Kỳ VI: Đạt tiến bộ hướng tới trung hòa carbon

Việc cam kết đạt được một hệ thống năng lượng phát thải ròng bằng 0 ở Trung Quốc vào năm 2060 sẽ là điều vô cùng khó khăn song tất cả đều tin rằng có thể đạt được điều này thông qua sự thống nhất lợi ích giữa chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng và người dân. Quản lý các tác động đòi hỏi phải tăng cường những lợi thế và quản lý mọi bất lợi rủi ro từ quá trình chuyển đổi năng lượng. Đổi lại, điều này cũng sẽ yêu cầu cần hiểu rõ tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng, tạo ra các khuôn khổ chính sách toàn diện; thành lập các liên minh hành động theo từng ngành và tối đa hóa tiềm năng của các thành phố, địa phương như vườn ươm cho sự thay đổi.

Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của hoạt động kinh tế và xã hội đất nước. Do vậy, việc tìm hiểu những tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc sẽ là rất quan trọng để đạt được bước tiến bằng cách nâng cao lợi ích của quá trình chuyển đổi này, đồng thời quản lý mọi tác động tiêu cực có thể phát sinh.

Tác động kinh tế vĩ mô

Những lo ngại về chi phí là trở ngại chung cho nỗ lực loại bỏ carbon song khoản chi phí cũng có thể được coi là khoản đầu tư vào sự tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế, góp phần tạo ra lợi ích về công ăn việc làm và nhu cầu tổng thể của xã hội.

Ủy ban chuyển đổi năng lượng quốc gia ước tính rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải carbon sẽ có tác động khá khiêm tốn khoảng dưới 0,5% đến mức sống của người vào năm 2050 ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Mặt khác, nếu xã hội không hành động nhiều để ứng phó với biến đổi khí hậu thì có thể sẽ có những tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội lớn hơn đáng kể, ví dụ như nước biển dâng cao thì sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp và đa dạng sinh học do thay đổi loại thời tiết và tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều hơn. Phù hợp với các ước tính toàn cầu và từng quốc gia cụ thể, tổng chi phí nguồn lực đối với nền kinh tế Trung Quốc khi thực hiện quá trình chuyển đổi phát thải ròng bằng 0 là tương đối khiêm tốn với tác động cuối cùng lên GDP bình quân đầu người và mức sống được ước tính chỉ là dưới 1%. Về mặt lâu dài, hệ thống năng lượng phát thải ròng bằng 0, thậm chí có thể tạo ra lợi ích kinh tế, ví như chi phí hệ thống về mặt sản xuất điện và tính linh hoạt của hệ thống năng lượng phát thải carbon thấp ở Trung Quốc vào năm 2050 được ước tính là thấp hơn so với hệ thống năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày nay.

Những tác động kinh tế vĩ mô này tương đối nhỏ so với việc phân bổ lại các khoản đầu tư và nguồn lực khổng lồ cần thiết đối với toàn bộ nền kinh tế lớn của Trung Quốc để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060. Ví dụ, như một phần của GDP toàn cầu, các khoản đầu tư liên quan đến năng lượng trung bình hàng năm để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sang năng lượng phát thải ròng bằng 0 được ước tính chỉ cao hơn 1% so với những năm gần đây.

Tuy vậy, về mặt cung cấp năng lượng thì cần có sự tái phân bổ đáng kể vốn đầu tư từ nhiên liệu hóa thạch sang điện phát thải carbon thấp và nhiên liệu carbon thấp như hydrogen và nhiên liệu sinh học tiên tiến. Một trường hợp điển hình là điện khí hóa quy mô lớn với các nguồn điện có hàm lượng carbon thấp, điều này có nghĩa là một hệ thống điện bị chi phối bởi các nguồn năng lượng tái tạo có thể thay đổi như điện gió và mặt trời. Việc quản lý tính không liên tục của các nguồn carbon thấp này ví như khi mặt trời không chiếu sáng hoặc gió không thổi thì đòi hỏi có sự gia tăng đáng kể về tính linh hoạt của hệ thống điện để đảm bảo đủ nguồn cung, đáp ứng nhu cầu và duy trì sự ổn định của mạng lưới điện.

