Ký ức xanh cùng năm tháng

Dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, tôi nhận được một món quà đặc biệt. Từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), chị Trần Thị Sơn gửi cho tôi một hộp nước mắm Cà Ná cùng chiếc đĩa có hình chùa Linh Sơn, một ngôi chùa nổi tiếng ở Ninh Thuận. Món quà nhỏ ấy từ chị Trần Thị Sơn gợi lại trong tôi ký ức gần nửa thế kỷ trước...

1. Giữa tháng 4/1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, từ Nha Trang, chúng tôi kịp thời có mặt tại Phan Rang, khi “lá chắn thép” này bị đập tan. Ngay sáng hôm sau, tôi một mình đi xe máy từ Phan Rang về Nha Trang để kịp viết bài gửi về Hà Nội, vì điện đài khi ấy vẫn để ở Nha Trang. Quãng đường cả trăm cây số, lại đi một mình ở vùng chưa ngớt chiến sự, khá nguy hiểm. Ngoài súng ngắn, tôi mang theo cả khẩu carbin báng gấp lấy ở sân bay Thành Sơn.

Nhà báo Trần Mai Hạnh (thứ 2 từ trái sang) và nhà báo Trần Mai Hưởng trong cuộc gặp với gia đình bà Trần Thị Sơn (giữa) tại Ninh Thuận, tháng 3/2024.

Nhà báo Trần Mai Hạnh (thứ 2 từ trái sang) và nhà báo Trần Mai Hưởng trong cuộc gặp với gia đình bà Trần Thị Sơn (giữa) tại Ninh Thuận, tháng 3/2024.

Về đến Nha Trang, ngay buổi trưa ấy, tôi viết bài “Vào Phan Rang giải phóng”, trong đó có đoạn về Trần Thị Sơn: “Đứng gác trước trung tâm lúc đó là một cô gái cao gầy, mũ tai bèo mềm mại, mặc bộ đồ nâu sẫm, gương mặt rất nhẹ nhàng. Hỏi thăm thì biết cô tên là Trần Thị Sơn. Cách đây ba năm, Trần Thị Sơn còn là một cô thợ may nghèo, ở nhà số 10, đường Lê Lợi, tham gia hoạt động. Hôm nay Sơn trở về thị xã quê hương trong niềm vui mừng và cảm động của bạn bè, của bà con cô bác. Trần Thị Sơn nói với chúng tôi: “Em gặp lại người quen, bạn bè. Ai cũng bất ngờ. Đối với riêng em, giờ phút quê hương giải phóng, giờ phút gặp gỡ cũng đột ngột quá. Ai cũng tin có một ngày, nhưng không ngờ lại là hôm nay...”.

Tháng 3/2024, tôi cùng anh trai - nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh trở lại Phan Rang - Tháp Chàm. Chúng tôi thăm thành phố, trở lại những nơi tôi từng đến. Điều đặc biệt nhất ở đây là tôi đã gặp lại cô tự vệ Trần Thị Sơn năm xưa. Các phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Ninh Thuận là Thành Đức Thử và Nguyễn Thành đã tìm và kết nối để tôi có cuộc gặp đặc biệt này. Nữ chiến sĩ tự vệ Trần Thị Sơn từ khi quê hương giải phóng đã tham gia nhiều công tác, sau trở thành Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, rồi Giám đốc Sở Nội vụ. Chúng tôi gặp lại Trần Thị Sơn sau 49 năm như những người anh em thân thiết. Chị rất cảm động khi tôi tặng lại bài báo về Phan Rang có nhắc đến hình ảnh của mình.

Trong chuyến đi dọc hành trình giải phóng năm xưa, chúng tôi đã trở lại nhiều vùng đất, với nhiều cuộc gặp gỡ nặng ân tình, in đậm trong ký ức về những năm tháng không quên.

Ở Đà Nẵng trong chuyến đi này, chúng tôi có một cuộc gặp rất đặc biệt với một người Đà Nẵng. Trong bài “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng” tôi đã viết về cô như sau: “Một người trở về với Đà Nẵng nữa là Vĩnh An, cô gái xinh xắn, người quận 1, nguyên là học sinh trường nữ trung học Đà Nẵng, ra chiến khu hoạt động. Vĩnh An trở về thành phố của mình với tư cách là một cán bộ trong Ban Công tác tuyên truyền của thành phố. Cô là một trong những người vui nhất thành phố hôm nay. Vĩnh An trong bộ quần áo ngày hội, quần đen, áo đen, măng-tô màu sữa đưa nhà báo Đinh Quang Thành đi chụp ảnh bằng chiếc Honda của gia đình cô. Chốc chốc, xe của Vĩnh An phải dừng lại vì gặp gỡ bạn bè, người quen. Cô nói: “Thật như một giấc mơ, 30 năm mới có ngày ni các anh ạ. Em đang sống những ngày hạnh phúc nhất”.

