Ký ức về bảo vệ cán bộ cách mạng giữa lòng địch

Những cô gái mới lớn, ở độ tuổi 15 - 17, nhưng dám chấp nhận hiểm nguy, kể cả hy sinh để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nuôi giấu cán bộ cách mạng, nắm tình hình địch, móc nối với cơ sở để báo tin... Lòng căm thù giặc sâu sắc đã tiếp thêm sức mạnh để họ dũng cảm đối mặt với hiểm nguy, bám trụ kiên cường trong lòng địch, làm cơ sở nuôi giấu cán bộ, góp phần cùng cả dân tộc đi đến ngày toàn thắng.

Các bà, các mẹ là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng ở Đại An Khê, Hải Thượng, Hải Lăng thắp hương tri ân anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ xã - Ảnh: T.T

Các bà, các mẹ là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng ở Đại An Khê, Hải Thượng, Hải Lăng thắp hương tri ân anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ xã - Ảnh: T.T

Từ một cái hẹn đặc biệt, nhà bà Đào Thị Dàn (79 tuổi), ở Đội 1, thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng hôm đó đông khách hơn ngày thường. Các bà, các mẹ Đào Thị Khiêm, Đào Thị Lục, Đào Thị Lan có dịp quây quần để ôn lại chuyện xưa, vào những ngày này khi huyện nhà đang rộn ràng khí thế chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng. Những câu chuyện, kỷ niệm của những người từng tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng năm xưa được kể rành mạch như mới ngày hôm qua.

Từ những năm tháng chống Pháp, người dân Hải Thượng đã nổi tiếng gan dạ, kiên cường. Giai đoạn 1954-1975, Hải Thượng nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền miền Nam. Mảnh đất này luôn được chính quyền cũ xác định là địa bàn cực kỳ quan trọng, là vành đai bảo vệ thị xã Quảng Trị, Chi khu Mai Lĩnh, huyện lỵ Hải Lăng.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, với tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, năm 18 tuổi, bà Dàn đã nuôi giấu cán bộ cách mạng trong vườn nhà mình. Từ năm 1965 - 1969 bà đã đào 5 hầm bí mật nuôi nhiều cán bộ cách mạng và 2 lần bị địch bắt cầm tù. Bà Dàn nhớ lại: “Để đào hầm bí mật an toàn mà không bị địch phát hiện, ban ngày tôi giả vờ xây cây rơm trong vườn, ban đêm thì dỡ rơm ra để đào. Cứ tầm 8-9 giờ đêm là khẩn trương đào hầm, đào cật lực đến 2-3 giờ sáng, xong lại ngụy trang bằng rơm và đi ngủ, sáng hôm sau kiểm tra cẩn thận rồi đi làm thuê, làm mướn để không bị nghi ngờ. Để đào xong một căn hầm bí mật phải mất từ 15 - 20 ngày làm cật lực”.

Những sọt đất đào lên lại được bí mật đem đổ xuống những hố đào sẵn để trồng cây. Để tránh tai mắt địch, mọi người phủ đất cũ lên, che đi đất mới. Hằng ngày, ngoài làm công việc đồng áng, họ đảm nhiệm việc nấu và mang cơm, thuốc men cho cán bộ cách mạng. Lần lượt hết cán bộ này chuyển đi, cán bộ khác lại đến và được nuôi giấu an toàn.

Nuôi giấu cán bộ bí mật, an toàn đòi hỏi các cô gái trẻ lúc bấy giờ phải mưu mẹo, khéo léo. Bà Dàn kể, khoảng 4 giờ sáng đưa các anh, các chú xuống hầm, từ 5-6 giờ chiều nắm tình hình thấy an toàn thì dỡ nắp hầm cho các anh, các chú lên đi hoạt động, còn mình thì chuẩn bị cơm nước. “Có một lần, chúng tôi đang ngụy trang hầm thì địch ập về làng, chúng đi từng nhà để lục soát.