Một hệ thống năng lượng tái tạo có thể thay đổi với tính linh hoạt cần thiết của chính hệ thống thì có thể mang lại khoản tiền tiết kiệm ròng trị giá 132 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050, góp phần làm giảm giá điện tới 18% là do chi phí vốn thấp hơn, chi phí vận hành cận biên bằng 0 và chi phí lắp đặt công suất năng lượng mặt trời và gió giảm nhanh chóng.

Để đạt được những lợi ích này thì sẽ cần đầu tư nhiều hơn đáng kể vào tính linh hoạt của hệ thống như lưu trữ năng lượng, sản xuất điện năng carbon thấp linh hoạt, mạng lưới truyền tải điện được củng cố và kết nối, và đáp ứng nhu cầu phụ khác. Điều này có thể tiêu tốn 96 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050 so với khoản trị giá khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư cho đến nay cho hệ thống điện tiên tiến bằng nhiên liệu hóa thạch hiện nay. Quá trình chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp cũng sẽ đòi hỏi phải tái phân bổ vốn đáng kể cho cơ sở hạ tầng năng lượng mới.

Hiện có ước tính rằng để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060 thì sẽ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở mức 12,5 nghìn tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2060, trong đó hơn một nửa vốn đầu tư thực hiện trong hai thập kỷ tới. Điều này là cần thiết để sớm loại bỏ carbon trong ngành điện nhằm đảm bảo Trung Quốc có đủ điều kiện để mở rộng điện có hàm lượng carbon thấp sang các lĩnh vực sử dụng cuối cùng để loại bỏ carbon. Đầu tư cơ sở hạ tầng sớm trong thập kỷ này cũng mang lại lợi ích về mặt hỗ trợ phục hồi kinh tế và tạo ra một tương lai xanh và bền vững.

Cơ sở hạ tầng liên quan đến năng lượng sinh học, hydrogen và CCUS cũng sẽ tiếp nhận mức đầu tư tăng mạnh, nhất là từ những năm 2030 trở đi khi mà công nghệ và thị trường phát triển và được triển khai để cắt giảm lượng khí thải trong các lĩnh vực khó để tiến hành điện khí hóa.

Bên cạnh đó cũng cần đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực có nhu cầu năng lượng (giao thông, công nghiệp và xây dựng) là những lĩnh vực sẽ được sử dụng để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển các công nghệ sáng tạo, quy trình sản xuất và hệ thống truyền động mới chạy bằng năng lượng carbon thấp. Tính chung, IEA ước tính các khoản đầu tư hàng năm liên quan đến năng lượng cho cả cung lẫn cầu và cơ sở hạ tầng liên quan thì Trung Quốc sẽ cần mức đầu tư từ mức 900 tỷ USD (2030) và sẽ tăng lên 1,2 nghìn tỷ USD (2060). Đầu tư vào các công nghệ sáng tạo có nhu cầu năng lượng carbon thấp sẽ chiếm ưu thế, đặc biệt là trong những thập kỷ tiếp sau đó, ví như vào những năm 2050 có khoảng 80% các khoản đầu tư trên sẽ phân bổ cho các ngành công nghiệp nặng và vận tải đường bộ đường dài, vận tải biển và hàng không.

Tác động khu vực

Việc tái phân bổ nguồn lực đáng kể sẽ đồng nghĩa với sự thay đổi trong hoạt động kinh tế ở cấp tỉnh và khu vực.

Đầu tư vào phục hồi xanh

Đầu tư vào năng lượng sạch trong thập kỷ này có thể tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế khi nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi sau đại dịch COVID-19. Sự gián đoạn to lớn do COVID-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu đã khiến chi tiêu của chính phủ tăng đột biến trong khi các nước tìm cách giảm thiểu tác động và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Hướng một phần chi tiêu này sang đầu tư vào năng lượng sạch có thể vừa kích thích nhu cầu trong ngắn hạn vừa hỗ trợ tăng trưởng bền vững về biến đổi khí hậu trong dài hạn. Ví dụ về đầu tư xanh bao gồm: tăng cường, mở rộng và nâng cấp mạng lưới điện thông minh, mở rộng mạng lưới sạc xe điện, xây dựng cơ sở hạ tầng vận chuyển và lưu trữ hydrogen, cải tạo và tái trang bị các tòa nhà và mở rộng quy mô CCUS.

