Kỳ vọng lời hứa trở thành hiện thực để nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững
21 lượt đại biểu phát biểu, 7 lượt đại biểu tranh luận, tái chất vấn về nguyên nhân chậm trễ trong thực hiện chính sách nông nghiệp đã được thành viên UBND thành phố và các đơn vị trả lời rõ và đề ra được lộ trình khắc phục để nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.
Phiên chất vấn của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố diễn ra sáng 12-5 được đánh giá đúng, trúng vấn đề, thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Chất vấn những hạn chế về quy hoạch
Với trách nhiệm trước cử tri, các đại biểu: Nguyễn Minh Tuân (Tổ Phú Xuyên), Hoàng Thị Thúy Hằng (Tổ Đống Đa), Đàm Văn Huân (Tổ Thanh Xuân), Trần Khánh Hưng (Tổ Ba Vì) đặt vấn đề, tháng 6-2019, UBND thành phố ban hành quy hoạch về vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng đến nay vẫn chậm. Các đại biểu đề nghị làm rõ việc triển khai đầu tư xây dựng mạng lưới chợ đầu mối, chợ nông thôn, các cơ sở chế biến nông sản nhằm tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo thị trường đầu ra ổn định.
Các đại biểu cũng nêu câu hỏi, từ năm 2012 đến nay, thành phố có thêm bao nhiêu chợ đầu mối tiêu thụ nông sản được đầu tư xây dựng; bao nhiêu cơ sở chế biến nông sản tập trung được đầu tư để góp phần giải bài toán được mùa, mất giá. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố đã có 2 khu gồm: Hoa Lâm Viên (Gia Lâm) được quy hoạch 1/500 và Khu công nghệ cao Yên Nghĩa (Hà Đông) đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch từ năm 2015, nhưng đến nay chưa được triển khai theo tiến độ. Trong khi đó, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai được triển khai dự án giết mổ tập trung với mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng ngân sách thành phố, song cơ quan báo chí phản ánh, 9 năm trôi qua, khu này chưa được khai thác sử dụng, dân thiếu đất sản xuất, gây ô nhiễm môi trường...
Với trách nhiệm ngành phụ trách, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, triển khai Quyết định số 3215/QĐ-UBND của UBND thành phố, đến nay, Hà Nội đã có 149 chuỗi liên kết, 200 vùng sản xuất lúa tập trung. Tuy nhiên, kết quả này chưa được như mong muốn vì chưa thu hút được người dân sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung. Cách đây hơn một tháng, Sở đã có có văn bản gửi các huyện, thị xã để rà soát, đề xuất, tham mưu chính sách để triển khai hiệu quả hơn.
Làm rõ thêm, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ, toàn thành phố có 595 chợ, trong đó có 7 chợ đầu mối (Gia Lâm, Quốc Oai, Phú Xuyên, Ba Vì, Mê Linh). Đến nay, chợ Thạch Thán (Quốc Oai) đã có nhà đầu tư, đang trong quá trình nghiên cứu trình các cấp; còn các chợ đầu mối ở Phú Xuyên và Ba Vì đang nghiên cứu và thực hiện quy hoạch; từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ thúc đẩy đầu tư các chợ theo kế hoạch.
Về chợ nông thôn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương thông tin, toàn thành phố có 308 chợ, trong những năm qua, không áp dụng cơ chế đầu tư công vào chợ nên nhiều chợ nông thôn bị xuống cấp. Vừa qua, thành phố chỉ đạo đưa vào danh mục đầu tư công từ nay đến năm 2025, xây dựng mới 141 chợ, trong đó năm 2023 là 21 chợ; đồng thời, thành phố cũng xác định đẩy mạnh xã hội hóa để giảm bớt đầu tư công.
“Sở Công Thương mong muốn thành phố quan tâm chỉ đạo tập trung rà soát đầu tư công, để xây dựng chợ đầu mối. Thu hút các sản phẩm của các tỉnh, thành phố; rà soát lại các cơ chế, chính sách sát với thực tiễn, giảm thủ tục rườm rà để thực hiện nhanh, đúng tiến độ”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Về dự án giết mổ tập trung tại xã Bình Minh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, khu giết mổ này có vốn đầu tư 111 tỷ đồng với 4,2 ha và đã xây dựng xong hạ tầng, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể hoạt động do chưa có nhà đầu tư.
