Ký ức về thời khắc lịch sử của người lính truyền đạt năm xưa
Tại căn nhà nhỏ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc hội ngộ đầy xúc động với người lính truyền đạt thông tin năm xưa, được nghe lại những tháng ngày hào hùng, sống, chiến đấu và cống hiến trọn tuổi xuân cho độc lập dân tộc.
Những câu chuyện còn mãi về đồng đội
Ông Nguyễn Huy Hoàng (sinh năm 1951) và ông Hoàng Văn Hiền (sinh năm 1956) từng là những chiến sĩ truyền đạt thông tin tại Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trong suốt những năm tháng chiến đấu gian khổ. Cuộc hội ngộ của họ, diễn ra gần nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, là dịp để những ký ức xưa sống lại qua từng câu chuyện, từng trận đánh, từng người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.
Cuộc sống sau chiến tranh tuy yên bình, nhưng những ký ức về chiến trường vẫn luôn sống mãi trong họ. Hằng năm mỗi khi tháng Tư về, trong lòng cả hai người cựu chiến binh lại trào dâng bao cảm xúc. “Tôi may mắn còn sống. Tôi sống để kể lại những câu chuyện của đồng đội, của những người đã hy sinh cho độc lập, cho tự do của Tổ quốc”, ông Hiền nói.
Năm 1972, ông Nguyễn Huy Hoàng, chàng thanh niên lớn lên giữa lòng phố cổ Hà Nội, trúng tuyển vào Đại học Kiến trúc. Nhưng thay vì đến giảng đường, ông đã lựa chọn gác lại sách vở để khoác lên mình bộ quân phục, lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông tham gia chiến đấu tại mặt trận Thượng Đức, một điểm chốt chiến lược ở Quảng Nam, nơi hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để giữ vững tuyến đầu miền Trung.

Cuộc hội ngộ giữa hai người lính truyền đạt, ông Hoàng Văn Hiền (bên trái), ông Nguyễn Huy Hoàng (bên phải). Ảnh: MINH TRANG
Hai năm sau, khi ông Hoàng Văn Hiền 18 tuổi, ông cũng viết đơn tình nguyện nhập ngũ, cùng hòa mình vào khí thế sục sôi của lớp lớp thanh niên miền Bắc lên đường giải phóng miền Nam. Dù ông Hiền vào chiến trường muộn hơn, nhưng cả hai đã cùng hội ngộ trong đội hình Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, thuộc Quân đoàn 2.
Kỷ niệm chiến trường về mặt trận Thượng Đức trong chiến dịch Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn luôn in đậm trong ký ức của ông Hoàng. Đây là điểm chốt chiến lược nằm giữa địa hình hiểm trở, nơi bộ đội ta phải đối mặt với lính dù tinh nhuệ của địch. “Chúng tôi chốt ở Thượng Đức, chiến đấu với lính dù ngụy rất gian nguy. Rất nhiều đồng đội tôi đã chiến đấu anh dũng và hy sinh để giữ điểm chốt này. Sau đó, chúng tôi tấn công và giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975”, ông Hoàng kể.
Sau chiến thắng ở Đà Nẵng, đơn vị ông Hoàng thu được chiến lợi phẩm là chiếc xe jeep mang số hiệu 15770, phương tiện sau này đã đồng hành cùng họ đến tận dinh Độc Lập. Không ai ngờ rằng, chính chiếc xe ấy sẽ chở Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh sang Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng.
Trong những ngày cuối tháng 4-1975, để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, cả Trung đoàn sống trong một bầu không khí sôi sục, vừa hào hứng vừa trầm mặc. Ai cũng biết sắp tới trận đánh cuối cùng, trận đánh quyết định vận mệnh dân tộc. Mỗi người lính đều chuẩn bị tinh thần, viết thư gửi lại cho gia đình, những dòng chữ dặn dò nếu không thể trở về. Lá thư gấp vội nhét trong túi áo quân phục trở thành vật bất ly thân.
“Có người thêu tên lên áo, có người lặng lẽ khắc tên vào vỏ bi đông để nếu ngã xuống, gia đình còn biết mà nhận lại. Không ai nói ra, nhưng tất cả đều hiểu phía trước là lịch sử, là vinh quang, cũng có thể là hy sinh”, ông Hiền xúc động nhớ lại.
Thời khắc lịch sử
Ngày 26-4-1975, Trung đoàn 66 chính thức nhận lệnh tham gia mũi thọc sâu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong đội hình tiến công có cả các đơn vị tăng thiết giáp từ Lữ đoàn 203.
Mờ sáng ngày 30-4, Trung đoàn bắt đầu tiến theo hướng Xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn, qua cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn. Ông Hiền vẫn còn nhớ rõ hình ảnh những bó tre được buộc thành từng cụm trên thành xe, chuẩn bị sẵn cho tình huống phải vượt sông nếu cầu Biên Hòa hoặc cầu Sài Gòn bị địch phá hủy.
Khi đến sát cầu Sài Gòn, đơn vị của các ông gặp sự phản kích dữ dội của địch. Nhưng trước sự phối hợp hỏa lực hiệu quả và các mũi tiến công của quân ta, địch phải bỏ vũ khí, tháo chạy. Xe jeep chỉ huy mang số hiệu 15770 chở Đại úy Phạm Xuân Thệ cùng các đồng đội (trong đó có ông Nguyễn Huy Hoàng) vượt qua cầu Sài Gòn, tiến vào nội đô, đi ngay sau xe tăng 390.
Khi đội hình thọc sâu tiến đến Dinh Độc Lập, xe tăng 390 lao vào húc đổ cổng chính, chiếc xe jeep mang số hiệu 15770 cũng lập tức vượt qua cổng, tiến nhanh vào sân.
Sau khi tiếp cận được Dinh Độc Lập, Đại úy Phạm Xuân Thệ yêu cầu Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên, ở Dinh không có thiết bị phát sóng nên Đại úy Phạm Xuân Thệ yêu cầu Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng.

