Kỳ vọng lớn sau hợp nhất Bộ GTVT và Bộ Xây dựng
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Bộ Xây dựng mới được hình thành trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng (cũ) và Bộ GTVT.

Ông Trần Hồng Minh được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm, Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Báo Giao thông ghi nhận các ý kiến của cán bộ công nhân viên chức ngành giao thông và xây dựng trước sự kiện quan trọng này.
Ông Ngô Thịnh Đức, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT: Việc hợp nhất thể hiện đúng tiến trình đổi mới
Việc hình thành Bộ Xây dựng (mới) thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ. Với tiến trình đổi mới này, tôi tin tưởng hiệu quả sẽ rất rõ ràng.

Ông Ngô Thịnh Đức, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT.
Thứ nhất, Bộ Xây dựng trước đây quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng, còn Bộ GTVT chỉ quản lý đối với các dự án, công trình giao thông, có nhiều định mức, đơn giá, chính sách quản lý đầu tư xây dựng Bộ GTVT cần thỏa thuận với Bộ Xây dựng. Việc hợp nhất giúp thống nhất được về các nội dung này.
Thứ hai, trước đây Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chủ yếu do Bộ Xây dựng chủ trì, công tác nghiệm thu sẽ phải đến công trình chỉ ra các vấn đề mà Bộ GTVT cần thực hiện.
Hiện nay, công tác nghiệm thu công trình do một Bộ chủ trì nên với các công trình hạ tầng giao thông, Bộ sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ và các nội dung khác. Thời gian thủ tục được rút ngắn, không còn tình trạng "lỗi của anh, lỗi của tôi" mà giờ là "chúng ta phải làm như thế này".
Thứ ba, hai Bộ hợp nhất cũng sẽ tránh được tình trạng Bộ này phải gửi văn bản báo cáo, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ kia thực hiện trước những vướng mắc thủ tục về tiến độ, kỹ thuật hay quan hệ với địa phương.
Đặc biệt, trong sử dụng vật liệu xây dựng các công trình giao thông, trước đây, Bộ GTVT phải xin ý kiến Bộ Xây dựng về sử dụng các vật liệu mới, nay đã thống nhất về một mối nên rất thuận lợi.
Việc hợp nhất các Bộ rút gọn đầu mối nên thuận lợi cho thủ tục đầu tư các dự án. Như chủ trương đầu tư dự án, trước đây phải thống nhất giữa các Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, nay chỉ cần thống nhất giữa hai Bộ Xây dựng (mới) và Bộ Tài chính (mới).
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng: Tăng tính đồng bộ giữa hạ tầng giao thông và đô thị

PGS.TS Trần Chủng.
Từng gắn bó với nhiều công trình giao thông đặc biệt ở giai đoạn phát triển mạnh nhất, nhanh nhất của ngành Giao thông, từ cầu dây văng đầu tiên, khẩu độ lớn như cầu Mỹ Thuận, hầm xuyên núi đầu tiên như hầm Hải Vân, cao tốc đầu tiên (TP.HCM - Trung Lương), tôi cho rằng, việc hợp nhất Bộ GTVT và Bộ Xây dựng rất đúng và trúng.
Hạ tầng giao thông và phát triển đô thị vốn có mối liên hệ chặt chẽ. Công trình hạ tầng đến đâu đô thị, nhà ở khu công nghiệp, hệ thống logistics, trung tâm thương mại… phát triển tới đó.
Nói cách khác, sự hợp nhất hai bộ sẽ tăng tính đồng bộ giữa phát triển hệ thống hạ tầng giao thông với phát triển đô thị. Như mô hình TOD, triết lý của nó chính là phát triển mô hình đô thị theo giao thông.
Cũng cần nhìn nhận, sau hợp nhất, sẽ có những thách thức với công tác quản lý nhà nước.
Một trong số đó là yêu cầu cấp thiết hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Công tác này đòi hỏi phải xây dựng được cơ quan chuyên môn, đội ngũ nhân lực đủ trình độ, năng lực, sự hiểu biết hệ thống pháp luật nói chung để đề xuất được những cơ chế, chính sách vừa thúc đẩy được lĩnh vực xây dựng hạ tầng phát triển, vừa tránh được sự chồng chéo với các quy định khác.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển thần tốc như hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trở nên lạc hậu cần nghiên cứu, thay đổi.
Ông Vũ Phạm Chánh, nguyên Chánh Văn phòng Bộ GTVT: Hợp nhất góp phần rút gọn quy trình, thủ tục
Tôi cho rằng, việc tổ chức lại các cơ quan của Chính phủ cho phù hợp thực tế là điều phải làm, thời nào cũng nên làm. Như Bộ GTVT ban đầu thành lập có tên là Bộ Giao thông công chính, sau đó là Bộ GTVT và Bưu điện, rồi tách Tổng cục Bưu điện ra thành Bộ GTVT.

