Kỳ vọng cánh đồng 1 triệu héc ta
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp được triển khai ngay trong năm nay trên diện tích 180.000ha. Mục tiêu không chỉ hướng đến tăng 40% giá trị lúa gạo, 50% lợi nhuận trồng lúa, mà còn là một hình mẫu sản xuất lúa gạo trên thế giới. Đó là cách tiếp cận mới, tích hợp đa giá trị, đa lợi ích, đóng góp trách nhiệm cho môi trường.
Thoát nghẽn cánh đồng lớn
Hơn 10 năm trước, cánh đồng lớn ra đời ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhanh chóng lan ra cả nước với diện tích đạt gần 200.000ha lúa vào năm 2015. Mô hình này đạt được thành công bước đầu, mở ra kỳ vọng tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Cánh đồng lớn tạo ra không gian rộng lớn hơn, điều kiện sản xuất thuận lợi hơn cho việc thực hành nông nghiệp tốt, ứng dụng cơ giới hóa, hiện đại hóa, giảm chi phí trung gian, kiểm soát sản phẩm đồng đều và chất lượng hơn.
Tuy nhiên, khi vật tư nông nghiệp, dịch vụ đầu vào tăng, được lợi cho doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, dịch vụ nông nghiệp, thì gánh nặng sản xuất bị đẩy sang người nông dân. Lúa gạo tăng giá, thì liên tục xảy ra tình trạng “bẻ kèo, hủy cọc”. Trong khi năng suất tăng lên, lúa trúng mùa, được giá, nông dân mừng, thì doanh nghiệp than lỗ vì phải ký hợp đồng xuất khẩu trước giá thấp, phụ thuộc thương lái, mua lúa nguyên liệu giá cao do thị trường biến động. Kiểu mua đứt, bán đoạn này khiến người này được, thì người kia mất.
Vì vậy cần phải có cách tiếp cận mới để “chiếc bánh lúa gạo” lớn thêm. Để nâng cao giá trị lúa gạo, cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để nông sản phát triển bền vững trong tương lai. Không chỉ là đồng ruộng lớn, mà phải tạo ra không gian sáng tạo rộng lớn hơn, nông nghiệp đa giá trị hơn với nông thôn đáng sống hơn và những giá trị tích hợp đa ngành với thương mại, dịch vụ du lịch, giải trí, thời trang.
Tích hợp giá trị mới
Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đang được tiếp cận theo cách tạo ra không gian phát triển và tích hợp đa giá trị, hàng năm giảm khoảng 10 tấn carbon thu về khoảng 100 triệu USD. Việc gia tăng giá trị từ sản xuất lúa giảm phát thải nhà kính để có thể bán tín chỉ carbon cũng là cách tiếp cận kinh tế mới mang nhiều trách nhiệm xã hội và môi trường. Tín chỉ carbon sẽ trở thành một loại hàng hóa và một thị trường tín chỉ carbon đang định hình từ những giao dịch mua bán “tiền tươi, thóc thật”.
Thương hiệu lúa gạo cũng là một giá trị mới được tạo ra. Không chỉ là các loại gạo ngon được giải thưởng quốc tế như ST24, ST25, Lộc Trời, mà thương hiệu còn xây dựng, quảng bá với hơn 11.000 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Cần có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng và cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện. Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, tạo ra giá trị tăng dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Ngành nông nghiệp cần tiếp tục lan tỏa sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế và tạo ra không gian giá trị cho nông nghiệp du lịch, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp thời trang. Những thứ vô hình chúng ta chưa khai thác có thể còn mang giá trị nhiều hơn cái hữu hình mà ta đang theo đuổi.
Đã có một số sản phẩm chế biến sâu từ lúa gạo như mỹ phẩm từ cám gạo, bánh tráng xuất khẩu, bánh mì không gluten, màng sinh học từ gạo nếp, hạt nhựa sinh học, sản xuất than hoạt tính, sản xuất chất đốt thay thế nhiên liệu hóa thạch, sản xuất vật liệu xây dựng như gỗ MDF, cung cấp phụ phẩm cho ngành xi măng, dược phẩm… thị trường lớn, nước ta lại có được nguồn nguyên liệu lớn và ổn định. Tuy nhiện vẫn cần sự trợ lực nhiều hơn như dòng tài chính đầu tư cho các sản phẩm chế biến sâu, mô hình “mặt ruộng không dấu chân” gắn với “canh tác không tiền mặt”, thực hành qui trình canh tác lúa có trách nhiệm…
Sự tích hợp với các nguồn lực vật chất, từ lợi thế tự nhiên, các nguồn tài chính, khoa học công nghệ; đặc biệt là nguồn lực con người trong mối liên kết các tác nhân quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản.
Việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông nghiệp mới đòi hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tin cậy làm công cụ, xây dựng các tác nhân nòng cốt tham gia chuỗi và huớng đến cộng đồng.
Tuy nhiên, từ bài học kinh nghiệm của mô hình cánh đồng lớn, việc tổ chức thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp phải thực hiện nghiêm ngặt theo lộ trình, cách tiếp cận mới. Để tạo không gian phát triển mới cần áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau ở “vùng lõi”, “vành đai” và các khu vực trồng lúa bình thường khác, có xem xét mục tiêu sản xuất lúa cho an ninh lương thực hay lúa hàng hóa. Cần có chính sách tách biệt hẳn các hệ thống và chiến lược xuất khẩu gạo mang “tính chính trị - xã hội” và tính thương mại để có chính sách rõ ràng, phân biệt giữa hai mục tiêu để tăng cường hỗ trợ nhóm thực hiện mục tiêu chính trị - xã hội, giải phóng một phần gánh nặng để tăng lợi nhuận, đồng thời nâng cao trách nhiệm cho nhóm thương mại.
Mỗi tiểu vùng trong vùng ĐBSCL, đặc biệt là vùng lõi sản xuất lúa gạo là Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, tùy điều kiện tự nhiên, sinh thái, trình độ phát triển sản xuất và quy mô phát triển thị trường, cần có quy hoạch ưu tiên sản phẩm lợi thế để thúc đẩy tái cơ cấu không chỉ về sản lượng mà về giá trị, thu nhập của người dân.
Mô hình chuỗi giá trị gạo thành công cần lộ trình, từng bước từ thấp đến cao, không thể nóng vội, không theo phong trào, mà phải dựa vào thực lực, nội tại của từng doanh nghiệp, có bước đi thích hợp. Thất bại của các tập đoàn, hợp tác xã hay kinh tế trang trại một thời vẫn còn là một bài học đáng suy ngẫm cho quá trình triển khai đề án lúa gạo 1 triệu ha ở ĐBSCL thời gian tới.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn/năm; chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục nhằm hướng tới sản xuất bền vững và hiệu quả.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-vong-canh-dong-1-trieu-hec-ta-10278669.html