Kỳ vọng gì khi nới điều kiện nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng?

Người lao động tại cơ sở giáo dục tư thục sẽ được bổ sung vào nhóm hỗ trợ; Điều kiện cho doanh nghiệp vay trả lương được nới lỏng… song chính sách cần kịp thời và cụ thể hơn...

Điều kiện cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid 19 sẽ được nới lỏng hơn. Ảnh minh họa - Hằng Thu.

Điều kiện cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid 19 sẽ được nới lỏng hơn. Ảnh minh họa - Hằng Thu.

Đó là những đề xuất mới tại tở trình gần đây được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.

GIÁO VIÊN TRƯỜNG TƯ THỤC SẼ ĐƯỢC NHẬN HỖ TRỢ

Tại tờ trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất mở rộng hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp động lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Thời gian hỗ trợ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, tính từ ngày 1/2/2020 và không quá 3 tháng.

Thông tin này khiến người lao động tại các cơ sở giáo dục tư thục rất phấn khởi. Chị Ngô Thị Duyên, giáo viên một trường mầm non tư thục tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, trong đợt dịch đầu tiên, chị là một trong nhiều thầy cô được trường lập danh sách đề nghị nhận hỗ trợ do khó khăn bởi dịch Covid 19, song đến khi nhận được phản hồi thì tất cả đều hụt hẫng vì không một ai thuộc đối tượng được nhận. Thậm chí nhà trường còn hỗ trợ để chị làm hồ sơ về địa phương công chứng nhưng cũng bị trả về vì trường không thuộc diện.

Thu nhập của chồng không ổn định nên cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều, trong khi tiền điện nước, tiền nhà…đều phải chi. Hiện nay, dù công việc đã trở lại bình thường nhưng thu nhập của mọi người đều bị giảm do nhà trường phải tiết kiệm chi phí, bù lỗ trong thời gian nghỉ vì dịch, nên chị Duyên rất mong muốn lần này sẽ được nhận để hỗ trợ phần nào chi phí sinh hoạt.

Do không có thu nhập trong thời gian trường đóng cửa vì dịch, nhiều người phải tìm cách xoay xở để có tiền trang trải cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Yến, giáo viên một trường mầm non tư thục tại Trường Chinh (Hà Nội) cho biết, mới đầu tính xin đi làm công ty nhưng vì các doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động lâu dài, trong khi bản thân không biết một hay hai tuần trường sẽ gọi đi làm trở lại nên lại thôi. Chị đành chuyển qua bán hàng online, dù thu nhập không được nhiều nhưng cũng hỗ trợ thêm chi phí cho gia đình.

Hiệu trưởng một cơ sở mầm non tư thục tại Hà Nội cũng chia sẻ thêm với phóng viên rằng là trường tư nên không có ý kiến gì về chính sách của Nhà nước trong vấn đề hỗ trợ, vì trường tự thu tự chi như các doanh nghiệp.

Nhưng với đề xuất mới của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lần này, mong rằng sẽ được Chính phủ đồng ý để hỗ trợ và động viên tinh thần cho các thầy cô. Tuy nhiên, vị hiệu trưởng cũng mong muốn, nếu được chấp thuận, Nhà nước cũng nên có hướng dẫn cụ thể hơn để các trường tiếp cận nhằm hỗ trợ nhanh chóng cho đời sống nhân viên.

CHÍNH SÁCH PHẢI GẮN VỚI THỰC TIỄN

Đối với gói 16.000 tỷ đồng (nằm trong gói 62.000 tỷ đồng) cho vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, nhưng qua triển khai Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được. Do vậy, Bộ này đề xuất bỏ điều kiện "đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động" và bỏ nội dung "để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc".

Ngoài ra, thời gian lao động ngừng việc được hỗ trợ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12/2020 thay vì đến tháng 6 trước đó. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ cho vay vẫn không quá 3 tháng.

Bên cạnh đó, điều kiện khó khăn về tài chính cũng được sửa đổi theo hướng, người sử dụng lao động có doanh thu quý 1/2020 giảm 20% trở lên so với quý 4/2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019.

Những đề xuất mới của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang khiến các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sớm được Chính phủ chấp thuận, hỗ trợ trong thời điểm khó khăn hiện nay, song cũng bày tỏ băn khoăn với đặc thù của từng ngành nghề. Giám đốc một doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, hoạt động du lịch chưa thể khôi phục như cũ, nhất là thị trường khách quốc tế vẫn gần như đóng băng thì dù doanh nghiệp có vay để trả lương cho người lao động nhưng không biết bao giờ thị trường hồi phục để hoạt động có doanh thu.

Do đó, đại diện doanh nghiệp này mong muốn cùng với việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay trả lương, Nhà nước sẽ nghiên cứu từng bước mở rộng thị trường khách quốc tế đến Việt Nam để tạo điều kiện cứu ngành du lịch. Ngoài ra, có thể dùng chính sách hoàn thuế VAT cho khách du lịch nội địa, hỗ trợ trả góp không lãi suất để kích thích tiêu dùng...

Doanh nghiệp băn khoăn còn người lao động thì rất kỳ vọng lần hỗ trợ này sẽ kịp thời hơn, khắc phục được những bất cập trước đó. Anh Nguyễn Văn Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, chính sách của Nhà nước là rất tốt, nhưng phải làm phải rõ ràng, minh bạch hơn.

"Theo tôi phải tránh việc hỗ trợ Covid 19 như đợt 1 từ gói 62.000 tỷ đồng vừa rồi, đối tượng không rõ ràng, rồi từ bộ, tỉnh, thành phố cũng không có hướng dẫn chi tiết, nên khi xét duyệt hồ sơ toàn bắt đối tượng bổ sung những thủ tục chưa hợp lý. Ví dụ anh xe ôm phải có những hồ sơ như đăng ký xe chính chủ, bảo hiểm, bằng lái và gia đình khó khăn. Người bán hàng ăn sáng nhỏ lẻ thì phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy phép kinh doanh, làm như vậy là đánh đố người dân", anh Tuấn cho biết và mong muốn chính sách hỗ trợ người dân cần thực tế, khách quan và có hướng dẫn chi tiết khi thực hiện.

Khẳng định việc mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng là cần thiết, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, bổ sung thêm nhóm đối tượng còn bỏ sót thể hiện tư duy chính sách cụ thể, sát với thực tiễn hơn.

Việc mở rộng người lao động tại các cơ sở giáo dục tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp là đúng và có tính khả thi vì rất dễ xác định khi thẩm định, phê duyệt hồ sơ.

Tuy nhiên, đối với nhóm doanh nghiệp được vay trả lương ngừng việc cho người lao động, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, dù điều kiện, hồ sơ vay đã đơn giản hơn nhưng có thể nhiều doanh nghiệp vẫn không lựa chọn phương án vay dù không lãi suất vì đây vẫn là khoản nợ mà doanh nghiệp phải trả. Đây vẫn là gánh nặng mà doanh nghiệp phải đối mặt khi xây dựng phương án chuyển đổi hoặc khôi phục sản xuất.

NHẬT DƯƠNG

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/ky-vong-gi-khi-noi-dieu-kien-nhan-ho-tro-tu-goi-62000-ty-dong-20201012131110152.htm