Ký ức với nhà thơ Trường Sơn - Phạm Tiến Duật

Hồi chúng tôi những binh nhất binh nhì còn rất trẻ, trên đường hành quân dù gập ghềnh, gian nan và đạn bom ác liệt nhưng vẫn truyền cho nhau những câu thơ của Phạm Tiến Duật. Thơ anh đã nâng bước quân hành, là niềm động viên những đoàn quân ra trận, truyền sự lạc quan và cũng không kém phần say đắm với bản tình ca 'Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây' của anh.

Hồi đó, tôi ở trạm quân y tiền phương, chứng kiến những chàng lính trẻ chép cho nhau những bài thơ của Phạm Tiến Duật, họ hỏi tin nhau về Phạm Tiến Duật, ai cũng mong gặp được nhà thơ dù chỉ một lần. Rừng sâu trong chiến tranh thiếu thốn đủ điều, nhưng những người lính chúng tôi vẫn có phong trào tiếng hát át tiếng bom, những đêm hội diễn vẫn được tổ chức dù muôn vàn khó khăn và thơ như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Những người lính Trường Sơn yêu thơ Phạm Tiến Duật vì nhà thơ cũng là một người lính của binh đoàn Trường Sơn, thơ anh viết về họ những người lính lái xe, về những o thanh niên xung phong… rất gần gũi.

Chẳng thế mà sau chiến tranh đã mấy chục năm, nhiều người lính Trường Sơn năm xưa khi nghe tin nhà thơ Phạm Tiến Duật lâm bệnh đã lăn lội từ các miền xa đến Viện Quân y 108 thăm nhà thơ. O thanh niên xung phong nguyên mẫu của bài thơ “Gửi em cô thanh niên xung phong” cũng ra Hà Nội thăm nhà thơ.

Vì khối u phát triển nhanh nên nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng chỉ nhìn thấy o thanh niên xung phong mờ ảo như trong ánh trăng suông năm xưa khi o đang làm đường vậy! Nhưng tình cảm của o thanh niên xung phong dành cho nhà thơ thật sâu sắc, o đã khóc rất nhiều, nhất là khi đưa tiễn nhà thơ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Những người lính trong “Tiểu đội xe không kính” tóc đã bạc, những gương mặt trầm tư đầy xúc động, đám tang nhà thơ rất đông. Rất nhiều đoàn quan khách, nhưng người ta chú ý đến những người lính trong tiểu đội xe không kính hơn tất cả. Những người lính Trường Sơn năm xưa có người đã từng ở cùng đơn vị với nhà thơ Phạm Tiến Duật và cả những người chưa gặp nhà thơ lần nào cũng đến đưa tiễn nhà thơ. Tôi lặng lẽ đi trong đoàn người đưa tiễn và nhớ lại hình ảnh của những người lính yêu thơ và đi tìm Phạm Tiến Duật trong cánh rừng già Trường Sơn… nhiều người đã nằm lại Trường Sơn…

Với tôi, tất cả mới như ngày hôm qua… những giọng cười hồn nhiên, những câu nói hóm hỉnh, tinh nghịch, những bước chân đi tìm nhà thơ Phạm Tiến Duật vẫn như còn đâu đây.

TRƯỜNG SƠN VÀ NHỮNG BÀI THƠ.

Anh ở Đông Trường Sơn, em ở phía Tây
Chiến dịch rộng dài chẳng bao giờ gặp mặt
Những lúc nhớ em, anh lại khe khẽ hát bài ca ấy!
Đông Trường Sơn nhớ Tây Trường Sơn*.

Xe anh đi dưới vòm lá ngụy trang
Những o thanh niên xung phong ngày nào cũng thay lá mới
Anh nói vui với các cô gái ấy
Anh đang đi tìm o gái ở trong thơ.

Có những lúc trong rừng già sâu thẳm
Bọn anh quây quần bên bữa tiệc vui
Mấy phong lương khô với cái đài nho nhỏ
Cùng ngân nga theo ngọn lửa đèn*

Đến đâu anh ấy cũng vừa đi khỏi
Thôi anh hãy đi về phía trước
Chúng tôi hẹn gặp anh trong những bài thơ.

Rừng Trường Sơn dù trong lửa đạn
Vẫn có biết bao những chàng trai cô gái
Vẫn bám trụ cho những đoàn xe ngày đêm ra trận
Vẫn nối liền tiền tuyến, hậu phương.

Và bài thơ anh viết giữa Trường Sơn
Đang ngân lên trong những cánh rừng
Trong những đoàn quân ngày đêm ra trận
Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn*.

Bài thơ hình thành ngay trong lúc tiễn đưa nhà thơ của Trường Sơn về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi thầm nghĩ ở bên kia thế giới, những người lính yêu thơ Phạm Tiến Duật đã được gặp nhà thơ của mình. Và chúng tôi, những người cựu chiến binh Trường Sơn, mỗi khi gặp mặt lại nhắc đến nhà thơ của Trường Sơn, ít nhất cũng đọc mấy bài thơ của nhà thơ khoác áo lính Phạm Tiến Duật. Những bài thơ hào hùng, nâng bước chân của những người ra trận, gắn liền với một thời tuổi trẻ của chúng tôi, một thời không thể nào quên.

-----------

* Thơ Phạm Tiến Duật.

Đỗ Thu Yên

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ky-uc-voi-nha-tho-truong-son-pham-tien-duat-645098/