Ký ức về một cuộc gặp ý nghĩa

Một ngày mùa đông tháng 12-2019, trong căn nhà nhỏ trên vùng đất quan họ Y Na, phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, bố chồng tôi (ông Nguyễn Đình Tân, sinh năm 1942) lặng lẽ thắp nén hương trên bàn thờ anh trai Nguyễn Thế Vị đã nằm xuống trên chiến trường khốc liệt. Giọng ông thì thầm, nghẹn ngào: 'Anh ơi, hôm nay sẽ có gia đình anh Dung bạn của anh từ Hà Nội về thăm gia đình mình, đã lâu lắm rồi anh ấy mới về đây...'.

“Anh Dung” mà bố chồng tôi nhắc đến chính là nhạc sĩ Đào Ngọc Dung, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam (tên khai sinh là Phạm Ngọc Diệp) sinh năm 1933, quê ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm 1949, ông nhập ngũ, chiến đấu ở vùng địch hậu, đã tham gia văn nghệ trong đơn vị, biểu diễn và sáng tác. Những sáng tác thời kỳ đầu của ông có bài hát “Tát nước đêm trăng” (Giải thưởng cuộc vận động sáng tác hưởng ứng Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới năm 1956). Năm 1966, ông về học chuyên ngành Sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Thời gian này, ông sáng tác ca khúc “Địu con đi nhà trẻ”, một bài hát thành công nhất của ông viết về người mẹ với ngôn ngữ âm nhạc trong sáng, trữ tình mang âm hưởng dân gian của miền núi phía Bắc.

Sau khi tốt nghiệp, nhạc sĩ Đào Ngọc Dung trở về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu Tây Bắc. Tại đây, ông đã có dịp “hội ngộ” cùng bác tôi-quân nhân Nguyễn Thế Vị (sinh năm 1932, chiến sĩ Đoàn Văn công Quân khu Tây Bắc). Rất nhanh chóng, hai người trở nên thân thiết. Họ cùng nhau đem lời ca, tiếng hát để động viên, khích lệ tinh thần người chiến sĩ, góp phần tạo thêm sức mạnh, niềm tin cho bộ đội trong chiến đấu. Thế nhưng một điều đáng tiếc xảy ra, năm 1965, bác tôi trải qua trận ốm thập tử nhất sinh và nằm xuống nơi núi rừng Tây Bắc.

Ghi nhận những cống hiến của bác tôi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, gia đình bố chồng tôi được tặng Bảng gia đình vẻ vang (năm 1968) và Huy chương Kháng chiến hạng Nhì (năm 1981). Đó là những kỷ vật mà bố chồng tôi luôn nâng niu, trân trọng và nhắc nhở con cháu về truyền thống gia đình. Sau khi xuất ngũ, năm 1976, nhạc sĩ Đào Ngọc Dung được chuyển về làm công tác giảng dạy và là Chủ nhiệm Khoa Âm nhạc, Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc-Họa Trung ương (nay là Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương).

Nhạc sĩ Đào Ngọc Dung (thứ ba, từ trái sang) và ông Nguyễn Đình Tân (thứ hai, từ trái sang) trong buổi gặp gỡ tháng 12-2019.

Nhạc sĩ Đào Ngọc Dung (thứ ba, từ trái sang) và ông Nguyễn Đình Tân (thứ hai, từ trái sang) trong buổi gặp gỡ tháng 12-2019.

Ngày đông năm đó, gia đình nhạc sĩ Đào Ngọc Dung đến thăm gia đình người đồng đội cũ Nguyễn Thế Vị. Bác Dung khi đó đã gần 90 tuổi, chân yếu, tay run nhưng những câu chuyện về người bạn-người đồng đội-người anh em thân thiết Nguyễn Thế Vị vẫn được ông nhớ tường tận. Trong câu chuyện, nhiều kỷ niệm được ông nhắc lại đầy xúc động như cả hai lạc đường trong rừng, vừa đói, vừa rét nhưng vẫn cố gắng gượng về với đơn vị; những lần làm lễ truy điệu cho các chiến sĩ hy sinh vừa xúc động lại đầy xót xa; những buổi biểu diễn văn công trở nên gián đoạn vì kẻ thù ném bom; những lần xông pha ra tận chiến trường để biểu diễn phục vụ chiến sĩ...

Hôm đó, bác Dung nhìn di ảnh người đồng đội, rưng rưng xúc động: “Anh Vị ơi, hôm nay gia đình em về thăm gia đình anh, chúng em nhớ đến anh...” cứ như thế, bác Dung ôm chặt bố chồng tôi nghẹn ngào chẳng thốt thành lời. Mọi người đều lặng đi.

Và tôi-một người lính của thế hệ hôm nay thật may mắn khi được chứng kiến cuộc gặp gỡ đầy xúc động giữa những người tuổi đã xế chiều, mái tóc nhuộm màu thời gian, nhưng câu chuyện lại xoay quanh thời trai trẻ đầy oanh liệt và hào hùng về người lính văn công đã nằm xuống trên chiến trường. Thời gian không thể xóa nhòa đi ký ức oanh liệt của những người lính đã vào sinh ra tử trên chiến trường. Dẫu cho người ở lại, người nằm xuống nhưng tình đồng đội vẫn mãi đong đầy.

Trước khi ra về, bác Dung nắm chặt tay chúng tôi dặn dò: “Thế hệ các bác đã dành cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, vì đất nước độc lập, các cháu-người lính hôm nay phải cố gắng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình, sao cho xứng đáng với thế hệ cha anh, sao cho xứng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ”. Chúng tôi chỉ biết cúi đầu đáp lời: “Vâng ạ, nhất định chúng cháu sẽ hoàn thành tốt ạ!”.

Bài và ảnh: TRIỆU THU THỦY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/ky-uc-ve-mot-cuoc-gap-y-nghia-735462