Tìm về miền kí ức của bộ phim 'Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân'

Cho đến nay, bộ phim 'Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân' vẫn là bộ phim lịch sử có giá trị vượt thời gian về vùng đất lửa Quảng Trị. Trong hồi ức của đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, những ngày làm phiên dịch cho đoàn làm phim, là cộng sự của đạo diễn Joris Ivens, vẫn vẹn nguyên trong bà những kỷ niệm khó quên sau nhiều năm và nó đã trở thành động lực cho hành trình tìm lại miền kí ức.

Bà Nguyễn Xuân Phượng và “cậu bé Đức” (ngoài cùng bên trái) giao lưu với khán giả tại buổi công chiếu bộ phim "Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân". Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Bà Nguyễn Xuân Phượng và “cậu bé Đức” (ngoài cùng bên trái) giao lưu với khán giả tại buổi công chiếu bộ phim "Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân". Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Trong lửa đạn chiến tranh

Bộ phim “Vĩ tuyến 17- Chiến tranh nhân dân” tại Vĩnh Linh năm 1967 là 1 trong 4 phim tài liệu của đạo diễn nổi tiếng người Hà Lan Joris Ivens làm về Việt Nam và đã gây chấn động dư luận phương Tây khi công chiếu vào thập kỷ 70 thế kỷ trước. Phim kể về cuộc sống và cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương của nhân dân Vĩnh Linh những năm 1967-1968 thật khốc liệt nhưng đầy kiên cường. Trước khi tham gia đoàn làm phim, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng là bác sĩ nhưng vì giỏi tiếng Pháp nên được Bác Hồ giới thiệu làm phiên dịch cho đoàn làm phim. Sau cơ duyên gặp gỡ cùng vợ chồng đạo diễn Joris Ivens, trở về từ Vĩnh Linh, bà đã “chuyển nghề” làm phóng viên và đạo diễn phim tài liệu chiến trường.

Không sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, cũng không có quá nhiều thời gian gắn bó với mảnh đất này, nhưng đó lại là những thời điểm, khoảnh khắc quan trọng làm thay đổi cuộc đời của tôi, bởi vậy mà Quảng Trị như một phần máu thịt, cuộc sống của tôi. Suốt những năm qua, tôi vẫn luôn cố gắng để mình có thể làm việc gì đó cho miền đất lửa Quảng Trị ”- bà Nguyễn Thị Xuân Phượng phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm ảnh “Hồi sinh”.

Nay, ở tuổi ngoài 90 tuổi, đạo diễn Xuân Phượng vẫn khí chất, minh mẫn, sắc sảo ngời ngời. Chính vì thế, mỗi khi nhắc đến mảnh đất thiêng liêng bên dòng sông Thạch Hãn - Vĩ tuyến 17 của đất nước, những xúc cảm tuyệt vời về dòng ký ức chưa thể phai mờ cùng đoàn làm phim. Trở lại thời điểm năm 1967, bà Phượng tham gia đoàn làm phim với tư cách là phiên dịch và chăm sóc sức khỏe cho vợ chồng đạo diễn Joris Ivens Marceline Loridan khi họ làm phim tại Vĩnh Linh. Và trong suốt quãng thời gian khó khăn, ác liệt đó, bà đã cùng đoàn làm phim tiến vào một vùng đất được mệnh danh là túi bom của Quảng Trị, nóng bỏng bởi sự hủy diệt.

Kết quả, sau gần 70 ngày đêm ở tuyến đầu Vĩnh Linh, vợ chồng đạo diễn Joris Ivens - Marceline Loridan cùng Xuân Phượng và đoàn làm phim đã cho ra đời bộ phim tài liệu nổi tiếng “Vĩ tuyến 17-Chiến tranh nhân dân”, một tác phẩm điện ảnh chân thực, sống động và giàu tính nhân văn bằng phương pháp làm phim Cinema direct (Điện ảnh trực diện). Bật lên sự đối lập giữa những kẻ xâm lược với vũ khí tối tân là những người dân hiền hòa, nhỏ bé, vũ khí thô sơ, nhưng có một tinh thần chiến đấu kiên cường, với một khát vọng tự do, hòa bình mãnh liệt. Trong đó có hình ảnh “em bé 9 tuổi cầm súng” Phạm Công Đức thoăn thoắt tháo lắp súng tiểu liên K50 cùng nhiều hình ảnh hoạt động, sẻ chia trong phim với bạn, với bà con, bộ đội đã gây xúc động sâu sắc. Đức là cậu bé ở bờ Nam sông Bến Hải, quê ở thôn An Nha, xã Gio An, huyện Gio Linh. Còn nhỏ nhưng Đức đã làm liên lạc cho bộ đội, sau được đưa ra Vĩnh Linh để học tập. Khi đoàn làm phim của đạo diễn Joris đến Vĩnh Linh, Đức đã có khoảng thời gian gắn bó, thắm thiết với bà Xuân Phượng và hay gọi thân mật là “O Phượng của con”.

