Kỳ vọng giảm nhiệt căng thẳng lương thực
Các chủ nhà hàng tại Malaysia đang xem xét tăng giá các món cơm khi giá gạo nhập khẩu tăng 36%, theo báo The Star.
Do tác động của biến đổi khí hậu lẫn xung đột trên thế giới, giá gạo trắng ở nước này đã tăng vọt từ 2.350 ringgit/tấn lên 3.200 ringgit/tấn chỉ trong thời gian ngắn, chưa kể một số mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng như gà, thịt đỏ, các loại rau...
Không riêng Malaysia, giá gạo cũng tăng 20% ở một số quốc gia xuất khẩu gạo chủ chốt khác như Thái Lan và Việt Nam.
Điều này xảy ra sau khi Ấn Độ - nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới - bắt đầu cấm xuất khẩu nhiều loại gạo kể từ tháng 7, thắt chặt nguồn cung toàn cầu. Trong khi đó, Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia đồng thời cảnh báo El Nino sẽ khiến sản lượng gạo trong nước sụt giảm khoảng 5%.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, mới đây Bộ trưởng Bộ Lương thực Ấn Độ Sanjeev Chopra cho biết nước này dự báo có mưa trên diện rộng vào tháng 9, nhờ đó có thể bù đắp cho tháng 8 khô hạn nhất trong hơn 100 năm qua.
Nhờ có nguồn dự trữ ngũ cốc dồi dào và một vụ lúa mới phía trước, cũng như các biện pháp hạn chế xuất khẩu đã phát huy tác dụng, tình hình an ninh lương thực của Ấn Độ hiện không đáng lo ngại.
Dự trữ gạo và lúa mì của chính phủ đủ cung ứng các chương trình phúc lợi và sẽ còn tăng từ việc thu mua gạo trong vụ 2023 - 2024. "Tính đến thời điểm hiện tại, không có đề xuất nào về việc hạn chế xuất khẩu thêm nữa" - ông Chopra cho biết.
Cuộc gặp trong ngày 4-9 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại khu nghỉ mát Sochi của Nga cũng được kỳ vọng sẽ giảm nhiệt hơn nữa cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Ông Erdogan thuyết phục ông Putin quay trở lại Sáng kiến ngũ cốc biển Đen - thỏa thuận đưa ngũ cốc Ukraine ra thị trường thế giới bất chấp xung đột. Đáp lời, ông Putin cho biết Nga chỉ quay lại thỏa thuận ngũ cốc nếu phương Tây thực hiện một bản ghi nhớ riêng đã được thống nhất với Liên Hiệp Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Nga xuất khẩu thực phẩm và phân bón.