Chuyện tình xúc động của pháo thủ số 1 xe tăng 843
Cách đây tròn 50 năm, cô thôn nữ ở quê nhà đang chờ Trung sĩ Thái Bá Minh - pháo thủ số 1 trên xe tăng 843 chiến thắng trở về để kết duyên...
Ngày 30-4, bà Đặng Thị Tuyên (72 tuổi; trú xã Ngọc Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An) thắp nén hương thơm lên bàn thờ và đứng “tâm sự” với chồng: “Hôm nay, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước rất xúc động, em nhớ anh. Con chúng ta đã trưởng thành anh à…”.
“Em đợi anh chiến thắng trở về”
Cách đây tròn 50 năm, cô thôn nữ Đặng Thị Tuyên tròn 22 tuổi, đang thực hiện lời ước hẹn “Em đợi anh chiến thắng trở về với chiến sĩ Thái Bá Minh. Thời khắc 30-4, Trung sĩ Thái Bá Minh là pháo thủ số 1 trên xe tăng T54B mang số hiệu 843 - nhân chứng lịch sử gắn liền với thời khắc lịch sử quyết định của chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bà Đặng Thị Tuyên bên bàn thờ, di ảnh chồng.
Năm 18 tuổi, học sinh Thái Bá Minh viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai.".
“Tôi và anh Minh cùng trang lứa và có tình cảm với nhau, ngày tiễn anh Minh lên đường nhập ngũ chúng tôi có ước hẹn, thề với nhau. Tôi nói với anh: “Em đợi anh chiến thắng trở về”, ngày đất nước hòa bình, chúng ta sẽ cưới nhau…”.
Người yêu mang ba lô lên đường còn cô gái trở về miền biển tiếp tục công việc và ngóng chờ những lá thư từ miền Nam ruột thịt.
Bà Tuyên nói về chồng hai lần nhập ngũ.
Sau hai tháng huấn luyện tại xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu, Nghệ An), tân binh Minh (biên chế ở Đại đội 27, Đoàn 22, Quân khu 4) nhận được lệnh đi B, vào Nam chiến đấu. Vào đến Vĩnh Linh (Quảng Trị), chiến sĩ Minh gia nhập Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2.
Sau những chiến công ở Quảng Trị, Đà Nẵng…, chiến sĩ Minh tiếp tục hành quân vào Nam, may mắn và vinh dự trở thành 1 trong 4 người lính trên chiếc xe tăng mang số hiệu huyền thoại 843.
Đây là kíp lái được mệnh danh “kíp lái thép” luôn tiên phong trong các trận đánh lớn do Đại đội trưởng, Trung úy Bùi Quang Thận (quê Thái Bình) chỉ huy; lái xe, Hạ sỹ Lữ Văn Hỏa (quê Hà Nam), pháo thủ số 1 Thái Bá Minh và Hạ sĩ Nguyễn Văn Kỷ - pháo thủ số 2.
“Ngày ấy, khi nghe tin Việt Nam chiến thắng, quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi mừng và khóc...”- bà Minh nói.
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, chiến sĩ Thái Bá Minh đã phục viên về quê hương.

Bà Đặng Thị Tuyên và di ảnh chồng là ông Thái Bá Minh - pháo thủ số 1 trên xe tăng 843.
“Ngày đón anh Minh trở về, tôi cùng gia đình, cả làng, cả xã vui và tự hào, bởi lúc đó mọi người đều biết anh Minh trên xe tăng 843 - vinh dự thời khắc lịch sử đại thắng Mùa Xuân 1975. Năm 1976 anh Minh trở về, nhưng lúc đó đang có tang ông ngoại nên chúng tôi chưa thể tổ chức đám cưới.
Năm 1977 chúng tôi cưới nhau và sinh con gái đầu lòng anh Minh đặt tên là Thái Thị Duyên. Bởi anh giải thích anh đã may mắn sống sót trở về và có duyên, kết duyên với người con gái bao năm đợi chờ…”- bà Minh kể.
Lần nhập ngũ thứ hai
Trở về quê, lập gia đình, anh Minh đi biển mưu sinh. Năm 1979, khi chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, theo lệnh tổng động viên, anh Minh lại xin nhập ngũ lần thứ hai.
Anh chia tay vợ và con gái chưa tròn một tuổi, lên đường tham gia chiến đấu chống quân Trung Quốc tại Lạng Sơn. Năm 1982, anh Minh rời quân ngũ trở về địa phương, tham gia sản xuất, làm thủ kho Hợp tác xã, xã đội trưởng...
Vợ chồng anh Minh sống hạnh phúc và sinh con gái thứ hai đặt tên là Thái Thị Sinh “bởi anh Minh may mắn hơn nhiều đồng đội đã không hy sinh và trở về”. Tiếp theo, vợ chồng cựu binh Minh sinh tiếp ba con trai và được đặt tên Ninh, Thịnh, Vượng.

Chiếc xe tăng T54B số hiệu 843 hiện đang trưng bày tại Bảo tàng quân sự Việt Nam.
Năm 1998, trong chuyến đi đánh bắt cá ở biển Cà Ná (Bình Thuận), ngư dân Minh tử vong trên biển. Bà Tuyên rơi vào cảnh góa chồng, vừa làm mẹ, vừa làm cha, một mình chạy chợ nuôi năm người con.
Bà nhớ lại: “Ngày tôi nhận tin chồng mất trên biển đúng vào ngày Tết, con út mới 8 tuổi, mẹ con chúng tôi ôm nhau khóc. Thi thể anh Minh được tìm thấy và an táng ở Bình Thuận”.
Chồng mất, bà Tuyên tảo tần nuôi năm người con ăn học nên người. Đưa tay lên quệt nước mắt, bà nói: “Những lúc quá khó khăn, những đêm không ngủ được, tôi thường đứng bên bàn thờ nhìn vào di ảnh chồng tâm sự. Sau khi cất bốc đưa hài cốt của chồng từ Bình Thuận về quê nhà, lồng ngực tôi đỡ đau nhói hơn. Tiếc rằng, chồng tôi mất sớm, nên không được chứng kiến đại lễ ngày 30-4 tại TP.HCM”.
Ông Phạm Thân, Phó Bí Thư Đảng ủy xã Ngọc Bích cho biết: “Anh Thái Bá Minh đã hai lần nhập ngũ và sau khi phục viên trở về địa phương đã tham gia rất tích cực các hoạt động và năm 1987 làm xã đội trưởng và anh Minh là người tuyển chọn tôi đi bộ đội.
Trong quá trình lao động sản xuất, bám biển, anh Minh không may mất trên biển. Những ngày lễ, ngày Tết, chính quyền địa phương động viên, thăm hỏi gia đình anh Minh”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-tinh-xuc-dong-cua-phao-thu-so-1-xe-tang-843-post847500.html