc trưng bày, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định đã phối hợp cùng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III trao hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B cho 57 thân nhân, gia đình của cán bộ tỉnh Bình Định. Hiện tại, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đang lưu trữ, bảo quản 72.000 bộ hồ sơ cán bộ đi B, trong đó, số hồ sơ của tỉnh Bình Định là 5.442 bộ, trở thành địa phương có số lượng hồ sơ đi B nhiều nhất trên cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết: "Trao hồ sơ, kỷ vật là một hoạt động hết sức ý nghĩa kỷ niệm về chuyển quân tập kết ra Bắc tại cảng Quy Nhơn 70 năm trước, càng đặc biệt hơn khi những kỷ vật từng gắn bó với các cán bộ tập kết gửi lại trước khi lên đường đi B được trở về sau 70 năm, thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với những người có công với đất nước trong giai đoạn cách mạng hào hùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ".

Có mặt tại lễ trao trả, ông Lê Quang Dũng (74 tuổi), ở thôn Bình Châu, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn bồi hồi xúc động khi được nhận những kỷ vật của cha mình là Lê Hải. “Ngày cha đi tập kết ra Bắc vào năm 1954, tôi chỉ khoảng 3-4 tuổi. Vì còn quá nhỏ nên tôi không nhớ gì. Từ đó, gia đình cũng mất liên lạc. Năm 1978, tôi bất ngờ nhận được giấy báo tử của cha, trong giấy ghi ngày mất là 21/6/1968. Tôi đã không có thông tin gì về cha và cũng không nhớ mặt cha. Giờ được nhận lại những hồ sơ, kỷ vật của cha mình, trong đó, có cả tấm ảnh nhỏ xíu của cha khiến những trăn trở của tôi đã phần nào nguôi ngoai”.

Ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định cho biết, qua triển lãm, Ban tổ chức mong muốn giới thiệu rộng rãi khối hồ sơ, kỷ vật đang được lưu giữ, nhằm thiết thực thông tin để cán bộ đi B cùng người thân sớm biết được và nhận lại hồ sơ kỷ vật của mình và người thân; đồng thời, thể hiện trách nhiệm của công tác lưu trữ trong hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" và tri ân đối với những người có công với đất nước, qua đó, góp phần lan tỏa vai trò của công tác lưu trữ, gìn giữ tài liệu của Nhà nước, xã hội và nhân dân.

Ái Trinh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-uc-thanh-xuan-tren-dat-bac-post480614.html