Kỳ vọng Hà Nội sẽ bước sang 'kỷ nguyên mới'
Sáng 28/6/2024, với 462/470 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (chiếm 95,06% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Việc Quốc hội xem xét và thông qua Luật Thủ đô với tỷ lệ rất cao có ý nghĩa lịch sử, tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Luật Thủ đô 2024
Cảm xúc không thể quên
Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Thời khắc đó, tất cả đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cùng chung một cảm xúc “có lẽ là không bao giờ quên được” vì đã có những đóng góp dù nhỏ bé cho chặng đường gần hai năm từ khi xây dựng để đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh cho đến khi thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 – là lời chia sẻ của biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội ngay sau khi Luật được thông qua.
“Những cảm xúc này thì được rất nhiều các đại biểu Quốc hội trong các đoàn tỉnh, TP cùng chung vui, qua đó cũng thấy được trách nhiệm và niềm tin yêu của đại biểu các đoàn với Thủ đô. Chúng tôi cũng thực sự rất xúc động” – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết.
Theo bà Phạm Thị Thanh Mai, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ có giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng. Cùng với hai quy hoạch của Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt trong thời gian tới sẽ tạo một khuôn khổ giá trị cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cho Thủ đô Hà Nội triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chính sách và những đột phá mới, tư duy tầm nhìn mới để đáp ứng được yêu cầu, trọng trách mà Đảng, Nhà nước cũng như Nhân dân cả nước đã tin tưởng giao phó.
Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Mai, để xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại theo đúng kết luận Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2045, với 9 nhóm chính sách đột phá, những tư duy mới thì cũng phải có những cách làm mới.
Theo đại biểu, trung tâm thụ hưởng các thành quả này chính là Nhân dân của Thủ đô cũng như của cả nước và Hà Nội luôn vì cả nước cùng cả nước để phát triển đất nước ngày càng hùng cường. Đây là trọng trách rất lớn lao và là trách nhiệm của Thủ đô, của lãnh đạo Hà Nội.
Tuy nhiên, nữ đại biểu tin tưởng rằng với những chính sách mới, tư duy tầm nhìn mới, Hà Nội sẽ xứng tầm để phát triển trong thời gian tới đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.
Hà Nội chủ động triển khai Luật Thủ đô 2024
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), TP Hà Nội đã chủ động ban hành Kế hoạch 225/KH-UBND ngày 22/7 về triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đây là đạo luật rất quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội, quy định rõ hơn về vị trí, vai trò của Thủ đô và những cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng, quản lý và bảo vệ Thủ đô; qua đó tạo thể chế thuận lợi, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" theo Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản để chỉ đạo triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thi hành Luật. Cụ thể, TP Hà Nội đã chủ động xây dựng Kế hoạch riêng về công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô, phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền, tài liệu tập huấn để triển khai đến các cấp, ngành, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức, DN, cán bộ, Nhân dân của Thủ đô. Cùng với đó, Hà Nội đã tích cực triển khai các công việc để thi hành Luật Thủ đô, đưa các quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương Chính phủ, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch chi tiết cho việc triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024. Các cơ quan, đơn vị đều đang hết sức nỗ lực, cố gắng chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết để bảo đảm kịp ban hành đúng thời hạn làm cơ sở cho việc thực hiện Luật.
Để Luật Thủ đô 2024 sớm đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời các quy định của Luật Thủ đô 2024 đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các DN và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của TP cũng như Nhân dân hiểu rõ và nắm vững quy định của Luật này đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật; đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc triển khai, thi hành Luật đảm bảo đồng bộ, kịp thời, hiệu quả theo đúng kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP.
Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Thủ đô 2024 cho công chức, viên chức, người dân tại các địa bàn.
Để Luật Thủ đô 2024 đến với mọi nhà
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, thực hiện Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô; Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 22/8/2024 của UBND TP Hà Nội về việc tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND huyện Ba Vì đã ban hành Kế hoạch số 360/KH-UBND và 361/KH-UBND về việc tuyên truyền, phổ biến và tập huấn, triển khai Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo ông Nguyễn Đức Anh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính Quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Phát triển Thủ đô Hà Nội là nhiệm vị chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 là bệ phóng và là “cơ hội vàng” tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển lên tầm cao mới. Việc tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện. Đồng thời, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trong triển khai thực hiện pháp luật nói chung và Luật Thủ đô nói riêng.
Huyện đã giao Phòng Tư pháp – Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện có trách nhiệm tham mưu xây dựng chương trình công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô trên địa bàn. Các phòng, ban, UBND xã, thị trấn chủ động phối hợp với phòng Tư pháp triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đến cán bộ công chức thuộc đơn vị mình bằng các hình thức phù hợp như: tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô tại UBND huyện và 31 xã, thị trấn.
Còn theo Trưởng Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ Nguyễn Thị Kim Anh, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn huyện Chương Mỹ năm 2024. Trong đó, huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua và văn bản hướng dẫn triển khai thi hành.
Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 22/8/2024 của UBND TP, huyện Chương Mỹ cũng ban hành văn bản hướng dẫn lồng ghép cùng các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Các xã, thị trấn sẽ thực hiện thường xuyên, liên tục trong cả năm và đặc biệt tập trung vào hai tháng cao điểm là tháng 10 và tháng 11.
“Việc áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền các nội dung trong Luật Thủ đô sẽ góp phần quan trọng, đưa chính sách pháp luật và cuộc sống, quá trình xây dựng chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách. Từ đó, thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội” – theo bà Nguyễn Thị Kim Anh.
Ông Hồ Xuân Anh, Phó Trưởng thôn Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ cho biết, anh đã biết đến Luật Thủ đô qua tivi, báo điện tử và loa truyền thanh tại địa phương. “Tôi thấy Luật Thủ đô 2024 có nhiều chính sách đặc thù, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thủ đô. Đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề, cơ sở để TP Hà Nội có thể chủ động hoàn thiện bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù được giao” – ông Hồ Xuân Anh chia sẻ.
Ông Hồ Xuân Anh hi vọng, Luật sau khi được triển khai, Luật sẽ góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế phát sinh trong thực tiễn, tạo cơ sở xây dựng, phát triển Thủ đô. Góp phần đưa Thủ đô ngày càng phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa…
"Khối lượng công việc cần triển khai thực hiện là rất lớn và phức tạp, do Luật Thủ đô có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, nhiều quy định mới so với hệ thống pháp luật hiện hành. Từ đó yêu cầu đặt ra là các cấp, ngành, mỗi cán bộ, công chức của TP phải nắm vững tư tưởng, quan điểm, tinh thần của Luật Thủ đô; hiểu rõ được các quy định cụ thể cũng như mối quan hệ giữa các quy định của Luật Thủ đô trong tổng thể chung của hệ thống pháp luật"