Kỳ vọng bứt phá sản xuất công nghiệp
Năm 2025, tỉnh Nam Định xác định là thời điểm phải tăng tốc hơn, đột phá hơn để tạo đà vững chắc cho giai đoạn 2026-2030 với mục tiêu GRDP tăng từ 10,5% trở lên. Ngành Công Thương giữ vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy công nghiệp phát triển, dẫn dắt thương mại và xuất khẩu tăng trưởng, hướng tới mục tiêu biến Nam Định thành trung tâm công nghiệp hiện đại, hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tạo dựng nền tảng vững chắc
Năm 2025, ngành Công Thương đã chủ động nâng các chỉ tiêu tăng trưởng. Mục tiêu cụ thể là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 15% trở lên so với năm 2024, giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD. Đây không chỉ là con số mà còn là khát vọng chung của toàn ngành.
Theo phân tích của UBND tỉnh: Mặc dù đối mặt với thách thức từ phục hồi công nghiệp chưa toàn diện và thị trường trong nước tăng trưởng thấp, nhưng Nam Định vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP cao (trên 10%) trong hai năm qua. Ngành công nghiệp vẫn là động lực chính, với các lĩnh vực sản xuất, thương mại và xuất khẩu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Trong năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 13,8%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 30,8% so với 2023. Năm 2025, thị trường bán lẻ trong nước được dự báo có xu hướng sẽ sôi động hơn nhờ tốc độ phát triển của công nghệ và sự chuyển đổi trong hành vi tiêu dùng theo xu hướng mua sắm đa kênh (vừa mua hàng trực tuyến, vừa mua tại cửa hàng); ngày càng gia tăng lượng người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm giá trị cao là động lực chính thúc đẩy các chương trình khuyến mại lớn mạnh hơn, từ đó giúp các thương hiệu duy trì sự cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, Nam Định chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của các doanh nghiệp lớn, mang lại giá trị nâng cấp chuỗi công nghiệp toàn cầu. Tiêu biểu như: Lĩnh vực sản xuất vật liệu công nghiệp với các dự án sản xuất thanh hợp kim nhôm xanh, vật liệu điện tử 3C cao cấp và phụ kiện nhôm ô tô Kim Kiều của Tập đoàn Nhôm Kim Kiều; dự án sản phẩm kỹ thuật bảo hộ an toàn của nhà đầu tư Xingfu Safety Technology (Singapore); dự án Nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa và sản phẩm melamine của nhà đầu tư JIA WEI LIFESTYLE… Lĩnh vực dệt may có dự án của Top Textiles (Tập đoàn Toray, Nhật Bản) tại KCN Dệt may Rạng Đông là điểm nhấn quan trọng, giúp nâng cao giá trị gia tăng trong ngành dệt may, đóng góp vào xuất khẩu và tạo việc làm. Lĩnh vực công nghệ cao và điện tử với các dự án đầu tư sản xuất máy chiếu thông minh và TV laser của Công ty TNHH Công nghệ Xgimi Việt Nam tại KCN Mỹ Thuận với tổng vốn đầu tư 13 triệu USD; dự án sản xuất máy tính xách tay tại KCN Mỹ Thuận Tập đoàn Quanta dự kiến mang lại doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2025, giúp thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh, từ gia công sang sản xuất giá trị cao. Triển vọng thu hút dòng vốn nước ngoài của tỉnh trong năm 2025 cơ bản vẫn tích cực nhờ hạ tầng giao thông liên vùng và hạ tầng công nghiệp, đô thị và dịch vụ đang được thúc đẩy phát triển mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án mới; các chương trình hợp tác tỉnh đã ký kết với VSIP và các đối tác lớn như AEON Việt Nam ngày càng củng cố vị thế của Nam Định trong bản đồ đầu tư toàn quốc.
Các giải pháp đồng bộ tạo động lực mới
Dựa trên những nền tảng vững chắc này, ngành Công Thương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để hiện thực hóa kỳ vọng. Theo đồng chí Đặng Ngọc Rung, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Năm 2025, ngành Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời phát huy các chiến lược đột phá. Cụ thể, ngành sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành và địa phương thực thi đồng bộ, quyết liệt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành sản xuất chủ lực.
Ngành Công Thương chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều dư địa tiềm năng. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh tế số để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; đồng thời theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả. Tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; chú trọng bám sát, kết nối với các cơ quan Thương vụ, các cơ quan ngoại giao, thực hiện tốt vai trò cầu nối cho doanh nghiệp “bám rễ” thị trường.
Ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính cho phát triển sản xuất công nghiệp và thúc đẩy thương mại; tích cực thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại, chú trọng mời gọi đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách như: Cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy móc, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, hàng tiêu dùng. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh sẵn có của địa phương như: Cơ khí sản xuất máy nông nghiệp, máy xây dựng; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; sợi, dệt, nhuộm, may thời trang cao cấp. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đồng thời khai thác có hiệu quả các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các ngành công nghệ cao như chíp, bán dẫn, công nghệ AI…).
Nam Định hiện đang thu hút nhiều dự án trọng điểm từ các nhà đầu tư công nghệ cao. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, ngành Công Thương đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, tránh thiếu điện phục vụ sản xuất. Đồng thời, sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án công nghiệp, năng lượng, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp, từ đó thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh.
Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202501/ky-vongbut-phasan-xuat-cong-nghiep-37961d5/