Theo một phân tích chung của IEA và IMF, chi phí vốn đầu tư ở mức thấp trong quá khứ cũng sẽ tạo cơ hội thu hút đầu tư tư nhân thông qua các ưu đãi tài chính và kế hoách ngân sách tài chính khác, các gói phục hồi kinh tế có điều kiện dựa trên hiệu quả hoạt động môi trường của các công ty và quan hệ đối tác công-tư. Kết quả của việc đầu tư vào năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng năng lượng trong thập kỷ này có thể giúp đôi bên cùng có lợi, điều này không chỉ đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển vững chắc theo quỹ đạo phát thải ròng bằng 0 mà còn thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 4% so với xu hướng hiện tại.

Là nhà sản xuất và tiêu thụ than đá lớn nhất thế giới, việc Trung Quốc chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch này sẽ có tác động lớn đến các tỉnh như khu Nội Mông, Thiểm Tây và Sơn Tây là những nơi chiếm hơn 75% sản lượng than đá nội địa. Khi nguồn cung năng lượng chuyển sang các nguồn carbon thấp, các tỉnh và khu vực sản xuất năng lượng dựa trên hóa thạch sẽ cần phải đa dạng hóa việc rời khỏi sử dụng than đá. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những cơ hội phát triển mới cho những khu vực này, ví dụ, khu Nội Mông dẫn đầu cả nước về công suất điện gió lắp đặt trên đất liền, trong khi Tân Cương dẫn đầu về công suất quang điện mặt trời.

Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các nguồn và công nghệ năng lượng carbon thấp khác. Ví dụ, nhu cầu hydrogen tăng theo cấp số nhân sẽ tạo cơ hội cho các tỉnh có nguồn tài nguyên tái tạo giá rẻ. Thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) mang lại cơ hội cho các tỉnh như Sơn Đông nơi có địa chất trong đất liền và ngoài khơi phù hợp để tạo ra các trung tâm công nghiệp carbon thấp nằm gần các nhà máy điện đốt sinh khối và các trung tâm nhu cầu năng lượng công nghiệp. Trung Quốc cũng còn có nguồn tài nguyên sinh học đáng kể, từ nguyên liệu sinh học thế hệ thứ hai và tiên tiến đến chất thải nông nghiệp và chất thải rắn đô thị, đều có lợi cho việc tạo ra một nền kinh tế sinh học đáp ứng quy mô nhu cầu dự kiến. Dựa trên quy mô nhu cầu về tài nguyên sinh học được nêu trong kịch bản này, chuỗi cung ứng năng lượng sinh học có thể tăng mức 12 tỷ USD (2020) lên tới 150 tỷ USD giá trị gia tăng vào năm 2060 và hỗ trợ tổng cộng 19 triệu công ăn việc làm vào năm 2060. Điều này có thể rất đáng kể trong việc thúc đẩy nền kinh tế nông thôn thông qua các cơ hội trong sản xuất cây trồng năng lượng sinh học và xây dựng, vận hành và bảo trì các nhà máy chế biến và tinh chế năng lượng sinh học (sinh khối và nhiên liệu sinh học). Chi phí vận chuyển nguyên liệu thô cao hơn so với nhiên liệu đã tinh chế có nghĩa là việc kết hợp chế biến và tinh chế nhiên liệu sinh học với sản xuất nguyên liệu thô sẽ có ý nghĩa kinh tế lớn hơn, tạo ra các trung tâm năng lượng sinh học ở nông thôn. Người ta ước tính rằng trong tương lai, năng lượng sinh học có thể chiếm khoảng 13% tổng giá trị gia tăng nông nghiệp hiện tại và 10% công ăn việc làm nông nghiệp hiện tại.

