Kỳ vọng gì từ kế hoạch dẹp loạn vỉa hè mới của Hà Nội?
Kế hoạch giành lại vỉa hè cho người đi bộ mà Hà Nội vừa ban hành có giải quyết được vấn nạn lấn chiếm vỉa hè tồn tại dai dẳng lâu nay?
3 giai đoạn "đòi lại vỉa hè"
Những ngày này, các quận, huyện của Hà Nội đang đồng loạt triển khai Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm trật tự ATGT, trật tự đô thị và trật tự công cộng năm 2012 mà Ban Chỉ đạo 197 thành phố vừa ban hành.
Điểm nhấn của Kế hoạch số 01 là đặt mục tiêu phát hiện, xử lý 100% hành vi vi phạm trên các lĩnh vực này.
Trong đó, kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép với phương châm "giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ".
Theo Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội, thông qua cuộc tổng kiểm tra, sẽ đánh giá thực trạng tình hình, công tác bảo đảm trật tự ATGT, đô thị, công cộng trên địa bàn; phát hiện những sơ hở, thiếu sót để kịp thời kiến nghị UBND thành phố, các cơ quan hữu quan khắc phục.
Kế hoạch cũng yêu cầu việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT, đô thị, công cộng phải tránh tình trạng ''đánh trống bỏ dùi", "làm đến đâu dứt điểm đến đó".
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Trưởng Ban chỉ đạo 197 quận Cầu Giấy cho biết, quận đã thành lập liên ngành để thực hiện kế hoạch cao điểm này.
Theo đó, kế hoạch cao điểm sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn như chỉ đạo của thành phố, là tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định, ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, trả lại nguyên trạng vỉa hè. Giai đoạn 2 từ ngày 1-31/3, sẽ tổng kiểm tra, xử lý các vi phạm vẫn cố tình tồn tại và giai đoạn 4 từ ngày 1/4-1/11, sẽ tiếp tục tuyên truyền, kiểm tra, chống tái lấn chiếm.
"Chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động, tuyên truyền, giám sát để lập lại trật tự trên vỉa hè", ông Hà cho hay.
Tối 23/2, Ban chỉ đạo 197 phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã ra quân, nhắc nhở, lập biên bản những hộ cố tình vi phạm lấn chiếm vỉa hè trên hàng loạt các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Cót, Phùng Hưng, Gầm Cầu…
Ông Đào Quang Năm, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã cho biết, việc xử lý lấn chiếm vỉa hè vẫn được duy trì suốt những năm qua, và được tăng cường từ đầu năm 2023. Chỉ hơn 1 tháng đầu năm, phường đã phá dỡ hàng trăm bục bệ, mái che, băng rôn vi phạm; lập biên bản xử phạt 12 bãi xe vi phạm...
Ông Nguyễn Mạnh Linh, Chủ tịch phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) thông tin, thời gian qua, phường đã thực hiện chỉ đạo của quận về lập lại trật tự đô thị, trong đó có vỉa hè. Thực hiện Kế hoạch 01, phường sẽ tăng cường phối hợp với các phường lân cận tại khu vực phố cổ để cùng đi xử lý nghiêm vi phạm lấn chiếm vỉa hè, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi".
Để giành lại vỉa hè cho người đi bộ, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay đã yêu cầu phá bỏ hoàn toàn xi măng, gạch xây bịt gốc cây; phá bỏ bục bệ, cầu dắt xe vi phạm trên địa bàn.
Quận dự kiến lập 12 tuyến phố kiểu mẫu với tiêu chí không để phương tiện trên hè phố, không cấp phép để các loại phương tiện, không có xe dừng đỗ trái quy định tại lòng đường, vỉa hè; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh; tuyến phố luôn sạch sẽ, không có rác tồn đọng; biển hiệu, biển quảng cáo, mái hiên, mái che đúng quy định.
Lo ngại lại "đánh trống bỏ dùi"
Nói về kế hoạch lập lại trật tự vỉa hè của Hà Nội, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ đánh giá, đây không phải là lần đầu Hà Nội tuyên chiến với vi phạm vỉa hè, nhưng chưa lần nào thành công.
"Không biết rằng có sự bảo kê ở đây hay không, nhưng với vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, thì kế hoạch lập lại trật tự cần có những giải pháp hợp lý, tổng quan về mọi mặt như xã hội, giao thông", ông Cừ nêu quan điểm.
Dẫn câu chuyện có rất nhiều người dân mưu sinh ở vỉa hè, cả gia đình trông vào nguồn thu vỉa hè, ông Cừ cho rằng, nếu kế hoạch lập lại trật tự vỉa hè chỉ có tuyên truyền, xử lý vi phạm thì chưa đủ, mà cần tính đến việc giúp đỡ, hỗ trợ người dân mưu sinh.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng: "Vấn đề dẹp vỉa hè đã quá cũ và bàn đi bàn lại bao nhiêu lần, "quyết" đập cả bục rồi thu dọn vỉa hè nhưng đâu lại nguyên đó. Vỉa hè Thủ đô đến nay vẫn nhếch nhác và bị chiếm dụng gần như toàn bộ".
Theo ông Nghiêm, để có thể xử lý vi phạm vỉa hè, thì thành phố không chỉ cần có kế hoạch xử lý nghiêm vi phạm, mà cần có quy định về trách nhiệm cá nhân khi để vi phạm này tái diễn.
"Đừng để quyết tâm chỉ ở trên bàn giấy. Chính quyền nói "quyết" nhưng quan trọng vẫn là "tâm" các anh để đâu trong vai trò trách nhiệm Đảng, Nhà nước giao cho các anh?", ông Nghiêm nêu vấn đề.
Cho rằng việc buông lỏng quản lý vỉa hè lâu năm, để người dân và cả các tổ chức sử dụng vỉa hè sai mục đích quá lâu, thậm chí trở thành thói quen đô thị, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, Hà Nội phải rút kinh nghiệm từ việc đã ra quân mười mấy năm nay để lập lại trật tự vỉa hè.
"Vỉa hè Hà Nội và các đô thị lớn cần một kế hoạch tổng thể, không chỉ tuyên truyền, xử lý là xong. Dẹp lấn chiếm vỉa hè phải đồng bộ với các giải pháp kinh tế - xã hội khác như hỗ trợ sinh kế người dân, quản lý các khu chợ để giá thuê kiot không cao sẽ thu hút người dân vào buôn bán. Sau đó, là sự kiên trì, bền bỉ giám sát để không cho vi phạm tái diễn", ông Thủy cho hay.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết, nhiều năm qua, qua không ít đời Chủ tịch UBND, nhưng thực tế cho thấy, Hà Nội vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề vỉa hè bị lấn chiếm.
"Để bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo lập lại trật tự vỉa hè cần phải có kế hoạch, cách làm bài bản, xuyên suốt, chứ không phải hô hào ra quân vài hôm rồi đâu lại vào đó. Hơn nữa, cần gắn trách nhiệm, nếu địa phương nào để tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng nhiều thì cần xử lý nghiêm cán bộ có trách nhiệm về việc này", ông Hòa nói.