Rất may, nhà báo Lê Phạm Trần Quý của Kênh Truyền hình Thông tấn tại Đà Nẵng đã dành nhiều công sức giúp tôi tìm lại được Vĩnh An sau gần nửa thế kỷ. Cuộc gặp rất cảm động giữa chúng tôi - tác giả bài báo và nhân vật của mình - diễn ra tại một quán cà phê bên bờ sông Hàn. Sau giải phóng, Vĩnh An tốt nghiệp đại học, làm giảng viên và có một gia đình yên ấm. Chồng cô là một cán bộ của Thành ủy Đà Nẵng. Cuộc gặp và trò chuyện rất cởi mở, thân tình của Vĩnh An với chúng tôi như những người thân quen là một kỷ niệm đẹp trong chuyến đi.

2. Quảng Trị - Vĩnh Linh đối với tôi là vùng đất nhiều gắn bó. Năm 1972, trước khi chiến dịch tổng tiến công bắt đầu, lần đầu tiên trong đời tôi đứng bên cầu Hiền Lương. Hình ảnh cây cầu gãy nhịp đứng chơ vơ giữa dòng sông nhỏ nơi đất nước bị cắt chia in đậm trong trí nhớ của tôi. Tôi đã sống qua những ngày tháng gian nan, chứng kiến nhiều sự hy sinh, mất mát trên vùng đất này. Những ngày chiến dịch dữ dội và ác liệt. Niềm vui giải phóng, đoàn tụ, nước mắt và những nụ cười. Những ngày chống phản kích cam go trên đất Triệu Phong, Hải Lăng và ở thị xã Quảng Trị... Năm tháng qua đi, nghĩa tình với đất và người Quảng Trị vẫn luôn đi cùng tôi.

Nhiều số phận con người Quảng Trị để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi: Nữ du kích bám trụ trên vành đai Hoàng Thị Chẩm, sau chiến tranh vượt lên gây dựng cuộc sống cho mình. Nữ giao liên Lê Thị Phiếu, người đã đưa tôi từ Gio Linh sang Cam Lộ những ngày đầu chiến dịch vô vàn hiểm nguy; hòa bình lại nỗ lực học tập để trở thành cán bộ ngân hàng. Người yêu của chị khi ấy là anh Nguyễn Văn Bố, một cán bộ an ninh huyện Cam Lộ, sau này là Chủ tịch thị xã Đông Hà. Chị Nguyễn Thị Khuya, cán bộ ở Triệu Trạch, Triệu Phong, bám dân ở hầm mấy năm, những ngày đầu giải phóng không dám ra đường vì không quen ánh sáng mặt trời... Và nhiều số phận khác nữa.

Một người để lại ấn tượng sâu đậm nhất với tôi là bác Phan Chung. Trong thời kỳ chiến tranh bác là Bí thư Huyện ủy Gio Linh, sau này là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Trước tổng tiến công năm 1972, tôi sang Gio Linh công tác. Khi đó bác Phan Chung đã giúp chúng tôi đi thực tế ở một số địa bàn giáp ranh. Trong chiến dịch, những phóng viên Thông tấn xã Việt Nam lại được bác tạo điều kiện nắm tình hình, phản ánh về phong trào nổi dậy ở Gio Linh và từ đấy đi theo các mũi tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Năm 1973, sau khi ngừng bắn, tôi có dịp gặp bác khi đi viết về việc xây dựng chính quyền cách mạng và cuộc sống mới ở vùng giải phóng. Năm 1983, khi bác Phan Chung làm Bí thư Huyện ủy Bến Hải (gồm đặc khu Vĩnh Linh, huyện Gio Linh, Cam Lộ sáp nhập), tôi lại có dịp về địa bàn bác phụ trách, chia sẻ với bác những việc Bến Hải đã làm, những suy nghĩ, trăn trở thời kỳ trước Đổi mới trên vùng đất chịu nhiều đau thương mất mát của chiến tranh.

Có một kỷ niệm không quên, đó là năm 1983, sau chuyến về Bến Hải, tôi viết bút ký “Những đàn cò trắng bên sông Hiền Lương”. Bài ký này đăng trên Báo Văn nghệ. Khi Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bài này trong chương trình Văn nghệ, bác Phan Chung đã cho tiếp âm trên hệ thống truyền thanh của toàn huyện để đông đảo người dân Bến Hải cùng nghe. Sau đó, bác còn cho người mang ra Hà Nội tặng tôi một miếng vải và gửi cho nghệ sĩ Tuyết Mai, người đọc bài ký đó, một gói mì chính. Nghệ sĩ Tuyết Mai đã rất xúc động khi tôi đến chuyển món quà nặng tình nghĩa Bến Hải ấy cho chị... Sau này, tôi còn có một số lần gặp bác Phan Chung mỗi khi có dịp qua Đông Hà.

3. Trở lại Gio Linh dịp đầu mùa hè 2024, tôi còn có dịp gặp lại chị Hoàng Thị Chẩm, người du kích bắn tỉa nổi tiếng trên vành đai điện tử McNamara năm xưa. Chị là người tôi đã viết trong bài “Sức sống vành đai” trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Hoàng Thị Chẩm năm đó 21 tuổi, nổi tiếng về tài bắn tỉa. Trong những năm tháng ấy, mình chị đã bắn hạ nhiều lính địch ở Dốc Miếu, chỉ huy khẩu đội 12 ly 7 cùng đồng đội bắn rơi máy bay...