Việc nhận thấy tiềm năng này sẽ đòi hỏi phải đầu tư ngay bây giờ để nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lao động nông thôn để chuyển dịch sang các công việc cao hơn giá trị hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học, phát triển các nguyên liệu sinh học tiên tiến và thế hệ thứ hai bền vững hơn nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và chuỗi thức ăn, tái phân bổ nguồn lực của các doanh nghiệp nhà nước hiện đang sở hữu và vận hành các nhà máy chế biến và tinh chế năng lượng sinh học cũng như thu hút đầu tư tư nhân mới vào ngành công nghiệp tăng trưởng nông thôn mới.

Tác động theo ngành

Việc tái phân bổ nguồn lực trong toàn bộ nền kinh tế sẽ thách thức một số ngành công nghiệp truyền thống và tạo cơ hội cho các ngành tăng trưởng mới. Khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng carbon thấp thì nhu cầu về nhiên liệu, công nghệ sáng tạo, sản phẩm và giải pháp carbon thấp sẽ tăng nhanh. Trung Quốc có vị thế tốt để dẫn đầu trong các lĩnh vực tăng trưởng mới này khi nắm giữ một thị trường nội địa rộng lớn cho các sản phẩm và giải pháp carbon thấp cũng như một cơ sở sản xuất quan trọng ở những lĩnh vực này để phát triển. Ví dụ, 45% tổng lượng xe điện chở khách toàn cầu vào năm 2020 thì có tới 4,5 triệu chiếc là ở Trung Quốc. Ngoài ra, có gần một nửa sản lượng ô tô sạc điện của thế giới và 90% sản lượng xe điện hạng nặng vào năm 2020 cũng thuộc về Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn về số lượng xe tải và xe buýt chạy bằng pin nhiên liệu di chuyển trên đường đều do các nhà sản xuất xe của Trung Quốc phát triển. Sự phát triển của các lĩnh vực tăng trưởng carbon thấp mới mang lại cơ hội tăng cường sự tham gia và đổi mới của khu vực tư nhân, vừa bổ sung lại vừa cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước vốn thống trị lĩnh vực năng lượng trong quá khứ. Khi carbon dần bị loại bỏ thì nhu cầu trong nước có thể thúc đẩy sự phát triển thương mại và triển khai nhiên liệu và công nghệ carbon thấp, điều này sẽ không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ carbon thấp.

Hiện Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về sản xuất pin, quang điện mặt trời và xe điện (pin và pin nhiên liệu), và chỉ đứng sau châu Âu về năng lực sản xuất máy điện phân. Nhìn về tương lai, các lĩnh vực hàng hải và hàng không rộng lớn và đang phát triển của Trung Quốc sẽ đòi hỏi nhiên liệu carbon thấp và công nghệ động cơ đẩy mới để loại bỏ carbon, điều này sẽ tạo ra những cơ hội mới trong các lĩnh vực như sản xuất động cơ máy bay và tàu thuyền chạy bằng năng lượng carbon thấp.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng còn nắm giữ trữ lượng đáng kể về khoáng sản và kim loại như lithium, cobalt và niken thường được sử dụng để sản xuất công nghệ năng lượng sạch cũng như chiếm một phần đáng kể trong công suất xử lý và tinh chế toàn cầu đối với các khoáng sản và kim loại trên hiện nay.

Nhu cầu về những vật liệu này chỉ có khả năng tăng lên thêm khi quá trình chuyển đổi năng lượng tăng tốc, điều này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho nền kinh tế đất nước cũng như gián tiếp mang lại lợi ích cho ngành sản xuất carbon thấp trong nước. Các ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc vốn phụ thuộc vào than đá hiện đang là thách thức lớn nhất đối với quá trình loại bỏ carbon. Mặc dù tỷ trọng của ngành công nghiệp nặng trong nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ giảm nhưng vẫn có khả năng sẽ là nguồn cung cấp năng lượng đáng kể trong vài thập kỷ tới.