Hạnh phúc ngày hòa bình

Mang tình cảm đặc biệt với nhân vật, sau này, khi đất nước hòa bình, đạo diễn Xuân Phượng đã cất công đi tìm Đức rất nhiều lần, ra tới tận Quảng Bình nhưng không có kết quả. Đến năm 2007, bà tiếp tục tìm kiếm lần nữa thì được tin có một giáo viên mang tên Phạm Công Đức ở thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh). Không dám kì vọng nhiều, nhưng bà vẫn hy vọng, nhờ tìm số điện thoại để hỏi han. Thế nhưng, khi điện thoại kết nối, phía kia đầu dây nghe mà không trả lời, bà nghĩ tìm sai người, hụt hẫng và quyết định quay trở về Hà Nội. Nhưng khi bà vừa rời khách sạn thì vỡ òa khi biết “em bé Đức” vừa gọi lại, do lúc nãy đứa cháu nghe máy. “Đức của tôi đây rồi”, nữ đạo diễn reo lên.

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng tại triển lãm “Hồi sinh”. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng tại triển lãm “Hồi sinh”. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Không thể chần chừ, bà vào gặp ngay nhân vật của mình. Tại ngôi nhà ấm áp, có mảnh vườn trồng tiêu xanh mướt, thầy giáo Đức đã trao tặng “O Phượng” 2 gói tiêu cay nồng, đặc sản vườn nhà. Đón nhận quà tặng này, “O Phượng” sang gặp vợ đạo diễn Joris (lúc này đạo diễn đã qua đời) và trao lại quà tặng của “em bé Đức”. Quá xúc động, bà Marceline Loridan ra trước mộ phần cố đạo diễn, lấy một nhúm tiêu, thắp nến rồi đặt lên mộ ông báo tin vui về Đức.

Trong những câu chuyện sau này, nữ đạo diễn Xuân Phượng cũng nhắc về lần đỡ đẻ cho sản phụ Vĩnh Linh trong hầm địa đạo. Sau khi giúp sản phụ vượt cạn thành công, bà cùng đoàn làm phim không giấu được xúc động khi cha đứa bé vì mừng vui đến bật khóc. Vợ chồng họ xin bà đặt tên cho con trai mình và bà đã đặt cậu bé tên là Nguyễn Xuân Phượng. Cho đến nay, nữ đạo diễn vẫn muốn được gặp em bé “Xuân Phượng” ngày nào nhưng sau nhiều lần tìm kiếm, bà vẫn mãi chưa có thông tin.

Mới đây, tại Lễ hội Vì hòa bình do UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng đã trở lại mảnh đất Quảng Trị với triển lãm ảnh “Hồi sinh”. Đây là công trình đầy tâm huyết của người phụ nữ này. Triển lãm bao gồm những bức họa của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm và họa sĩ trẻ Đinh Quang Hải vẽ về một thời hoa lửa và quãng thời gian “hồi sinh” của vùng đất vĩ tuyến 17. Trong thời gian cùng đoàn làm phim, bà cùng cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã luôn sát cánh, rong ruổi khắp các vùng bom đạn tại Quảng Trị để ghi lại những hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến, người bằng máy quay, người bằng bút mực. Ở bối cảnh khốc liệt đó, bà nhận ra nhiệt huyết và tâm tư của ông trong từng nét vẽ. Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng bà Xuân Phượng vẫn không thể quên về những hồi ức ấy để rồi khi thời bình trở lại, niềm trăn trở của bà về bộ tranh của ông đã khiến bà quyết tâm thực hiện Triển lãm “Hồi sinh”.

Nguyễn Hòa Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tim-ve-mien-ki-uc-cua-bo-phim-vi-tuyen-17-chien-tranh-nhan-dan-post480955.html