Ký ức về con đường kéo pháo huyền thoại
'Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi// Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù...'. Những ca từ bất hủ trong bài hát 'Hò kéo pháo' của nhạc sĩ Hoàng Vân đã phần nào tái hiện những gian khó và ý chí quyết tâm của bộ đội ta khi kéo pháo vào trận địa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, để đưa được các loại pháo hạng nặng (lựu pháo 105mm, pháo cao xạ 37mm…) vào trận địa bằng sức người qua những con đường núi quanh co, dốc cao vực sâu là một hành trình đầy gian nan, vất vả và cả sự hy sinh của bộ đội ta. Kéo pháo vào trận địa là việc làm khó khăn nhất mà quân Pháp cũng cho rằng "Việt Minh không thể đưa pháo lên Điện Biên Phủ".
Đèo Pha Đin là một trong "tứ đại đỉnh đèo" ở Tây Bắc. Trước đây, đèo có độ dài 32km, thuộc quốc lộ 6, là cửa ngõ vào tỉnh Điện Biên. Điểm cao nhất của đèo là 1.648m so với mực nước biển, với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Độ dốc của đèo khoảng 10%, có chỗ lên đến 19%. Lúc lên dốc và xuống dốc, con đường đèo ngoằn ngoèo hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và vô số khúc cua tay áo. Hành quân và vận chuyển vũ khí, lương thực lên Điện Biên với đường đèo khó khăn là vậy kèm theo đó là những đợt oanh tạc dữ dội của không quân Pháp nhằm chặn quân ta vào Điện Biên. Nhưng những khó khăn đó không ngăn cản được ý chí, sức mạnh của bộ đội ta kéo pháo vào chiến dịch.
Chiến sĩ Điện Biên Lê Hữu Thảo (SN 1931, quê xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hiện đang sinh sống tại TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: Không chỉ núi cao, vực sâu, đèo Pha Đin còn là một trong những trọng điểm hứng chịu nhiều nhất lượng bom mà quân Pháp thả xuống nhằm cắt đứt con đường tiếp tế lương thực, vũ khí của quân đội ta. Mỗi ngày quân Pháp cho máy bay tuần tiễn khu vực đèo hàng chục lần, thả hàng trăm quả bom các loại hòng hủy diệt tuyến đường quan trọng này.
Bây giờ, đèo Pha Đin đã hạ độ cao và mở rộng mặt đường, không còn hiểm trở như trước nhưng vẫn là con đường huyền thoại kéo pháo bằng sức người của những người lính Điện Biên năm xưa. Bắt đầu từ đây, qua nhiều đèo, dốc, vực sâu, núi cao bộ đội ta kéo pháo vào trận địa, làm nên yếu tố bất ngờ đối với quân Pháp.
Trong số những cung đường kéo pháo, có một quãng đường rất đặc biệt dài 15km được làm chỉ trong vòng 20 giờ, với sự tham gia của 5.000 cán bộ, chiến sĩ, chạy từ cửa rừng Nà Nham qua đỉnh núi Pha Sông xuống bản Tấu, bản Nghễu, nay thuộc xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ. Trên đoạn đường ấy, từng khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đã được những chiến sĩ “chân đồng, vai sắt” đưa lên tận đỉnh Pha Sông cao 1.500m trong màn đêm, khi một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút.
Sau gần 10 ngày đêm gian khổ, pháo của quân đội ta đã được kéo vào trận địa, áp sát các cứ điểm của địch. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tình hình của địch, Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ quyết định thay đổi từ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”. Theo đó, bộ đội ta lại phải kéo pháo ra. Kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra càng khó khăn hơn gấp nhiều. Bởi quá trình kéo pháo ra xuống dốc cần phải kìm lại, trong khi mỗi khẩu pháo nặng hơn 2 tấn, nếu đứt dây tời là pháo rơi xuống vực. Và trong một lần kéo pháo bị đứt dây tời, chiến sĩ Tô Vĩnh Diện đã hi sinh thân mình chèn pháo, không để pháo rơi. Sự hi sinh của anh Diện đã đi vào lịch sử như một huyền thoại - quên mình cứu pháo, biểu tượng của ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ kể cho chúng tôi nghe về chặng cuối của hành trình kéo pháo: Chúng tôi hành quân rất vất vả. Khi đến Điện Biên, cách Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 15km thì phải kéo pháo bằng sức người nên rất gian nan. Đó là đoạn đường cực nhất của đời lính cao xạ, không bao giờ có thể quên được những chặng đường ở dốc Bảy Tời, dốc ông Mậu, dốc Suối Ngựa, dốc Voi Phục… Và tấm gương hi sinh anh dũng của Anh hùng Tô Vĩnh Diện là biểu tượng cho tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa. Tấm gương hi sinh cứu pháo của chiến sĩ Tô Vĩnh Diện được toàn mặt trận học tập noi theo đưa pháo ra an toàn.
Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, những khẩu pháo 75mm và súng cối 120mm, trọng pháo 105mm đã đồng loạt bắn cấp tập vào Trung tâm đề kháng Him Lam, trận mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ lúc 17 giờ ngày 13/3/1954. Quân Pháp không ngờ được bộ đội Việt Minh có thể đưa pháo áp sát trận địa. Đây chính là yếu tố bất ngờ góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Những ngày qua, cả nước hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong chuyến hành trình về thăm Điện Biên Phủ, anh Nguyễn Văn Toàn, du khách đến từ TP. Đà Nẵng chia sẻ: "Có dịp tham quan mảnh đất Điện Biên, tham quan những di tích lịch sử, tôi vô cùng xúc động, tự hào và biết ơn các thế hệ ông cha đã chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đặc biệt, tham quan tượng đài kéo pháo, tôi rất khâm phục cha ông ta với sức người nhỏ bé mà lại kéo được những khẩu pháo hàng tấn vượt qua bao nhiêu đèo cao, vực sâu đến được nơi an toàn".
Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Đường kéo pháo vào Điện Biên giờ còn điểm đầu là đèo Pha Đin hùng vĩ giữa mây ngàn. Điểm cuối cùng của di tích đường kéo pháo được tôn tạo là nơi Anh hùng Tô Vĩnh Diện hi sinh khi lấy thân mình chèn pháo. Cách TP. Điện Biên Phủ khoảng 20km về hướng Bắc, nơi đây đã dựng một cụm tượng đài dài 24m, rộng 8m, cao 12,5m, nặng 1.200 tấn, vinh danh trung đội pháo binh của Anh hùng Tô Vĩnh Diện trên triền đồi Bó Hôm. Tượng đài cũng nhằm giúp lớp lớp con cháu thế hệ sau hình dung về con đường kéo pháo huyền thoại năm xưa. Để phục vụ khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, Nhà trưng bày di tích với những hiện vật thô sơ được bộ đội ta dùng kéo pháo vào trận địa 70 năm trước cũng được xây dựng lên ngay cạnh tượng đài kéo pháo.