Kỳ vọng dòng vốn và công nghệ từ những đối tác chiến lược toàn diện
Dòng vốn đầu tư và công nghệ từ Mỹ và Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao vào Việt Nam trong thời gian tới sau khi lãnh đạo hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới đã chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Cả Mỹ và Nhật Bản được nhận định là có dòng vốn đầu tư chất lượng cao, đáng chú ý là ngành công nghiệp sản xuất với công nghệ, kỹ thuật… mang tính đột phá và là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và có thể tham gia vào chuỗi cung ứng.
‘Cú huých’ cho dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản
Sự kiện Nhật Bản – đất nước luôn nằm trong tốp đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, gần đây trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, tiếp tục mang đến nhiều kỳ vọng thu hút nguồn vốn từ xứ sở mặt trời mọc của nền kinh tế gần 100 triệu dân.
Cụ thể tối 27-11-2023 (giờ Nhật Bản), ngay sau cuộc hội đàm thành công, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã gặp báo chí, cùng thông báo quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Theo đó, hai bên sẽ cùng xúc tiến hợp tác trong bốn lĩnh vực, trong đó điểm đáng chú ý mà theo Thủ tướng Kishida Fumio rằng Việt Nam là cứ điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản. Hai bên sẽ cùng hợp tác để đồng sáng tạo các ngành công nghiệp tương lai, như công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, cùng xúc tiến hợp tác và hỗ trợ về thiết bị quốc phòng.
Baochinhphu.vn dẫn lời Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại cuộc họp, cho biết hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế, thúc đẩy hợp tác đảm bảo an ninh kinh tế, mở rộng hợp tác các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Sự kiện này đã đưa Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ sáu mà Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, sau Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ và Mỹ.
Giới phân tích cho rằng việc nâng tầm quan hệ đối tác Việt Nam – Nhật Bản lên mức cao nhất: Đối tác chiến lược toàn diện sẽ giúp cho các hoạt động đầu tư, thương mại và nhiều lĩnh vực khác như được chắp thêm “cánh”, lên một tầm cao mới.
Về đầu tư, Nhật Bản hiện đang có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 3 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.
Trên thực tế, đến nay, nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đều có dự án đầu tư tại Việt Nam, như: Toyota, Renesas, Honda, Yamaha, Mitsubishi, Sumitomo, Canon, Marubeni, Panasonic, Toshiba, Sharp, Tokyu, Fujikura, Aeon Mall, Kyocera, Hoya, Nippon, Daikin, Toto… Và khoản đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn này không ngừng được mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm, kỹ thuật ở Việt Nam.
Việc thu hút dòng vốn FDI từ Nhật Bản sẽ tiếp tục được củng cố sau khi nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, đặc biệt là các ngành công nghệ cao như chip bán dẫn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thực phẩm, bán lẻ…, qua đó, kỳ vọng gia tăng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản cũng như trên thế giới.
Trên thực tế các doanh nghiệp Nhật Bản nhiều năm qua xem Việt Nam là điểm đến đầu tư chiến lược nhờ chính trị ổn định, kinh tế phát triển cao, lao động có tay nghề, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, và chi phí sản xuất chấp nhận… Bên cạnh thị trường trong nước lớn với gần 100 triệu dân với đa số người trẻ, việc ký kết 19 hiệp định thương mại tự do (FTAs) cũng là cơ hội rất lớn để sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đi nhiều nước trên thế giới.
Đơn cử như hồi trung tuần tháng 11 vừa qua, Tổng Giám đốc, Giám đốc điều hành Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) Kakinoki Masumi có chuyến thăm Việt Nam và có cuộc diện kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trên các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên phát triển.
Cụ thể Tổng Giám đốc Kakinoki Masumi cho biết, Tập đoàn Marubeni vào đầu tư kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1991; đến nay đã đầu tư khoảng 90 tỉ yên tại Việt Nam, tạo việc làm cho 7.500 người; coi Việt Nam là thị trường quan trọng ở châu Á, các hoạt động của Marubeni tập trung vào những lĩnh vực như: Xuất nhập khẩu hàng hóa; xây dựng các nhà máy nhiệt điện và các nhà máy công nghiệp, các nhà máy chế biến thực phẩm và dệt may…
Tổng Giám đốc, Giám đốc điều hành Tập đoàn Marubeni cho biết, thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ vào các dự án tại Việt Nam trong 7 lĩnh vực như năng lượng, chế biến, xuất khẩu hàng hóa, phát triển hạ tầng…
Hay sớm hơn là đoàn công tác của Tập đoàn Sumitomo Corporation, đã ký kết Biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa với diện tích phát triển dự kiến là 650 ha và Trung tâm tiếp vận, đô thị xung quanh khu công nghiệp khoảng 168.5 ha, với tổng số vốn hơn 400 triệu đô la.