Việc chuyển dịch sang sử dụng các nguồn năng lượng carbon thấp trong các ngành công nghiệp này ví dụ như sắt thép được sản xuất bằng hydrogen, hóa chất được sản xuất bằng năng lượng sinh học và ứng dụng CCUS vào sản xuất xi măng, thì tất cả sẽ mang lại cơ hội cho Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu công nghiệp carbon thấp, sản phẩm và công nghệ cũng như bí quyết và kiến thức chuyên môn về công nghiệp carbon thấp.

Một hệ sinh thái kinh tế-công nghiệp carbon thấp đang phát triển mạnh mẽ mang lại cho Trung Quốc giải pháp thay thế cho quá trình phi công nghiệp hóa. Ngược lại, điều này có thể cho phép Trung Quốc đóng góp đáng kể hơn nữa vào các nỗ lực loại bỏ carbon toàn cầu, đồng thời có thể phát triển và thương mại hóa các quy trình và công nghệ công nghiệp mới, tiến tới cung cấp cho các nước kém phát triển hơn để giúp đất nước vượt qua các giai đoạn phát thải ra nhiều khí thải nhất trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Tác động xã hội

Về mặt lâu dài, hệ thống năng lượng phát thải ròng bằng 0 sẽ tạo ra những lợi ích xã hội đáng kể, bao gồm tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn và hệ quả môi trường trong lành hơn.

Tuy nhiên, với quy mô, phạm vi và tốc độ thay đổi, tác động của quá trình chuyển đổi này sẽ không nhận được sự cảm nhận một cách đồng đều giữa các tỉnh, ngành và người dân có điều kiện kinh tế khác nhau. Tiến bộ thực sự đòi hỏi phải mở rộng các lợi ích kinh tế-xã hội và môi trường của quá trình chuyển đổi năng lượng tới tất cả các bộ phận trong xã hội, đồng thời hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi tác động của quá trình trên.

Ví dụ, hệ thống điện dựa trên năng lượng tái tạo dự kiến sẽ có chi phí cạnh tranh so với các hệ thống điện dựa trên năng lượng hóa thạch hiện tại. Trong thời gian tạm thời thì giá năng lượng có thể cao hơn và dễ biến động hơn. Quá trình chuyển đổi sẽ đòi hỏi đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, tính linh hoạt và mạng lưới truyền tải và phân phối nâng cao cũng như vào các công nghệ và nhiên liệu cần thiết để loại bỏ carbon trong các lĩnh vực khó điện khí hóa cần thời gian để thương mại hóa hoàn toàn. Tác động của giá năng lượng cao hơn sẽ ảnh hưởng không tương xứng đến các nhóm có thu nhập thấp hơn do thường phải chi phần lớn thu nhập dành cho năng lượng. Việc chuyển đổi hệ thống năng lượng của Trung Quốc cũng sẽ có tác động đáng kể đến cấp vùng hoặc cấp tỉnh cũng như tác động theo ngành, điều này sẽ lần lượt tạo ra sự gián đoạn và xáo trộn về mặt xã hội.

Đặc biệt, ngành khai thác than đá của Trung Quốc có thể sẽ chịu tác động xã hội đáng kể với việc đóng cửa một loạt các nhà máy dự kiến khi đất nước tiến hành chuyển đổi năng lượng. Than đá cho đến nay là nguồn năng lượng lớn nhất trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc ngày nay và lĩnh vực khai thác mỏ hiện sử dụng khoảng 2,6 triệu lao động, con số này cao hơn đáng kể khi tính đến tất cả công nhân trong toàn bộ chuỗi giá trị than đá và các ngành công nghiệp cùng doanh nghiệp. Do việc toàn bộ nền kinh tế, cộng đồng và sinh kế địa phương đều hướng tới sản xuất thanđá ở một số khu vực nên chính quyền địa phương sẽ cần phải hành động sớm để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra một cách suôn sẻ.

