Kỳ vọng cổ phiếu ngành nhựa bứt phá
Giá nguyên vật liệu tăng cao đã khiến cổ phiếu ngành nhựa liên tục gặp khó và giảm mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tín hiệu tích cực về những đơn hàng xuất khẩu của các công ty nhựa sẽ mang tới kỳ vọng đột phá cho nhóm cổ phiếu ngành này trong thời gian tới.
Chốt phiên ngày 9/5, VN-Index giảm gần 60 điểm xuống mức 1.269,62 điểm (-4,49%). Trong đó, hàng loạt cổ phiếu ngành nhựa giảm sàn như APH (An Phát Holdings) , AAA (Nhựa An Phát), HII (An Tiến Industries), PLP (Nhựa Pha Lê), DPC (Nhựa Đà Nẵng), DAG (Nhựa Đông Á), NHH (Nhựa Hà Nội)… Một số mã nhuốm sắc đỏ có thể kể đến như NTP (Nhựa Thiếu niên Tiền Phong), BMP (Nhựa Bình Minh),DNP (Nhựa Đồng Nai), PGN (Phụ Gia Nhựa)…
Chưa dứt được khó khăn
Theo quan sát, tính từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù có vài phiên đi ngược thị trường, gây bất ngờ cho các nhà đầu tư, nhưng nhìn chung cổ phiếu ngành nhựa lại có xu hướng đi xuống, thậm chí ghi nhận sự giảm mạnh đến gần 60%.
Tính chung trong 5 phiên gần nhất, nhóm ngành nhựa nằm trong 9/21 ngành giảm giá mạnh nhất là 4,1%, cùng với nhóm chứng khoán (-5,1%) và thép (-4,8%).
Giải thích về điều này, các chuyên gia cho rằng, giá nguyên liệu chủ chốt tiếp tục tăng cao, đẩy các doanh nghiệp ngành nhựa rơi vào bài toán nan giải. Do hạt nhựa chiếm khoảng 60-70% trong cơ cấu giá vốn của doanh nghiệp sản xuất nhựa, vì vậy khi giá hạt nhựa tăng cao như hiện nay làm tăng mạnh chi phí đầu vào của các doanh nghiệp ngành nhựa, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh. Từ đó cũng gây ảnh hưởng tới sức hút của cổ phiếu ngành nhựa.
Dữ liệu của cổng thông tin tài chính toàn cầu Investing, giá hạt nhựa PE đã tăng 10,4% trong vòng 3 tháng từ 9/12/2021 - 8/3/2022. Tương tự, giá hạt nhựa PP tại ngày 8/3/2022 tăng hơn 10% so với thời điểm 6/12/2021.
“Trong lịch sử, chưa bao giờ giá nguyên liệu nhựa cao như trong nửa đầu năm nay, đó là tác động cực kỳ lớn với hầu hết các doanh nghiệp nhựa”, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh nhận xét.
Thực tế, từ năm 2020 đến nay, khi giá hạt nhựa có xu hướng tăng mạnh đã bắt đầu ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nhựa. Đặc biệt, trong năm 2021, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, với mức tăng 1,6 lần trong năm, thậm chí có nhiều thời điểm đạt mức tăng cao nhất trong lịch sử.
Chẳng hạn, biên lợi nhuận của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) năm 2021 đã giảm mạnh từ 31% về 24%. Tương tự, biên lợi nhuận gộp của Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (AAA) cũng giảm từ 10,46% về còn 9,9%. Trong khi đó, lợi nhuận của Nhựa Bình Minh giảm 59% so với năm 2020, ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.
“Trong giai đoạn đầu, khi giá nguyên liệu tăng, các công ty có thể chuyển phần tăng giá đó tới khách hàng. Tuy nhiên, việc tăng giá quá nhanh sẽ ảnh hưởng tới tiêu thụ của doanh nghiệp”, một chuyên gia phân tích.
Theo đó, nhiều công ty đã đề ra chiến lược tăng tích trữ nguyên liệu nhằm đối phó với cơn sốt giá hạt nhựa, nhưng về lâu dài, việc này sẽ khiến dòng tiền kinh doanh của các doanh nghiệp suy giảm. Vì vậy, ông Việt Anh kiến nghị cần có những ưu đãi về thuế, vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhựa trong thời gian tới.