Mới đây nhất, hôm 17-11 vừa qua, các nhà đầu tư từ Nhật Bản gồm Castem, Parts Seiko, Tamagawa, Fujix cũng đã đón nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh với tổng số vốn hơn 80 triệu đô la.
Trong các cuộc khảo sát gần đây của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), các nhà đầu tư Nhật Bản đều khẳng định mối quan tâm rất lớn đối với thị trường Việt Nam. Thậm chí, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO, Việt Nam là điểm đến đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản “không thể bỏ qua”. Khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản được JETRO hỏi đều cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Còn theo chia sẻ của ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng văn phòng JETRO tại TPHCM, thì văn phòng JETRO tại Hà Nội và TPHCM thuộc top văn phòng bận rộn nhất trong khoảng 70 văn phòng của tổ chức này trên thế giới khi mà nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư xứ mặt trời mọc hỏi thông tin, tìm hiểu về cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Theo ông Matsumoto Nobuyuki, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao từ Nhật Bản đã và đang mở rộng sang Việt Nam. “Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản”, ông nói.
Đến kỳ vọng về dòng chảy công nghệ cao từ Mỹ
Còn đối với Mỹ, từ sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam hơn 2 tháng trước, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Động thái này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam -Mỹ, trong đó hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một bước đột phá.
Việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng hơn nữa từ nền kinh tế đứng đầu thế giới này.
Trên thực tế trước và liền sau đó là hàng loạt chuyến thăm cấp cao, các địa phương, và các cuộc xúc tiến đầu tư – thương mại giữa doanh nghiệp hai nước… cũng đã diễn ra.
Gần đây, chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào trung tuần tháng 11 vừa qua đã để lại những dấu ấn quan trọng, mở ra nhiều cơ hội xúc tiến đầu tư, kinh doanh cho cả doanh nghiệp hai nước thời gian tới.
Trên đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ, đại diện các doanh nghiệp Mỹ đã đánh giá cao thành tựu và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam; bày tỏ mong muốn tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; đề xuất những ý tưởng, lĩnh vực Việt Nam cần tập trung cải thiện để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài.
Theo TTXVN, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đang rất quan tâm tới lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn. Ông John Neuffer cũng đánh giá cao chính sách hiện nay của Việt Nam trong lĩnh vực này và hy vọng Việt Nam sẽ sớm có những bước đi cụ thể để thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ.
Trong khi đó, ông Jitu Choudhury, Phó Chủ tịch phụ trách bán hàng của Công ty cổ phần Công nghệ VMO đánh giá Chính phủ Việt Nam có sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các trung tâm sáng tạo và có nhiều vườn ươm khởi nghiệp đã được mở ra để khuyến khích việc sản xuất.
Hay với sự chứng kiến của Chủ tịch nước và chính quyền thành phố Los Angeles, tại San Francisco, đại diện Cảng Los Angeles (POLA) với thành phố Hải Phòng và Tổ hợp nhà đầu tư Mỹ và Việt Nam gồm: Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) và Công ty Energy Capital Vietnam (ECV) đã ký kết hợp tác. Các bên sẽ cùng nghiên cứu hợp tác phát triển cảng tổng hợp Nam Đồ Sơn, phát triển và xây dựng hành lang vận tải xanh giữa POLA và cảng Nam Đồ Sơn nhằm hỗ trợ các tuyến thương mại trong tương lai.
Về phía Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự APEC 2023, lãnh đạo một số địa phương như TPHCM và tỉnh Hưng Yên đã tổ chức các hội nghị thu hút đầu tư với các doanh nghiệp Mỹ, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, công nghệ cao, giảm phát thải ròng và tiêu thụ nông sản.