Đào tạo lại và huấn luyện lại người lao động sẽ là chìa khóa giúp cho họ tìm kiếm được công ăn việc làm và sinh kế mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực tăng trưởng như năng lượng tái tạo, khai thác kim loại và đất hiếm, CCUS và năng lượng sinh học. Tương tự, đầu tư dài hạn vào kỹ năng và năng lực của người lao động sẽ là cần thiết đối với các ngành công nghiệp nặng có hàm lượng carbon thấp và sản xuất tiên tiến. Đối với những người lao động không thể hoặc không muốn nắm bắt các cơ hội công ăn việc làm mới có hàm lượng carbon thấp thì nhà nước cần hỗ trợ phúc lợi và xã hội rộng rãi hơn để quản lý tình trạng thất nghiệp và nghỉ hưu sớm, đồng thời đảm bảo ổn định an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu về việc giữ trái đất nóng lên dưới 1,5°C, các hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu đã có tác dụng hỗ trợ đáng kể đối với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (CDG) cho đến năm 2030. Hiện Trung Quốc đã đạt được những bước tiến to lớn trong vài thập kỷ qua trong việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân. Ước tính chưa đến 1% dân số toàn quốc sống dưới mức nghèo vào năm 2020 so với khoảng 50% vào cuối thế kỷ trước và tiệm cận được với điện năng toàn cầu đã đạt được vào năm 2014.

Ngay cả khi thế giới cắt giảm lượng carbon, điều quan trọng là phải đảm bảo các cộng đồng có khả năng chống chịu trước các tác động hạn chế của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như nước biển dâng cao, các điều kiện và trường hợp thời tiết khắc nghiệt với những tác động tiêu cực thường được cảm nhận một cách không cân xứng bởi các cộng đồng dễ bị tổn thương và chịu thiệt thòi.

Quá trình chuyển đổi năng lượng đã mang lại cơ hội cho Trung Quốc phát huy những thành quả phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đạt được tiến bộ trong quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách đảm bảo các cộng đồng dễ bị tổn thương và thiệt thòi được tiếp cận với năng lượng đáng tin cậy với giá cả phải chăng, đồng thời có khả năng chống chịu trước các tác động hạn chế của biến đổi khí hậu, đồng thời giúp họ hưởng lợi từ các cơ hội thích ứng và giảm thiểu khí hậu do quá trình chuyển đổi năng lượng mang lại.

Tác động quốc tế

Các bước đi của Trung Quốc nhằm đạt được mức trung hòa carbon không chỉ quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris mà còn có ý nghĩa sâu rộng đối với thị trường toàn cầu và hành trình của thế giới hướng tới mức phát thải ròng bằng 0.

Khi Trung Quốc triển khai các công nghệ và nhiên liệu carbon thấp, quy mô của nhu cầu đó sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cắt giảm chi phí đối với các công nghệ và nhiên liệu tương thích với thị trường, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hướng tới việc chứng minh và thương mại hóa những loại nhiên liệu và công nghệ còn xa vời đối với thị trường. Đổi lại, điều này sẽ tạo ra lợi ích lan tỏa công nghệ sáng tạo mới cho khu vực và thế giới bởi tính sẵn có cao hơn và chi phí thấp hơn của các công nghệ và nhiên liệu carbon thấp đã thúc đẩy việc áp dụng ngày càng tăng. Đối với các mối liên kết thương mại mạnh mẽ hiện có giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực thì lợi ích loại bỏ carbon có thể là rất đáng kể. Ví dụ, hơn một nửa lượng xuất khẩu pin lithium và quang điện mặt trời của Trung Quốc ngày nay được xuất sang các nước khác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Khi Trung Quốc chuyển đổi từ hệ thống năng lượng dựa vào hóa thạch sang hệ thống năng lượng carbon thấp thì điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của cả hai lĩnh vực này. Ví dụ, khi nhu cầu than đá của Trung Quốc suy giảm thì điều này sẽ gây áp lực giảm giá than đá và có khả năng biến Trung Quốc từ nước nhập khẩu ròng trở thành nước xuất khẩu ròng than đá, do vậy, điều này có thể thúc đẩy việc tiêu thụ than đá nhiều hơn bên ngoài Trung Quốc, thể hiện khả năng lan tỏa tiêu cực nếu không có các biện pháp ngăn chặn.

