Kỳ vọng gì ở VN-Index trong những tháng cuối năm?
Ngoài sự kiện liên quan đến KRX và triển vọng nâng hạng của thị trường, trong khung thời gian ngắn hạn hơn, trong tháng 9 này, thị trường sẽ đón nhận một sự kiện rất đáng chú ý là Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Việt Nam trong hai ngày 10 và 11-9.
Nhịp hồi phục dài và bền bỉ
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua nhịp hồi phục dài, có thời điểm vượt xa mốc 1.200 điểm kể từ đầu quí 2 đến nay. Nếu tính từ vùng đáy tháng 11-2022 thì sau hơn nửa năm, chỉ số VN-Index đã hồi phục hơn 300 điểm. Sau nhịp tăng dài, thị trường đã có thời điểm vấp phải áp lực chốt lời khá lớn, tuy nhiên chỉ số chính không rơi sâu nhờ dòng tiền bắt đáy được kích hoạt quanh vùng 1.180 điểm.
Nhóm cổ phiếu “tiên phong” dẫn dắt đà tăng của thị trường là cái tên vô cùng quen thuộc – nhóm chứng khoán. Trong nhiều phiên giao dịch, sắc xanh bao phủ trên hầu hết các cổ phiếu nhóm này với mức tăng phổ biến từ 3-4% trở lên, thậm chí nhiều cái tên như HCM, BSI, CTS, FTS còn tăng lên mức giá kịch trần.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu nhóm này đã tăng hàng chục phần trăm, thậm chí có mã đạt mức tăng giá bằng lần. Đa phần những cái tên nổi bật như SSI, VND, VCI, HCM, MBS, SHS, VIX, FTS… đều đã trở lại vùng đỉnh 12-18 tháng.
Không chỉ tăng mạnh về mức giá, cổ phiếu nhóm chứng khoán còn có khối lượng giao dịch rất sôi động, lên tới hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên. Trong đó, đáng chú ý nhất là “bộ đôi” SSI và VND thường xuyên nằm trong tốp đầu thanh khoản toàn thị trường cả về khối lượng và giá trị giao dịch.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ đà tăng của nhóm chứng khoán. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trong tháng 8 đạt gần 19.700 tỉ đồng, tăng gần 18% so với tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 16 tháng trở lại đây.
Bên cạnh đòn bẩy từ dòng vốn margin, không thể phủ nhận một phần dòng tiền từ các kênh đầu tư khác như tiền gửi tiết kiệm đang có xu hướng chảy sang kênh chứng khoán dù con số khó định lượng rõ ràng. Trong môi trường lãi suất thấp, chứng khoán luôn là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất.
Thống kê cho thấy tổng lượng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư (bao gồm 30 công ty chứng khoán lớn nhất về tổng tài sản) đạt khoảng 61.000 đồng vào thời điểm cuối quí 2, tăng nhẹ 3% so với quí trước.
Thêm vào đó là sự đảo chiều trong tốc độ tăng trưởng tài khoản chứng khoán mở mới. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đã tăng lên mức 151.000 tài khoản trong tháng 7-2023, tăng 3% so với tháng 6 và là mức cao nhất tính theo tháng trong vòng một năm trở lại đây.
Trong bối cảnh đó, các công chứng khoán có lợi thế trong mảng khách hàng cá nhân và số hóa sẽ tận dụng tốt cơ hội này. Với hoạt động cho vay ký quỹ nhộn nhịp hơn, mảng dịch vụ tài chính của các công ty chứng khoán sẽ có tiềm năng tăng trưởng và khả năng duy trì spread (chênh lệch giữa lãi suất cho vay ký quỹ và chi phí vốn) tốt hơn.
Kỳ vọng vào hệ thống KRX
Trong những tháng cuối năm 2023, kỳ vọng của các nhà đầu tư đang đổ dồn vào sự kiện được chờ đợi cả thập kỷ qua – đưa hệ thống KRX vào vận hành. KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị TTCK Việt Nam. Năm 2012, HOSE đã ký gói thầu xây dựng hệ thống mới với KRX trị giá 28,6 triệu đô la Mỹ (600 tỉ đồng). Hợp đồng có thời hạn năm năm, kéo dài khoảng 18 tháng.
Tuy vậy, suốt 11 năm qua, HOSE liên tục trễ hẹn về việc đưa hệ thống KRX đi vào hoạt động. Theo kế hoạch của nhà thầu KRX, phía Việt Nam sẽ tổ chức đợt kiểm thử cuối cùng (FAT) trong tháng 11-2023 và dự kiến KRX sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12-2023 để sẵn sàng triển khai. Dự báo sau khi đi vào hoạt động, hệ thống KRX sẽ giúp TTCK Việt Nam nâng cao năng lực với thanh khoản cao hơn, có thể lên đến 4 tỉ đô la Mỹ/phiên giao dịch.
Hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ mang đến các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho TTCK Việt Nam như: giao dịch trong ngày (T+0), bán khống, rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn (option contract)…; từ đó tạo tiền đề giải quyết các nút thắt liên quan đến cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng… nhằm giúp TTCK Việt Nam được nâng hạng từ nhóm thị trường cận biên lên nhóm mới nổi.
Đặc biệt, giao dịch T+0 có thể góp phần thu hút được lượng lớn các nhà đầu tư tham gia khiến vòng quay giao dịch tăng lên nhiều lần và thanh khoản tăng mạnh.
Ngoài sự kiện liên quan đến KRX và triển vọng nâng hạng của thị trường, trong khung thời gian ngắn hạn hơn, trong tháng 9 này, thị trường sẽ đón nhận một sự kiện rất đáng chú ý là Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Việt Nam trong hai ngày 10 và 11-9. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Ở chiều ngược lại, cuộc họp định kỳ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 19 và 20-9 có thể sẽ mang đến những “cơn gió ngược” đối với thị trường tài chính toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng. Theo Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, một điểm không thể phủ nhận là Fed đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt.
Trong khi đó, thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng như Chính phủ rất rõ ràng: lãi suất phải tiếp tục giảm và cung tín dụng tăng. Về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp, quí 1-2023 có thể là quí có kết quả kém nhất, và hiện nay xu hướng đang tích cực. Chu kỳ lợi nhuận một số ngành đang vào khu vực đáy, do đó xét theo tiêu chí P/E có thể sẽ không phản ánh hết được về định giá doanh nghiệp.
Về tổng thể, TTCK Việt Nam đang được đánh giá sẽ còn nhiều tiềm năng tăng trưởng cả trong ngắn và trung hạn. Điều nhà đầu tư nên lưu ý là giữ một tâm lý giao dịch ổn định, quản trị rủi ro danh mục linh hoạt và tập trung vào các mã cổ phiếu được hỗ trợ bởi cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ky-vong-gi-o-vn-index-trong-nhung-thang-cuoi-nam/