Nhà báo Trần Mai Hưởng và bà Hoàng Thị Chẩm tại nhà riêng (Gio Linh, Quảng Trị), tháng 3/2024.

Nhà báo Trần Mai Hưởng và bà Hoàng Thị Chẩm tại nhà riêng (Gio Linh, Quảng Trị), tháng 3/2024.

Sau hòa bình, chị Chẩm đã có một gia đình hạnh phúc, yên ấm, đông con cháu. Ngoài công việc đồng áng, chị còn trở thành người hộ sinh tình nguyện, giúp chăm sóc sức khỏe cho bà con trong vùng… Chúng tôi đã về thăm ngôi nhà nhỏ của chị bên dòng sông Bến Hải, ôn lại kỷ niệm về những ngày tháng nhiều ác liệt nhưng sâu nặng tình người trên mảnh đất này.

Nhớ về những người đã từng gặp trong chiến tranh ở vùng đất lửa Quảng Trị, nữ liệt sĩ Thu Hồng đối với tôi là một người rất đặc biệt. Những ngày chuẩn bị cho chiến dịch, tôi đã về xã Gio Mỹ chụp ảnh Thu Hồng, cùng đồng đội trong đội du kích xã đang luyện tập. Điều vô cùng đau xót là Thu Hồng hy sinh ngay trong ngày đầu nổ súng khi tham gia đánh đồn Bến Ngự. Sau chiến tranh, qua bức ảnh Thu Hồng chia sẻ trên mạng xã hội, tôi gặp được Thu Lan, người em liền sau của Thu Hồng. Qua gặp gỡ, tôi hiểu thêm nhiều về người nữ liệt sĩ trong bức ảnh của mình.

Năm 1971, Thu Hồng đang học ở trường học sinh miền nam Đông Triều thì tình nguyện xin về quê hương chiến đấu. Khi ấy, Thu Lan cùng hai em trai ở lại miền Bắc học tập, sau đó cô đi học ở Liên Xô, về nước công tác trong ngành du lịch. Tôi đã nghe Thu Lan kể chuyện hai chị em những ngày ở với ông bà ngoại... Điều đáng nói là Thu Lan, sau rất nhiều năm xa quê, vẫn gắn bó với mảnh đất và con người Quảng Trị. Qua cô, tôi đã có liên lạc với những đội viên du kích Gio Mỹ thời kỳ chiến tranh như các anh Hoàng Văn Tiếp, Nguyễn Văn Em, các chị Mai Thị Hương, Nguyễn Thị Thủy... biết được cuộc sống của họ trong hòa bình với nhiều ân tình, chia sẻ.

Mỗi lần về Quảng Trị, Thu Lan đều mang tặng tôi những món quà quê hương, đặc biệt nhất là những củ khoai môn to, bùi, rất đặc trưng cho Vĩnh Linh. Cô bảo: “Em đọc trong bài “Những đàn cò trắng bên sông Hiền Lương”, thấy anh viết về khoai môn và tình cảm chú Phan Chung dành cho anh. Em mang khoai môn ra để anh nhớ về những ngày tháng ấy và tình người Quảng Trị qua năm tháng vẫn thủy chung gắn bó”.

Tôi đã viết bài thơ “Khoai môn Vĩnh Linh” để nhớ về những ngày ấy: “Hồn quê trĩu nặng đường dài/ Bao nhiêu thơm thảo vị khoai đất lành/ Quà em mang đến cho anh/ Nhắc về năm tháng đã thành xa xôi/ Thiếu cơm khoai đã sẵn rồi/ Nhà hầm địa đạo một thời chiến tranh/ Khoai trong tầm pháo lên xanh/ Mặc lửa cháy vẫn mát lành sinh sôi/ Bóng ai qua những vạt đồi/ Đất bazzan níu chân người bâng khuâng/ Quảng Trị gian khó hy sinh/ Nghĩa tình sâu nặng Vĩnh Linh một thời/ Đã đi đến cuối cuộc đời/ Ngọt bùi vẫn ấm theo người tháng năm”.

4. Trong hành trình trở lại chiến trường lần này, chúng tôi đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi hiện có 10.023 ngôi mộ liệt sĩ của 61 tỉnh, thành phố trong cả nước. Lần nào đến đây tôi đều rất xúc động. Chúng tôi viếng mộ của Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Bộ đội Trường Sơn; thắp hương trên mộ của những người mở đường Trường Sơn năm xưa…

Mộ có tên, mộ không tên

Nối nhau dằng dặc ở trên đất này

Những người trẻ mãi nơi đây

Hồn dân tộc thắm những ngày xa xanh.

Với những người thuộc thế hệ chúng tôi, kỷ niệm về một thời lửa đạn không bao giờ phai mờ. Sự sống trong những người may mắn trở về mang theo bao mong ước của những người đã ngã xuống trên những nẻo đường chiến tranh. Ký ức mãi xanh cùng những năm tháng chúng tôi đang sống.

Trần Mai Hưởng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/ky-uc-xanh-cung-nam-thang-i738859/