Dưới góc độ năng lượng carbon thấp, chuỗi cung ứng toàn cầu về các nguyên tố đất hiếm cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng của Trung Quốc hiện chiếm tới 1/3 trữ lượng đất hiếm toàn cầu cũng như 60% sản lượng toàn cầu và 60% xuất khẩu đất hiếm. Việc Trung Quốc cân bằng nguồn cung giữa thị trường toàn cầu và thị trường nội địa, đặc biệt khi nhu cầu trong nước tăng, sẽ là điều rất quan trọng đối với nguồn cung toàn cầu của chuỗi ổn định. Phát triển trữ lượng đất hiếm toàn cầu cũng như xây dựng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng sẽ rất quan trọng để Trung Quốc và phần còn lại của thế giới có thể loại bỏ carbon thành công.

Vấn đề tài chính có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tối đa hóa tác động quốc tế một cách tích cực của quá trình chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc là một ví dụ điển hình về cái cách mà Bắc Kinh đang sử dụng các khoản đầu tư để hỗ trợ sự phát triển bền vững về ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ngoài. Danh mục đầu tư BRI trị giá khoảng 265 tỷ USD dành cho các dự án điện và năng lượng chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới từ năm 2013 đến năm 2018 đang chuyển dịch sang tập trung vào năng lượng tái tạo. Năm 2020, lần đầu tiên các khoản đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời, gió và hydrogen chiếm phần lớn 57% danh mục năng lượng ở nước ngoài của Trung Quốc.

Tuân thủ cam kết của Trung Quốc đưa ra năm 2017 rằng các dự án BRI sẽ được sử dụng để thúc đẩy Thỏa thuận Paris và CDG 2030. Trước Hội nghị COP26, Trung Quốc cam kết ngừng cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than đá mới bên ngoài Trung Quốc đại lục. Sự liên kết này mang lại hai lợi ích là giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững khí hậu phát triển, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển và mới nổi và mở rộng thị trường nước ngoài cho các sản phẩm, công nghệ và kiến thức chuyên môn carbon thấp của Trung Quốc.

Chuyển đổi than đá

Quá trình chuyển đổi khỏi than đá là loại nhiên liệu hóa thạch thải ra nhiều khí thải nhiều nhất cho đến nay được coi là điều kiện then chốt để Trung Quốc đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Khi chi phí của năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió giảm, điều này ngày càng trở nên cạnh tranh về mặt chi phí với thế hệ nhiệt điện đốt than đá. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục với chi phí hệ thống (sản xuất và tính linh hoạt) của hệ thống điện phát thải carbon thấp ở Trung Quốc vào năm 2050 được ước tính sẽ thấp hơn so với hệ thống điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày nay. Kết hợp với đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng carbon thấp, hệ thống điện dựa trên năng lượng tái tạo có thể mang lại giá điện thấp hơn so với hệ thống sử dụng than đá chủ yếu như hiện nay. Xu hướng này cũng sẽ được thúc đẩy bởi các chính sách định giá carbon, chẳng hạn như thông qua Hệ thống thương mại năng lượng quốc gia (ETS), điều này sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng hơn giữa thế hệ nhiệt điện đốt than và sản xuất carbon thấp hơn như khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo.

Ngoài mặt về điện, công nghiệp nặng hiện nay là ngành tiêu thụ than đá lớn nhất ở Trung Quốc. Mặc dù có những cơ hội đáng kể để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và phát thải của than đá nhưng về mặt lâu dài, lĩnh vực này sẽ chuyển đổi đáng kể khỏi việc sử dụng than đá. Khi ETS được mở rộng để bao trùm các ngành công nghiệp phát thải nhiều khí thải, giá carbon tăng sẽ khuyến khích chuyển đổi từ than đá sang nhiên liệu carbon thấp như hydrogen và nhiên liệu sinh học tiên tiến. Trong các ứng dụng công nghiệp, nơi việc thay thế than đá khó khăn và tốn kém nhất thì CCUS sẽ đóng một vai trò nhất định bởi được hỗ trợ bởi giá carbon.

Tuấn Hùng

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ky-vi-dat-tien-bo-huong-toi-trung-hoa-carbon-704341.html