Ông Lê Văn Sáng thừa nhận, hiệu quả dự án chưa thành công và đến nay, huyện cũng vẫn "loay hoay". Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai đề nghị, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình thành phố phê duyệt phương án đấu giá đất để UBND huyện trình thành phố phê duyệt giá thuê đất trong khu dự án.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, với các dự án đã được duyệt, chủ trương thành phố là thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch, làm hạ tầng để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, trong quá trình thực hiện chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
Yêu cầu thanh tra việc xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp
Các đại biểu: Vũ Ngọc Anh (Tổ Bắc Từ Liêm), Trần Hợp Dũng (Tổ Thanh Trì), Nguyễn Ngọc Việt (Tổ Mỹ Đức)... quan tâm đến vấn đề vi phạm trên đất nông nghiệp; việc sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, hiệu suất chưa cao do chưa có hướng dẫn việc xây dựng nhà kính, nhà màng, chuồng trại chăn nuôi, khu vực sơ chế sản phẩm nông nghiệp...
Trả lời câu hỏi về vi phạm trên đất nông nghiệp bãi bồi ven sông, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, quận có vùng bãi 1.224ha, đất nông nghiệp 883ha, đất bãi bồi ven sông 341ha. Khu vực vùng bãi có 8 phường liên quan, hiện nay quận đã quy hoạch đầy đủ và được phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch này, quận chủ động rà soát, đề xuất Thành ủy, UBND thành phố triển khai, quản lý, khai thác hiệu quả. Thành ủy đã thống nhất chỉ đạo triển khai thực hiện, quận đang kết hợp các sở, ngành, UBND thành phố triển khai các giải pháp.
Với phản ánh một số địa bàn đã chuyển đổi vùng bãi, quá trình triển khai chưa triệt để, còn vi phạm diện tích sử dụng chưa đúng mục đích, quận đã tập trung tháo dỡ công trình vi phạm, quyết tâm không để vi phạm mới phát sinh; lập đề án, phương án quản lý khai thác đất vùng bãi. Mong rằng tới đây, chính sách phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch được HĐND, UBND thành phố có hướng dẫn cụ thể; các sở, ngành cho ý kiến.
Về vi phạm trên đất nông nghiệp tại huyện Phúc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, 3 năm qua, huyện đã nghiêm túc và cầu thị trong việc xử lý vi phạm tồn tại trước đây. Năm 2022, huyện đã xử lý hơn 300 trường hợp vi phạm, tuyên truyền, thuyết phục nên chỉ có 2 vụ phải cưỡng chế. Phúc Thọ không có tái vi phạm, tồn tại vi phạm trên lĩnh vực đất nông nghiệp.
Liên quan đến chất vấn dự án hoa cây cảnh biến tướng thành vùng sinh thái xã Hiệp Thuận, nằm ở bờ Hữu sông đáy, lãnh đạo huyện cho biết, do diện tích này khó canh tác, thường bị bỏ hoang nên xã đã lập tờ trình xin ý kiến huyện phê duyệt làm vùng hoa cây cảnh. Quá trình trồng hoa, cây cảnh, nhân dân đến chụp ảnh nhiều, chủ đầu tư xây dựng cột để phục vụ chụp ảnh, huyện đã lập biên bản xử lý.
Thông tin làm rõ thêm, các vi phạm liên quan đất nông nghiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo xử lý vi phạm, đã tổng thanh tra và phát hiện hơn 800 nghìn trường hợp vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền thừa nhận, việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp chưa phát huy hiệu quả, nhiều vướng mắc. UBND thành phố tiếp thu, sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương hoàn thiện cơ chế chính sách. Để có quy định chính thức, tháng 7-2023, UBND thành phố sẽ hoàn thiện chính sách trình HĐND thành phố thông qua. Sau khi được thông qua, sẽ triển khai thực hiện để phát triển nông nghiệp, trong đó có đầu tư nhà màng, nhà lưới.