Triển vọng lớn từ những đơn hàng đầy ắp
Trái ngược với đầu vào, ở thị trường đầu ra, hoạt động đầu tư mạnh mẽ của khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cùng xu hướng dịch chuyển sản xuất các dòng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường đưa quy mô sản xuất ngành nhựa ngày càng lớn. Nhờ đó, các doanh nghiệp nhựa trong nước liên tục đón nhận tín hiệu tích cực về đơn hàng xuất khẩu.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các sản phẩm ngành nhựa như bao bì, nguyên liệu, sản phẩm nhựa sinh học phân hủy, sàn nhựa công nghệ cao, Tập đoàn An Phát Holdings đang bội thu đơn hàng với tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 4.000 tỷ đồng, chiếm 98% tổng doanh thu.
Tương tự, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, chuyên cung ứng các sản phẩm nhựa công nghiệp, hàng tiêu dùng và tự hủy sinh học cũng là một trong các doanh nghiệp đầy ắp đơn hàng ở thời điểm hiện tại. Hiện, công ty đã có đơn hàng xuất khẩu liên tục, lấp đầy hết tháng 10/2022. Trong đó có đơn hàng khoảng 4.000 tấn đi thị trường châu Âu, với trị giá hơn 8 triệu USD. Không chỉ vậy, đơn hàng từ thị trường Mỹ trong năm 2022 cũng tăng rất nhiều.
Theo các chuyên gia, lâu nay Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp sản phẩm nhựa lớn cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng chính sách “zero Covid” của Trung Quốc, sản lượng cung cấp cho thị trường Mỹ bị giảm nên đơn hàng đổ về Việt Nam.
Một số công ty chứng khoán dự báo, với mức tăng trưởng doanh thu chung 16-18% trong giai đoạn 2016- 2021, ngành nhựa sẽ tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng 2 chữ số trong những năm tới.
Trong năm 2022, triển vọng cho ngành nhựa rất thuận lợi nhờ 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thực thi như CPTPP, EVFTA, RCEP, giúp mở ra cơ hội thu hút đầu tư không chỉ ở các nước đối tác FTA, mà cả các nước khác.
Hiện, các nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã mua cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nhựa của Việt Nam.
Điển hình, đầu năm 2022, Indorama Ventures B.V (thành viên của nhà sản xuất hạt nhựa PET lớn nhất thế giới Indorama Ventures) đã được chấp thuận phương án chào mua công khai 81,57 triệu cổ phần NNG của CTCP Nhựa Ngọc Nghĩa, tương đương thâu tóm toàn bộ 100% vốn điều lệ.
Trước đó, năm 2021, Tập đoàn SCG (Thái Lan) hoàn tất mua lại 70% cổ phần 2 mảng kinh doanh bao bì, nhựa gia dụng của Công ty Nhựa Duy Tân (doanh thu gần 5.000 tỷ đồng), với trị giá 280 triệu USD.
SCG cũng chi gần 2.100 tỷ đồng (89 triệu USD) mua 94% cổ phần của Công ty Bao bì Biên Hòa (SVI) và thâu tóm nhiều doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực bao bì, nhựa khác như Tín Thành, Nhựa Bình Minh.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp nhựa trong nước cũng đã bắt đầu đầu tư lớn cho công nghệ để cho ra nhiều sản phẩm nhựa chất lượng cao, phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Mới đây, đầu năm 2022, An Phát Holdings động thổ dự án xây dựng Nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT tại Hải Phòng. Đây là nhà máy sản xuất nguyên liệu xanh đầu tiên tại Đông Nam Á, nằm trong danh mục dự án công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, có công suất 30.000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng. Nếu nhà máy PBAT đi vào hoạt động, giá thành sản phẩm xanh sẽ giảm 20-30%.
Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 120 triệu USD. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đáp ứng 100% nhu cầu nguyên liệu của An Phát Holdings, khép kín hệ sinh thái tuần hoàn xanh từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công nguyên liệu và sản phẩm nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn, chính thức tham gia vào mạng lưới nguyên liệu xanh thế giới.
Không chỉ vậy, An Phát Holdings còn hợp tác với Nexeo Plastics, nhà phân phối hạt nhựa hàng đầu thế giới để đưa nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học vào thị trường Mỹ, Canada, Mexico.
“Với sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI, xuất khẩu sản phẩm nhựa và nguyên liệu nhựa sẽ sớm cán mốc 10 tỷ USD trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp thu hút dòng tiền tới nhóm cổ phiếu nhựa trong thời gian tới”, một chuyên gia chứng khoán dự báo.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/ky-vong-co-phieu-nganh-nhua-but-pha-1085291.html