Kỳ vọng hạ nhiệt căng thẳng Nga - Ukraine

Nga cảnh báo các biện pháp đáp trả sẽ diễn ra nhanh chóng và nhằm vào những lĩnh vực nhạy cảm nhất của phương Tây

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba dự kiến hội đàm tại Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 10-3. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24-2.

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 9-3 xác nhận ông Lavrov sẽ tham dự diễn đàn ngoại giao quốc tế ở TP Antalya - Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc gặp giữa ông với người đồng cấp Kuleba sẽ diễn ra ở đó.

Cuộc họp do Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đề xuất và diễn ra với sự tham dự của ba bên gồm Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine cho đến nay vẫn gặp nhiều thách thức và chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào. Nỗ lực ngoại giao con thoi của ông Lavrov diễn ra sau khi Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu từ Nga nhằm trừng phạt việc Nga tấn công Ukraine.

Cuộc xung đột tại Ukraine đã nhanh chóng đẩy kinh tế Nga vào thế vô cùng khó khăn. Theo hãng tin Reuters, các công ty phương Tây hầu hết đã rút khỏi thị trường Nga. Đáp lại, Nga hôm 9-3 tuyên bố đang lên kế hoạch trả đũa quy mô lớn các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga cảnh báo các biện pháp của họ sẽ diễn ra nhanh chóng và nhằm vào các lĩnh vực nhạy cảm nhất của phương Tây.

Người dân sơ tán khỏi làng Romanivka - Ukraine hôm 9-3. Ảnh: REUTERS

Người dân sơ tán khỏi làng Romanivka - Ukraine hôm 9-3. Ảnh: REUTERS

Nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với áp lực lớn chưa từng có kể từ năm 1991, thời điểm Liên bang Xô viết không còn tồn tại, khi phương Tây áp lệnh trừng phạt vào hệ thống tài chính và doanh nghiệp của Moscow.

Động thái của phương Tây nhằm gây sức ép buộc Nga dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine. Trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các bên "kiềm chế tối đa" về vấn đề Ukraine, đồng thời cảnh báo các lệnh trừng phạt sẽ làm chậm đà phát triển của nền kinh tế thế giới.

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine không còn quá mặn mà với việc gia nhập NATO và nhấn mạnh bản thân không muốn trở thành tổng thống của một nước "phải quỳ gối cầu xin điều gì đó".

Nga từ lâu xem xu hướng mở rộng về phía Đông của NATO là mối đe dọa an ninh và việc nước láng giềng Ukraine gia nhập liên minh quân sự này là lằn ranh đỏ.

Ngay trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập đối với hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine là Donetsk và Lugansk. Hiện ông Putin cũng muốn Ukraine công nhận hai khu vực này. Khi được hỏi về yêu cầu này, Tổng thống Zelensky cho biết ông sẵn sàng đối thoại.

Liên quan đến diễn biến căng thẳng tại Ukraine, Nga tuyên bố thiết lập hành lang nhân đạo hôm 9-3 cho phép người dân rời khỏi thủ đô Kiev và 4 thành phố khác tại Ukraine gồm Chernihiv, Sumy, Kharkiv và Mariupol.

Phía Ukraine cho biết họ cũng đồng ý ngừng bắn trong thời gian thỏa thuận là 12 giờ để người dân thoát khỏi các thành phố bị bao vây qua 6 hành lang nhân đạo và kêu gọi các lực lượng Nga thực hiện cam kết ngừng bắn tại địa phương.

Cùng ngày, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho biết số người sơ tán khỏi Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt đã lên đến khoảng 2,1-2,2 triệu người.

Rủi ro suy thoái gia tăng

Trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC hôm 9-3, giới chuyên gia cảnh báo lệnh cấm vận dầu Nga của Mỹ có thể khiến giá dầu và thực phẩm tiếp tục tăng mạnh.

Nếu Nga đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách ngừng cung cấp dầu cho châu Âu, giá dầu có thể dễ dàng tăng thêm 20-30 USD/thùng, Chủ tịch Andy Lipow của Hiệp hội Dầu Lipow (Mỹ) cảnh báo. Trước đây, Moscow từng đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu nếu các nước phương Tây nhắm trực tiếp vào lĩnh vực năng lượng của họ.

"Giá dầu đang tăng nhanh đến mức có thể gây ra suy thoái ở châu Âu, châu Mỹ Latin và kể cả Mỹ. Làn sóng suy thoái này cuối cùng sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng bán hàng tiêu dùng của Trung Quốc cho phần còn lại của thế giới" - ông Lipow nói.

Trong trường hợp tồi tệ nhất, khi tất cả các nước tiêu thụ lớn đồng loạt ngừng nhập khẩu năng lượng Nga, chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu có thể bị gián đoạn nghiêm trọng, khiến giá cả tăng lên những mốc cao chưa từng thấy, nhà phân tích Caroline Bain của Công ty Capital Economics (Anh) khẳng định.

Khi đó, theo chuyên gia Bain, các nền kinh tế phát triển sẽ kết thúc năm 2022 với mức lạm phát khoảng 5% - thay vì 2,4% như bà và các đồng nghiệp dự đoán trước khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra. "Cùng với mức giảm chi tiêu của các hộ gia đình, việc cắt điện luân phiên ở châu Âu có thể đẩy khu vực đồng tiền chung châu Âu vào suy thoái" - vị này cho biết thêm.

C.Lực

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ky-vong-ha-nhiet-cang-thang-nga-ukraine-2022030920202868.htm