Không đồng tình với cách trả lời của lãnh đạo huyện Phúc Thọ trong việc kiểm tra xây dựng trái phép tại dự án trồng hoa xã Hiệp Thuận, Chủ tọa phiên chất vấn đã yêu cầu UBND thành phố tổ chức đoàn thanh tra của thành phố trong tháng 5-2023. Thành phần đoàn thanh tra có đại diện HĐND thành phố, vì hình ảnh ghi nhận và báo cáo của UBND huyện Phúc Thọ chưa rõ.
Rà soát, xây dựng đầy đủ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp
Về thực hiện chính sách còn nhiều bất cập, các đại biểu: Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ Quốc Oai), Phạm Thị Thanh Hương (Tổ Ứng Hòa), Nguyễn Thanh Bình (Tổ Tây Hồ), Lâm Thị Quỳnh Dao (Tổ Nam Từ Liêm)… nêu câu hỏi, hiện nay, thành phố chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về khuyến công, trách nhiệm và giải pháp khắc phục như thế nào? Các chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp có dự án nông nghiệp được triển khai ra sao...
Trả lời về danh mục ưu đãi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, thành phố đã có 16 danh mục, trong đó có 6 danh mục giết mổ, nhưng rất khó thu hút doanh nghiệp tham gia. Sở đã tham mưu UBND thành phố đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 57, danh mục đầu tư khuyến khích không thực hiện được cũng nên bỏ. Thời gian tới, Sở tiếp tục xây dựng danh mục đầu tư có tính khả thi cao để cập nhật theo các quy định.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cũng thừa nhận, thời gian qua, việc tuyên truyền về thực hiện chính sách nông nghiệp chưa tốt. Thời gian tới, Sở sẽ tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng thụ hưởng chính sách qua hội nông dân, các hợp tác xã…
Phát biểu tiếp thu tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, các vấn đề được nêu tại phiên chất vấn đều đúng và trúng, được cử tri quan tâm. Qua đó, đại biểu và các thành viên UBND thành phố đã cùng chỉ rõ các tồn tại, hạn chế để UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện nhận diện rõ vấn đề, có giải pháp giải quyết triệt để.
Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết thêm, kết quả phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội thời gian qua đã đạt những thành tựu cơ bản; thành phố lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, ban hành hàng loạt chính sách, cơ chế thực hiện. Cả hệ thống chính trị có sự quan tâm đầy đủ, kịp thời với lĩnh vực này. Phiên chất vấn đã thể hiện, nêu rõ những tâm tư, nguyện vọng của nông dân, cử tri với lĩnh vực nông nghiệp.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tỷ trọng nông nghiệp lớn. Trong năm 2023, thành phố quyết tâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới với tất cả các huyện. Dù vậy, Chủ tịch UBND thành phố cũng thẳng thắn chỉ rõ, nông nghiệp ở Hà Nội chưa phát triển được như mong muốn, công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm...
Đối với các vướng mắc về xây dựng trên đất nông nghiệp do vướng quy định luật và đang được sửa đổi, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, việc xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp cần có cái nhìn toàn cảnh, toàn diện. Về các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị rà soát kỹ càng, xây dựng đầy đủ, sớm trình HĐND thành phố xem xét.
Sẽ theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện
Sau một buổi sáng làm việc trách nhiệm, phiên chất vấn đã thành công. Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đã có 21 lượt đại biểu phát biểu, trong đó có 7 lượt đại biểu tranh luận, tái chất vấn.
Các thành viên UBND thành phố, lãnh đạo địa phương tham gia trả lời chất vấn cơ bản nắm chắc nội dung, giải trình cụ thể, báo cáo, làm rõ những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc và đưa ra các giải pháp, lộ trình khắc phục. Thường trực HĐND thành phố tán thành với các giải pháp, cam kết của các đồng chí tại phiên chất vấn. Kết quả phiên chất vấn đã cho thấy các vấn đề được Thường trực HĐND thành phố lựa chọn là “đúng và trúng”, thiết thực, phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố, được cử tri, nhân dân rất quan tâm.
Căn cứ kết quả phiên chất vấn, Thường trực HĐND thành phố sẽ ban hành Kết luận về chất vấn làm căn cứ để tổ chức thực hiện, đồng thời phân công các ban HĐND thành phố theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện.