Kỷ vật kể chuyện Bác Hồ với chiến sĩ

Trong suốt sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều tâm sức cho việc lãnh đạo, tổ chức quân đội, giáo dục, rèn luyện những thế hệ cán bộ, chiến sĩ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp lưu niệm với 24 phi công đã lập thành tích xuất sắc trong buổi gặp thân mật tại nhà khách Phủ Chủ tịch ngày 10/12/1966. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp lưu niệm với 24 phi công đã lập thành tích xuất sắc trong buổi gặp thân mật tại nhà khách Phủ Chủ tịch ngày 10/12/1966. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Đối với bộ đội, Bác Hồ luôn dành tình cảm thân thương, ấm áp như tình cảm của người cha dành cho những đứa con của mình. Đáp lại tấm lòng ấy, các cán bộ, chiến sĩ cũng dành cho Người sự kính trọng và tình cảm rất đặc biệt. Những kỷ vật quý đang được gìn giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã kể lại nhiều câu chuyện xúc động...

Miền Nam luôn trong trái tim

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đầy hy sinh gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát từng bước đi của cách mạng miền Nam. Đặc biệt là sau Hiệp định Geneva được ký kết, đất nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền, Bác luôn trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm tình cảm tới miền Nam trong hàng ngàn bức thư, bức điện, bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn... Trong những thông điệp ấy luôn là những lời động viên, thăm hỏi đầy tha thiết để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường, lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Đáp lại sự quan tâm của Người, đồng bào, quân dân miền Nam luôn hăng hái chiến đấu kiên cường, đồng bào đã gửi tới Bác những tặng phẩm giản dị gần gũi, gói trọn tình cảm, lòng kính yêu của đồng bào, trong đó có tập thơ gồm ba phần: Ngày mai ca hát, Lửa thử vàng và Nụ cười do nhà thơ Trọng Tuyển (liệt sĩ Nguyễn Trọng Tuyển) sáng tác trong nhà tù địch những năm 1955-1956. Được biết, trong một trận địch càn bất ngờ, trước khi hy sinh, ông đã nhanh trí chôn giấu tài liệu bí mật, trong đó có tập thơ này để không bị rơi vào tay giặc.

Quyết tâm thư của cán bộ, chiến sĩ đơn vị 20K, 62K gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Quyết tâm thư của cán bộ, chiến sĩ đơn vị 20K, 62K gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Ngày 19/10/1962, tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã gặp mặt, đón tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Trong dịp này Đoàn đã tặng Người một số kỷ vật của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Tại buổi gặp, nhà thơ Thanh Hải báo cáo với Bác rằng khi còn sống, nhà thơ Trọng Tuyển chỉ có ước mơ duy nhất là được tận tay dâng Bác tập thơ này. Cầm tập thơ, một tay đặt lên ngực, Bác lặng đi và nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có câu này: Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.

Tình cảm, sự quyết tâm phấn đấu thực hiện lời Bác dạy “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” của nhiều tập thể, cá nhân, các cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam, cũng được thể hiện sâu đậm qua những Quyết tâm thư gửi lên Người, kết tinh tình cảm thiêng liêng nhất với Bác.

Quyết tâm thư của cán bộ, chiến sĩ đơn vị 20K, 62K gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trên giấy kẻ ca rô màu xanh lam, khổ giấy 24,5 cm x 19,2 cm, bày tỏ lòng biết ơn trước sự quan tâm sâu sắc của Bác, đồng thời khẳng định quyết tâm chiến đấu ngoan cường, dũng cảm thực hiện lời Bác dạy. Tinh thần quật khởi, biến đau thương thành hành động cách mạng của cán bộ, chiến sĩ của đơn vị 20K và 62K sẽ vẫn còn mãi và là nguồn cổ vũ lay động trái tim của các thế hệ đi sau.

Những kỷ vật của anh hùng Phạm Tuân. (Ảnh: Hà Anh)

Những kỷ vật của anh hùng Phạm Tuân. (Ảnh: Hà Anh)

Hiện vật giản dị nhưng ý nghĩa

Ngày 23/7/1980, sự kiện lịch sử đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành Khoa học và Công nghệ vũ trụ Việt Nam đã diễn ra. Nhà du hành Phạm Tuân, phi công ưu tú của Không quân Việt Nam, trở thành người Việt Nam đầu tiên và cũng là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.