Quân Giải phóng đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra xe để tới Đài Phát thanh Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Từ dinh Độc Lập đến Đài phát thanh là một quãng đường mà ông Hoàng không thể nào quên. Lúc đó, hàng vạn người dân Sài Gòn đổ ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng. Những bó hoa, những chiếc khăn tay, tiếng vỗ tay xen lẫn tiếng cười nói, reo hò...
“Lúc đó, xe đi giữa dòng người reo hò, vẫy tay, đưa nước, đồ ăn cho bộ đội. Vui mừng mà cũng lo, vì chẳng ai biết địch còn bám trên nóc nhà nào đó để bắn tỉa xuống không”, ông Hoàng hồi tưởng.
Ông Hoàng vẫn nhớ rõ giây phút Dương Văn Minh ngồi trên xe, im lặng nhìn đoàn người đi qua. Lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh và khoảnh khắc lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập đã chính thức khép lại 30 năm chiến tranh và là hình ảnh không bao giờ phai trong tâm khảm của người lính truyền đạt năm xưa.

Tổng thống Dương Văn Minh chuẩn bị ghi âm tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ảnh tư liệu
“Lúc đó, lòng tôi như vỡ òa. Bao nhiêu năm kháng chiến, bao nhiêu đồng đội ngã xuống, giờ đây là giây phút toàn thắng. Nhưng niềm vui ấy đi kèm nước mắt. Tôi nhớ những người bạn đã mãi mãi nằm lại ở Thượng Đức, ở cầu Rạch Chiếc… Những anh hùng vô danh cho ngày giải phóng huy hoàng”, ông Hoàng bồi hồi.
50 năm đã trôi qua kể từ ngày non sông liền một dải. Những câu chuyện của ông Nguyễn Huy Hoàng, người lính truyền đạt năm xưa vẫn còn nguyên giá trị như ngọn lửa truyền thống, tiếp tục cháy sáng giữa lòng Hà Nội hôm nay. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức của những con người từng đi qua bom đạn, những lá thư để lại trước giờ ra trận, chiếc xe jeep mang số hiệu 15770, hay lời tuyên bố đầu hàng,... tất cả sẽ mãi là chứng nhân của một thời không thể nào quên.