Nguyên Chánh Văn phòng Bộ GTVT Vũ Phạm Chánh.
Thời kỳ đó, ở các địa phương đều có các Ty Giao thông, có lúc là Sở Giao thông công chính và sau đó trở thành Sở GTVT. Có thể nói, việc "tách và nhập" là theo nhu cầu điều hành của từng thời kỳ.
Bộ GTVT quản lý các ngành vận tải tổng hợp, hoạt động theo đặc trưng của ngành, trong các lĩnh vực Bộ GTVT quản lý, khối lượng xây dựng rất lớn. Bộ GTVT hợp nhất với Bộ Xây dựng sẽ góp phần làm giảm những quy trình, thủ tục trùng lặp không cần thiết.
Ví dụ, trong thi công xây dựng công trình giao thông, có những định mức về lao động và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan. Hiện nay, các định mức này được ban hành bằng Thông tư. Trong đó, ngành giao thông xây dựng định mức, lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, các bên liên quan rồi mới ban hành. Khi hợp nhất hai Bộ, các quy trình thủ tục có thể sẽ được rút gọn.
Trong công cuộc tinh gọn bộ máy này, tôi kỳ vọng sẽ mang tới nhiều đổi mới cho công tác quản lý, phát triển kinh tế. Chỉ lưu ý rằng, việc hợp nhất phải thực sự hòa nhập làm một chứ không phải sáp nhập cơ học. Có như vậy, cuộc "cách mạng" mới thành công.
Anh Nguyễn Giao Linh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ GTVT: Xung kích với khí thế mới, bước tiến mới

Bí thư Đoàn TNCS HCM Bộ GTVT Nguyễn Giao Linh.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá: Việc hợp nhất hai Bộ sẽ đồng bộ được vấn đề giao thông với xây dựng đô thị và nông thôn.
Vai trò lớn, trách nhiệm cũng hết sức nặng nề. Song, thế hệ thanh niên ngành GTVT tin tưởng với sự định hướng, lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự quan tâm của Quốc hội, Bộ Xây dựng sẽ có những bước phát triển mới, đột phá mới trên chặng đường mới, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
Trước mắt là cụ thể hóa chiến lược đột phá kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra với hàng loạt tuyến đường bộ cao tốc trục dọc - trục ngang, Cảng hàng không quốc tế Long Thành… đang trên đà bứt tốc về đích; "Siêu dự án" đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… đang trong tiến trình hoàn thiện thủ tục đầu tư để sớm khởi công.
Mong chờ một khí thế mới, bước tiến mới sau quá trình hợp nhất, lực lượng thanh niên sẽ tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Bộ Xây dựng (mới) được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân tin tưởng giao phó.
PGS.TS Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng): Thúc đẩy các ý tưởng mới, phát triển đô thị bền vững

Cục trưởng Trần Quốc Thái.
Quá trình sắp xếp, hợp nhất hai Bộ cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn, lan tỏa tới tất cả cấp, lĩnh vực, hướng tới sự tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Sau hợp nhất, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển đô thị của Bộ Xây dựng cơ bản tiếp tục ổn định, không có sự biến đổi lớn. Tuy nhiên, sự gắn kết, gần gũi hơn sau sáp nhập của các đơn vị chức năng trong Bộ Xây dựng mới đang mở ra cơ hội để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chúng tôi đã có những trao đổi bước đầu để thúc đẩy những ý tưởng mới trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt. Ví dụ như hợp tác với lĩnh vực hàng hải để phát triển đô thị ven biển, phát triển đô thị gắn với những điểm ra của mạng lưới đường cao tốc, phát triển đô thị sân bay…
Trong năm 2025, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên được giao, chúng tôi xác định nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật Quản lý phát triển đô thị cũng như các chương trình, đề án cần được hoàn thành cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức.
Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc: Xây dựng quy hoạch không gian phát triển gắn với giao thông

Bà Trần Thu Hằng.
Sau khi Bộ Xây dựng hợp nhất với Bộ GTVT, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tập trung nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng quy hoạch và kiến trúc tại các địa phương.
Năm nay có hàng loạt nhiệm vụ quan trọng như: chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024; tổng kết 5 năm thực hiện Luật Kiến trúc 2019 và đề xuất sửa đổi trong năm 2026; Chủ trì thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng thuộc thẩm quyền; chỉ đạo rà soát và nâng cao chất lượng quy hoạch kiến trúc nông thôn…
Ngoài ra, Vụ sẽ tham mưu Bộ chỉ đạo, phối hợp các địa phương xây dựng những quy hoạch không gian gắn với sự hình thành các tuyến đường sắt cao tốc mới hay đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM nhằm khai thác hiệu quả và bền vững quỹ đất khu vực ga đầu mối; Hình thành các công trình kiến trúc hiện đại, hài hòa với giá trị văn hóa riêng của mỗi địa phương.
Hoàn thành những nhiệm vụ nêu trên, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc sẽ ưu tiên hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quy hoạch đô thị và nông thôn, quản lý kiến trúc; Chủ động phối hợp các tổ chức quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý quy hoạch và phát triển đô thị tại Việt Nam.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng): Tăng cường kiểm soát chất lượng các công trình trọng điểm quốc gia

Cục trưởng Hoàng Hải.
Sau khi hình thành Bộ Xây dựng mới, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng sẽ tập trung rà soát trình Bộ ban hành chức năng, nhiệm vụ, trong đó thực hiện bổ sung điều chỉnh đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng kiểm tra nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng, Cục sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng các công trình trọng điểm quốc gia. Đặc biệt chú trọng đường cao tốc, đường sắt đô thị, năng lượng…, góp phần đưa các công trình hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.
Cục cũng sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn xây dựng, giám định tư pháp xây dựng, cải cách hành chính, chuyển đổi số…; Chú trọng tổ chức kiểm tra thực hiện công vụ tại các địa phương, nhất là các lĩnh vực, nhiệm vụ đã phân cấp theo quy định của pháp luật xây dựng.