Chuyến bay được thực hiện trong khuôn khổ chương trình Interkosmos, một sáng kiến của Liên Xô nhằm thúc đẩy hợp tác vũ trụ với các quốc gia xã hội chủ nghĩa. Trên con tàu Soyuz 37, nhà du hành Phạm Tuân và đồng đội Viktor Gorbatko đã thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình

Điều đặc biệt, trong chuyến bay này, Phạm Tuân còn mang theo một số kỷ niệm chương và hiện vật đặc biệt của Việt Nam lên không gian. Những hiện vật này gồm lá cờ Đảng, lá cờ Việt Nam, huy hiệu Bác Hồ, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), bản Đại cáo bình Ngô, bản Hịch tướng sĩ và một số hiện vật tượng trưng cho tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô. Ngày 30/12/1995, Vụ Quốc tế Ban Văn hóa tư tưởng Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh một số kỷ vật nói trên.

Anh hùng Phạm Tuân chia sẻ: “Trong những kỷ vật mang lên vũ trụ, tôi ấn tượng nhất là cờ Tổ quốc, vì tôi đã đại diện cho Việt Nam cắm cờ Tổ quốc mình trên vũ trụ. Còn nắm đất tượng trưng cho nơi sinh ra đất nước Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập, ảnh Bác Hồ, Di chúc là kỷ vật khai sinh ra đất nước mình, một nước độc lập, tự do. Tất cả đều mang những ý nghĩa sâu sắc”.

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ một tặng phẩm rất đặc biệt, đó là chiếc giỏ xách của cán bộ và chiến sĩ cách mạng bị đế quốc Mỹ bắt giam ở Nhà tù Côn Đảo tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu Di tích Nhà tù Côn Đảo là một trong những di tích lịch sử đặc biệt của Việt Nam, được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Trong điều kiện bị giam hãm tù đày khổ cực nhưng các cán bộ và chiến sĩ cách mạng vẫn cố gắng làm ra chiếc giỏ xách bằng mây để gửi tặng Bác.

Chiếc giỏ xách này được Ban Tổ chức Trung ương Cục (miền Nam) gửi ra, Ban Tổ chức Trung ương nhận về ngày 21/10/1968. Giỏ được đan thủ công bằng tay, chất liệu mây, có hai quai, bên trong có hai ngăn hình thoi.

Chiếc giỏ xách tuy nhỏ bé nhưng đã gói trọn tình cảm của các cán bộ chiến sĩ cách mạng bị tù đày dành cho Bác Hồ. Đây là minh chứng điển hình cho những giá trị tốt đẹp nhất, ngời sáng nhất trong chốn ngục tù tối tăm, là tình cảm, niềm tin của các chiến sĩ cộng sản kiên trung nơi Nhà tù Côn Đảo dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bộ sưu tập 8 chiếc huy hiệu Bác Hồ của ông Mai Văn Cương. (Ảnh: Hà Anh)

Bộ sưu tập 8 chiếc huy hiệu Bác Hồ của ông Mai Văn Cương. (Ảnh: Hà Anh)

Huy hiệu tặng chiến sĩ lái máy bay xuất sắc

Thiếu tướng Mai Văn Cương, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân là một trong những phi công trẻ đã bắn hạ tám máy bay Mỹ. Vào cuối năm 1966, ông cùng các phi công chiến đấu có vinh dự đặc biệt được gặp Bác Hồ.

Ông Mai Văn Cương kể lại: “Trong buổi gặp mặt, chúng tôi được Bác mời ăn bánh kẹo, rồi kể chuyện không quân cho Bác nghe. Bác bảo: Bác cháu ta chụp ảnh kỷ niệm. Dứt lời, Bác đứng lên đi về phía cuối phòng rồi ngồi xuống dưới sàn nhà, còn chúng tôi quây quần xung quanh”.

Khi nghe các chiến sĩ kể chuyện chiến đấu ngoài mặt trận, Bác bảo “Mỗi cháu bắn rơi một chiếc máy bay Mỹ, Bác tặng một chiếc huy hiệu”.

Ông Mai Văn Cương đã được Bác tặng tám chiếc huy hiệu Bác Hồ trong quá trình chiến đấu. Huy hiệu có kích thước 4x4cm, chất liệu chính bằng kim loại, hình tròn, độ dày 2mm, đằng sau huy hiệu có khuy cài. Nổi bật ở giữa nền đỏ là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía dưới có dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Bộ huy hiệu là biểu tượng cho sự quan tâm sâu sắc và động viên cũng như tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các chiến sĩ bộ đội phòng không – không quân.

Bởi vậy, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, ông đã cùng đồng đội quyết tâm chiến đấu, mưu trí, sáng tạo để tiến công và bắn rơi máy bay của địch, ngăn chặn máy bay địch đánh phá thủ đô Hà Nội, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội miền Bắc, đồng thời góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

HÀ ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-vat-ke-chuyen-bac-ho-voi-chien-si-299468.html