Cụ thể Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có nhiều cuộc gặp với các nhà đầu tư Mỹ trong chuyến công tác này xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và công nghệ cao và ghi nhận nhiều kỳ vọng của họ khi đầu tư vào TPHCM.
Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết trong buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư Mỹ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ các nội dung về chiến lược tăng trưởng xanh – phát triển bền vững của thành phố. Trong đó, tập trung phát triển công nghệ cao, chip bán dẫn, kinh tế số, kinh tế xanh…
Tham gia phiên thảo luận, ông David Lewis, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Energy Capital Vietnam, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng – cam kết sẽ đầu tư lĩnh vực đổi mới sáng tạo và năng lượng xanh. Còn ông Patrick Sweeney, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp lớn vì an ninh quốc gia Mỹ (BENS), cho biết nhiều doanh nghiệp thành viên của BENS rất mong muốn đầu tư tại TPHCM.
Các lĩnh vực quan tâm gồm công nghệ, hàng không vũ trụ, quốc phòng, tài chính, y tế, năng lượng, thiết kế và sản xuất chip bán dẫn. Nhóm doanh nghiệp này bày tỏ mong muốn hỗ trợ thành phố phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực trên.
Ông Chris Ford, thành viên Hội đồng cố vấn năng lượng của Tổng thống Mỹ Joe Biden – đề nghị TPHCM đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Doanh nhân Mỹ tin tưởng thành phố có đầy đủ tiềm lực để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Trong khi đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TPHCM năm 2023, đã có bốn bản thỏa thuận ghi nhớ và hai thư quan tâm được trao giữa các tổ chức và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các dự án tăng trưởng xanh và công nghệ cao.
Ngoài ra, trong chuyến công tác này, các sở ngành của thành phố cũng đã ký kết ba bản thỏa thuận ghi nhớ với Liên minh xanh. Gồm: Hợp tác tổ chức hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh đến phát triển bền vững trên địa bàn TPHCM; Hợp tác về đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo khối tư nhân tại TPHCM và Hợp tác đầu tư về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Lãnh đạo TP.HCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Marvell, đây là công ty toàn cầu về thiết kế vi mạch (fabless) chuyên phát triển các vi mạch sử dụng trong hạ tầng dữ liệu. Tại buổi làm việc, chủ tịch UBND TP đã cam kết sẽ đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất để Công ty Marvell mở rộng hoạt động tại thành phố trong thời gian sắp tới…
Có thể nói chuyến tham dự APEC 2023 và kết hợp với hoạt động song phương tại Mỹ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã để lại dấu ấn quan trọng trong chương trình đối ngoại năm 2023 của Việt Nam, góp phần triển khai Tuyên bố chung về xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ, thúc đẩy hợp tác công nghệ cao, kinh tế xanh và kết nối địa phương giữa hai nước.
Điều này được đánh giá là cơ hội để Việt Nam thu hút nhiều đầu tư công nghệ bán dẫn của các tập đoàn từ xứ cờ hoa nhiều hơn nữa.
Trên thực tế nối tiếp Intel đầu tư vào Việt Nam khoảng 16 năm qua, hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đã và đang tìm đến Việt Nam như một cứ điểm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới. Điển hình như Amkor Technology tháng 10 vừa qua đưa vào nhà máy 1,6 tỉ đô la tại Bắc Ninh sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn. Doanh nghiệp này cung cấp cho các đối tác chiến lược là những công ty điện tử hàng đầu như: Qualcomm, Samsung, Apple, NVIDIA, Foxconn, Broadcom, LG, SK Hynix, cũng như hướng tới sử dụng trong truyền thông, tiêu dùng, ô tô, máy tính…
Amkor Yên Phong 2C (Bắc Ninh) đi vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam, là tiền đề đưa Việt Nam xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn.
Synopsys đang đầu tư thành lập Trung tâm thiết kế Chip bán dẫn và Trung tâm ươm mầm sáng tạo hợp tác cùng Khu công nghệ cao TPHCM. Hay Tập đoàn Công nghệ Marvell (Mỹ) cũng thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TPHCM…
Ông Wade Cruse, Đối tác điều hành khu vực Đông Nam Á của Bain & Company (Mỹ), tập đoàn tư vấn thuộc nhóm “Big 3” thế giới, cùng với McKinsey & Company và Boston Consulting Group, gần đây nhận định với KTSG Online rằng Việt Nam là một trong hai quốc gia hàng đầu được các nhà sản xuất bán dẫn lựa chọn kế tiếp.
Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư của các nhà bán dẫn toàn cầu, ông Wade Cruse khẳng định cơ hội và triển vọng cho Việt Nam về thu hút đầu tư ngành bán dẫn chắc chắn là cao, bên cạnh đất nước khác là Ấn Độ. Nói về lợi thế của Việt Nam để thu hút đầu tư của các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu, ông Wade Cruse cho rằng Việt Nam có hệ sinh thái ngành bán dẫn được hình thành rất tốt, có tài năng, kỹ thuật công nghệ, và có cả hệ thống những công ty nhỏ phục vụ cho ngành.
Cần cải thiện nhiều hơn nữa…
Tuy nhiên để thu hút vốn đầu tư và công nghệ từ hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới này, giới phân tích cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.
Đơn cử như đầu tư Nhật Bản, theo JETRO, dù các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá, thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp có thể tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu, nhưng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát cũng lo ngại đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó có thách thức về thủ tục hành chính chưa hiệu quả, chính sách và quy định trong đầu tư nước ngoài chưa hoàn thiện…
Theo JETRO, khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại về việc có nhiều lãng phí về thời gian và chi phí cho các thủ tục kinh doanh và đầu tư mới. JETRO tiếp tục cùng Chính phủ Việt Nam thúc đẩy thực hiện hiệu quả hơn các thủ tục hành chính, cũng như chúng tôi góp phần hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính.
Hay quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra thuận lợi nhưng Việt Nam chưa tận dụng được hết. Những lý do chính dẫn đến tình trạng này được cho là do Việt Nam chưa cung cấp được nguyên phụ liệu, linh kiện đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản. Lãnh đạo JETRO tại TPHCM nhấn mạnh chỉ khi Việt Nam có khả năng cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện ổn định, chất lượng thì mới có thể tận dụng được cơ hội này. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự phát triển của ngành cung ứng phụ tùng tại Việt Nam.
Còn đối với đầu tư Mỹ, dù các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đã tới Việt Nam đầu tư kinh doanh và tạo ra giá trị hàng tỉ đô la Mỹ, nhưng theo nhận định của giới chuyên gia, chừng đó vẫn chưa xứng với tiềm năng.
Giới phân tích cho rằng Việt Nam đang sở hữu cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và tham gia vào thị trường bán dẫn toàn cầu. Để đạt được điều này, Việt Nam phải giải quyết một số trở ngại như: thiết lập chuỗi cung ứng nội địa; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; tài trợ cho nghiên cứu và phát triển và hợp tác với các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, đáng chú ý là cần đào tạo lực lượng lao động lành nghề, chất lượng để có thể tham gia vào ngành.
Doanh nghiệp Mỹ đang tìm nhà cung cấp, nơi đầu tư để tạo nên chuỗi giá trị mới. Việt Nam được đánh giá là một trong những ứng cử viên sáng giá phải nắm bắt cơ hội. Các nhà tư vấn đầu tư khuyến nghị, đối với nhà đầu tư Mỹ, tính minh bạch trong môi trường đầu tư kinh doanh là rất quan trọng, đó là kiểm soát tham nhũng khi xử lý thủ tục hành chính, chi phí phi chính thức phải chấm dứt.
Các chuyên gia tư vấn đầu tư cho rằng, đầu tư FDI luôn đi cùng với chuyển giao công nghệ. Việt Nam muốn tìm kiếm công nghệ nguồn, đặc biệt công nghệ cao, trong khi Mỹ đang nắm các công nghệ này hàng đầu thế giới. Tuy nhiên với các nhà đầu tư FDI công nghệ cao của Mỹ, vấn đề họ rất coi trọng là bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, thương quyền, bản quyền, không có hàng nhái hàng lậu.
Ngoài ra, các tập đoàn lớn của Mỹ đều có chiến lược toàn cầu, thường khi họ bỏ vốn vào đâu là họ nhìn cả một quá trình phát triển để đầu tư. Doanh nghiệp Mỹ không vội vàng, nhất là các nhà đầu tư lớn. Họ muốn môi trường chính sách đủ thuận lợi mới quyết định đầu tư chứ sẽ không rót vốn vào những thị trường rủi ro cao.