Ký ức về trại viết
Từ trái sang: Nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ, nhà giáo Phan Long Côn, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Trang và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc đến thăm nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng (thứ tư, bên trái) ở xã Ea Chàng Rang, huyện Sơn Hòa. Ảnh: YÊN LAN
Câu chuyện kể lại sau đây, thời gian đã đưa vào dĩ vãng. Khoảng cuối năm 1999 đầu 2000, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Sĩ Huệ, thầy giáo Nguyễn Đình Chúc và tôi được tham gia Trại viết văn nghệ dân gian Việt Nam. Đây là trại viết đầu tiên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Một ngày cuối năm, ba anh em chúng tôi lên tàu rời TX Tuy Hòa ra Hà Nội. Mùa đông phương Bắc năm ấy lạnh vô cùng, mưa phùn gió bấc. Từ ga Tuy Hòa đến ga Hà Nội, chúng tôi đi mất hai ngày một đêm. Đến Thủ đô, chúng tôi tìm về phố Tạ Quang Bửu phường Bách Khoa, nơi có trụ sở của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Trong căn phòng nhỏ chừng 25m2, phía trên treo tấm pano nhỏ Trại viết văn nghệ dân gian Việt Nam. Trong 15 trại viên tham gia có 13 nam và 2 nữ (nhạc sĩ Văn Thu Bích - Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng và nhà nghiên cứu Triệu Thị Mai - Hội Văn học Nghệ thuật Cao Bằng). Trại viên chủ yếu đến từ các tỉnh thành phía Bắc, riêng Phú Yên có số người tham gia đông nhất (3 trại viên).
Trong thời gian diễn ra trại viết, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, GS Trần Quốc Vượng, GS.TS Nguyễn Xuân Kính và một số nhà nghiên cứu khác đã giao lưu, trò chuyện với trại viên về công việc sưu tầm, biên soạn, ghi chép và nghiên cứu văn nghệ dân gian - văn hóa các dân tộc Việt Nam. Công việc tưởng chừng đơn giản, nay được các nhà nghiên cứu, các giáo sư, tiến sĩ phân tích, lý giải càng làm cho anh em chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa việc mình làm. Đó là sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu và phát huy vốn văn hóa dân gian từ đồng bằng, miền biển cho đến miền núi, mà các nhà nghiên cứu gọi là Folklore học. Các nhà nghiên cứu đã truyền lửa đam mê cho chúng tôi - những người hội tụ về “ngôi nhà” văn nghệ dân gian Việt Nam.
Từ trại viết trở về, anh em chúng tôi đã tăng thêm nguồn năng lượng, say mê bước vào lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của vùng đất Phú Yên. Những làn điệu dân ca bài chòi, những lễ hội, phong tục tập quán… đều là những viên ngọc quý của văn hóa dân gian Phú Yên, cần được bảo tồn, phát huy. Ngoài mảng sưu tầm, biên soạn khảo cứu, chúng tôi tìm hiểu các phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào miền núi Phú Yên như lễ bỏ mả của người Ê Đê Mthur ở Sơn Hòa, lễ mừng sức khỏe của người Chăm Hroi ở Đồng Xuân… Các lễ hội nơi đồng bằng, miền biển cũng được khảo cứu, như hội bài chòi, lễ hội cầu ngư, lễ hội đầm Ô Loan…
Nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ có gần 30 công trình nghiên cứu văn hóa dân gian về vùng đất Phú Yên, nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, như Phú Yên dọc đường ca dao, Các chợ miền núi huyện Sơn Hòa - Phú Yên, Văn hóa ẩm thực thôn quê: Thức ăn uống từ cây rừng, Đá trong đời sống văn hóa dân gian ở Phú Yên, Văn hóa sông nước Phú Yên và việc làm nhà quê tại Phú Yên… Đặc biệt, nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ có công trình nghiên cứu rất công phu Đất Phú - trời Yên. Tác phẩm dày gần 500 trang, cung cấp rất nhiều tư liệu, hình ảnh phong phú về đất và người Phú Yên - vùng đất có bề dày lịch sử trên 400 năm. Với Đất Phú - trời Yên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Sĩ Huệ được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2017.
Vừa dạy Văn tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh vừa nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc đã xuất bản hơn 20 đầu sách về văn hóa - văn nghệ dân gian, trong đó phải kể đến: Hò khoan Phú Yên; Tìm hiểu địa danh qua ca dao, tục ngữ Phú Yên; Văn hóa dân gian huyện Đồng Xuân; Văn hóa dân gian Vũng Rô, Đèo Cả, ĐáBia - cuốn sách dày hơn 320 trang in bìa cứng, với nhiều tư liệu quý được công bố.
Người có ít công trình nhất là tôi, thì nay cũng đã được gần mươi công trình, trong đó có các công trình đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản như Lễ bỏ mả của người Ê Đê Mthur Phú Yên, Lễ hội dân gian đầm Ô Loan, Lễ mừng sức khỏe của người Chăm Hroi huyện Đồng Xuân. Các công trình nghiên cứu về lễ hội và văn hóa dân gian trên vùng đất Phú Yên đã được đăng tải trên các tạp chí: Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Văn nghệ Phú Yên, Trí thức Phú Yên, trên các báo: Văn Hóa, Du Lịch… Các bài báo đó đã được tập hợp lại, in trong hai tập sách Dọc đường cảm tác và Khoảng lặng sau dấu chân.
Kho tàng văn hóa - văn nghệ dân gian trên vùng đất Phú Yên rất đa dạng, phong phú. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian và Văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cùng cộng sự - các giảng viên và sinh viên ngành Ngữ văn, là một trong những lực lượng trẻ kế tiếp cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian Phú Yên trong những năm qua.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2020-2025), nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc đã thay mặt đoàn đại biểu tỉnh Phú Yên trình bày tham luận, được đại hội đánh giá cao. Nhà nghiên cứu cũng nhắc đến trại viết văn nghệ dân gian Việt Nam đầu tiên, mở đầu cho hàng loạt trại viết sau này của hội. Đến nay, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tổ chức 16 trại viết ở nhiều tỉnh thành với hơn 250 hội viên tham gia và đã để lại hàng nghìn công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian của 54 dân tộc anh em trên 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Trở về từ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhiệm kỳ VIII, 5 thành viên trong đoàn Phú Yên như được thắp lên ngọn lửa, thêm hứng khởi với công việc sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu, phát huy vốn quý văn hóa của Phú Yên. Chúng tôi lạc quan tin tưởng về một Phú Yên giàu đẹp, phát triển trên nền bản sắc văn hóa từ cội nguồn sâu thẳm.
Trở về từ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhiệm kỳ VIII, 5 thành viên trong đoàn Phú Yên như được thắp lên ngọn lửa, thêm hứng khởi với công việc sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu, phát huy vốn quý văn hóa của Phú Yên. Chúng tôi lạc quan tin tưởng về một Phú Yên giàu đẹp, phát triển trên nền bản sắc văn hóa từ cội nguồn sâu thẳm.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/244509/ky-uc-ve-trai-viet.html