Kỳ vọng bứt phá khi cao tốc đi qua

Các tuyến cao tốc đưa vào khai thác mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho các địa phương, nhiều tỉnh đã đón đầu lợi thế, tận dụng tối đa cơ hội.

Mở ra không gian phát triển mới

Ông Đặng Ngọc Thế, Phó chủ tịch UBND xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cho hay, với việc bố trí nhiều nút giao, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm tạo thuận lợi cho người dân lưu thông, mở đường tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch.

“Trên địa bàn đang hình thành những mô hình homestay, trải nghiệm vườn xoài cho du khách, điều mà trước nay còn hạn chế, do giao thông chưa kết nối thuận lợi”, ông Thế nói.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đi vào khai thác sẽ tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đi vào khai thác sẽ tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại

Ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm chia sẻ: “Có tới 30km chiều dài cao tốc nằm trên địa bàn huyện với nhiều nút giao lên xuống, giúp người dân, du khách dễ dàng di chuyển đến các điểm du lịch, kinh tế… tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới cho huyện Cam Lâm”.

Theo Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa Nguyễn Văn Dần, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm khánh thành sẽ mở trục giao thông động lực kết nối phía nam Nha Trang và liên vùng, giảm tải cho QL1, kết nối các khu kinh tế, sân bay, cảng biển, phát triển kinh tế, đảm bảo ATGT.

Cùng với đoạn cao tốc này, các dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang đầu tư xây dựng sẽ kết nối toàn tuyến cao tốc trên trục Bắc - Nam và Đông - Tây mở nhiều không gian phát triển về kinh tế, du lịch, bất động sản...

Ông Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho biết, thành phố đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, tiến tới đưa TP Cam Ranh lên đô thị loại II, trở thành đô thị du lịch - logistics.

Và cao tốc Nha Trang - Cam Lâm mở ra đã tạo điều kiện rất thuận lợi để thành phố thực hiện việc này.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, cùng với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Khánh Hòa đang được đầu tư, xây dựng các đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vân Phong - Nha Trang. Khánh Hòa cũng đang triển khai cao tốc phía tây là Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

“Hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp, góp phần quan trọng trong việc tạo tiền đề để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội, đổi thay bộ mặt địa phương. Ngoài ra, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian đi từ TP.HCM ra Nha Trang. Khánh Hòa sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để thu hút du khách”, ông Tuân cho biết.

Đón sóng đầu tư khi có cao tốc

Tại Bình Thuận, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ biến tỉnh trở thành tâm điểm đầu tư với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng ven biển đang và sắp triển khai. Nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đang ngấp nghé với các dự án lớn.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, cùng với các cao tốc đã thông xe, tỉnh đang đẩy nhanh các thủ tục triển khai dự án sân bay Phan Thiết.

Đường bộ cao tốc đã thông, có sân bay Phan Thiết sẽ là động lực lớn để phát triển khu vực phía Nam của tỉnh, đặc biệt phát triển du lịch, vốn là thế mạnh của địa phương.

Để đón làn sóng đầu tư, tỉnh Ninh Thuận cũng đã quy hoạch hàng loạt dự án đón đầu cao tốc khi đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua tỉnh sẽ hoàn thành khoảng tháng 6/2024.

Ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kỳ vọng khi toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM - Khánh Hòa kết nối hoàn chỉnh thì tỉnh sẽ có thêm nhiều cơ hội.

Ngoài cơ hội mở mang khu công nghiệp, cảng biển và dịch vụ logistics thì cơ hội phát triển du lịch, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ có chuyển động tích cực. “Ninh Thuận là tỉnh nghèo và chúng tôi coi đây là cơ hội để bứt phá”, ông nói.

Ông Cảnh nêu dẫn chứng, “ăn theo” cao tốc, dịp lễ vừa qua Ninh Thuận đón được khoảng 90.000 lượt du khách, tăng 49,5% so cùng kỳ năm trước.

Hiện tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 57 dự án du lịch với tổng vốn trên 52.000 tỷ đồng, đã hoàn thành đi vào hoạt động 25 dự án với tổng vốn gần 4.000 tỷ, còn lại 32 dự án đang triển khai.

Tiếp sau các dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, ngày 18/6 tới đây sẽ thêm 2 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam là Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết chính thức tổ chức khánh thành (trước đó đã thông xe, cho phương tiện lưu thông từ 19/5).

Lễ khánh thành 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ được tổ chức vào ngày 18/6/2023 tại 2 địa điểm.

Cụ thể, tổ chức cắt băng khánh thành dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm tại Km 33+800 dự án đường cao tốc Bắc - Nam thuộc địa bàn xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Còn tại đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cắt băng khánh thành tại lý trình Km 1604+700 thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có chiều dài 49,11km; tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2021. Dự án do Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư, Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8km; tổng mức đầu tư 10.853 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, khởi công cuối tháng 9/2020. Chủ đầu tư dự án là Ban QLDA 7.

Nhóm phóng viên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ky-vong-but-pha-khi-cao-toc-di-qua-d594384.html