Khi thấy tôi đang loay hoay đứng ở vườn, ngay trên căn hầm bí mật, chúng tỏ ra nghi ngờ nên lùng sục khắp nơi, dùng thuốn xoi từng mét đất. Một tên địch dùng chân gạt đất chèn trúng một lỗ thông hơi của căn hầm. Thường thì mỗi hầm có 3 lỗ thông hơi, cứ đất chèn lên thì anh em ở dưới hầm lại lấy que xoi đất lên, cứ như vậy nhiều lần khiến chúng sinh nghi. Tôi bèn nói trớ là chỗ đất này có con dế đào đất. Chắc nhìn thấy tôi còn nhỏ, nghĩ là không nói dối nên tên lính bỏ đi”, bà Dàn kể.

Hoạt động trong lòng địch, nhiều cán bộ dù nhà ở rất gần nơi trú ẩn nhưng có khi nhiều tháng trời không được gặp mặt vợ con. Bà Dàn nhớ lại, có thời điểm, bà nuôi giấu hai cán bộ cách mạng là ông Nguyễn Cuội, thời đó là Bí thư Đảng ủy xã Hải Thượng và ông Đơn. Nhà ông Cuội chỉ cách đó vài ngôi nhà, nhưng vợ con ông không có tin tức của chồng. Ông cũng vì nguyên tắc đảm bảo bí mật nên không được phép về thăm nhà. Thấy hoàn cảnh thương quá, một hôm, bà Dàn lấy cớ rủ vợ ông Cuội sang nhà chơi, chờ đến chiều tối đưa ông lên thăm.

Bà Đào Thị Khiêm, cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng ở thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, từng bị địch bắt cầm tù, tra tấn dã man bằng hình thức tra điện, đổ nước xà phòng và ớt vào cổ họng để bắt khai, nhưng vẫn không hé nửa lời.

“Dưới căn hầm mà gia đình tôi nuôi giấu cán bộ là một thùng sắt đựng tài liệu mật của xã, nếu tôi khai ra thì hậu quả hết sức nghiêm trọng . Ý thức được sự quan trọng đó nên tôi nhất quyết không khai dù bị tra tấn dã man. Tôi còn nhớ, khi bị bắt, địch dẫn đi từ đầu đến cuối làng để ngầm đe dọa bà con, có một người lính đi sau lưng có ghé tai dặn vội tôi là đừng khai một lời nào, như vậy mới an toàn”, bà Khiêm kể lại.

Câu chuyện của bà Đào Thị Lan, em gái của bà Khiêm càng khiến chúng tôi thêm khâm phục về sự gan dạ của những cô gái sớm giác ngộ đi làm cách mạng ở làng Đại An Khê. 15 tuổi, bà Lan đã đem cơm cho bộ đội, nghe ngóng nắm tình hình của địch để báo cho cơ sở. Hai chị em gái đều là cơ sở cách mạng, nhưng điều đặc biệt là không ai được biết công việc của ai đang làm để đảm bảo bí mật và an toàn cho cơ sở.

Những cô gái tuổi mười tám đôi mươi, dưới đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù vẫn kiên gan bảo vệ bí mật của cơ sở. Bà Đào Thị Lục khẳng khái: “Khi được kết nạp vào hàng ngũ Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có một lời thề quyết tâm là dù sa vào tay giặc cũng không khai báo, vẫn trung thành với cách mạng”.

Bí thư Đảng ủy xã Hải Thượng Phan Khắc Xứ cho biết, xã Hải Thượng có số liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất tỉnh, có nghĩa trang liệt sĩ xã quy mô nhất so với các xã trong nước với gần 2.000 nấm mộ, trong đó có 438 người là con em của xã. Mảnh đất này rất tự hào vì có những người con kiên cường, dũng cảm trong các cuộc kháng chiến cứu nước.

Mỗi khi có dịp, các bà, các mẹ cùng nhau đến nghĩa trang liệt sĩ xã thắp nén hương thơm tri ân các anh hùng liệt sĩ, trong số đó, có không ít người đã được các bà, các mẹ nuôi giấu bí mật để hoạt động cách mạng. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức thì vẫn còn mãi. Câu chuyện về sự dũng cảm, một lòng đi theo cách mạng, sẵn sàng hy sinh để đảm bảo an toàn cho tổ chức, cán bộ và chiến sĩ của những cơ sở cách mạng như bà Dàn, bà Khiêm, bà Lục, bà Lan xứng đáng được kể mãi để thế hệ con cháu biết, trân trọng, tri ân.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ky-uc-ve-bao-ve-can-bo-cach-mang-giua-long-dich-191792.htm