Kỳ vọng may mặc khởi sắc
Những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp (DN) may mặc trên địa bàn Quảng Bình gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, tình hình đã 'đảo chiều', các DN may mặc đang có sự khởi sắc khi đơn hàng xuất khẩu được các thị trường lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc… đón nhận trở lại.
Năm 2022, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các ngành hàng xuất khẩu nói chung và ngành may mặc nói riêng. Những khó khăn mà các DN gặp phải đó là tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu, các chi phí vận tải, nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022, các DN may mặc còn gặp tình trạng thiếu đơn hàng, phải sản xuất cầm chừng, người lao động làm việc luân phiên, giảm giờ làm. Tuy nhiên, từ những tháng đầu năm 2023, tình hình đã “đổi chiều” khi nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã chốt được đơn hàng đến giữa năm 2023.
Giám đốc Xí nghiệp May Hà Quảng Nguyễn Xuân Trung cho biết: Năm 2022 đã đi qua với rất nhiều khó khăn thách thức đối với xí nghiệp nói riêng và ngành dệt may nói chung. Những tháng cuối năm, số lượng đơn hàng của xí nghiệp giảm từ 10-15%, đơn hàng nhỏ lẻ phức tạp, giá gia công giảm từ 15-30% trong khi chất lượng ngày càng khắt khe.
Trong bối cảnh khó khăn đó, đơn vị vẫn luôn đoàn kết, phát huy nội lực, tốc độ, tìm các giải pháp gia tăng sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Doanh thu năm 2022 của xí nghiệp đạt 7.202.263 USD, thu nhập bình quân cho người lao động đạt 8 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm 2023, thị trường đã có nhiều tín hiệu tích cực, nhiều đơn hàng được ký kết nên đơn vị đang tập trung đẩy mạnh sản xuất. Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, công nhân đã quay trở lại làm việc đầy đủ với tinh thần phấn khởi, vui tươi.
Làm việc tại Xí nghiệp May Hà Quảng từ năm 2005, chị Trần Thị Thu Na, quê ở Nam Trạch (Bố Trạch) cho biết: Những năm qua, xí nghiệp luôn quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống người lao động.Trong đó, công nhân tới làm việc tại xí nghiệp được đóng các loại bảo hiểm ngay sau khi ký kết hợp đồng lao động, được hỗ trợ cơm trưa, ăn phụ buổi chiều, được khám sức khỏe 2 lần/năm và được xe đưa đón miễn phí trên Quốc lộ 1 từ xã Quảng Hải (TX. Ba Đồn), chợ Tréo (Lệ Thủy) và dọc đường Hồ Chí Minh tại xã Phú Thủy (Lệ Thủy)… Bên cạnh lương, thưởng, trong các dịp lễ, sinh nhật xí nghiệp luôn có quà, Tết có thêm lương tháng 13 nên công nhân chúng tôi rất vui vẻ, phấn khởi. Mong muốn năm 2023, xí nghiệp sẽ ký kết được nhiều đơn hàng, bảo đảm công việc liên tục, thường xuyên cho công nhân và tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa để chúng tôi an tâm lao động và sản xuất.
Mặc dù mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2021 nhưng Công ty TNHH May Tiến Hùng (Quảng Ninh) cũng đã tạo được uy tín trong sản xuất các mặt hàng quần áo xuất sang các thị trường lớn, như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc. Để kịp giao các đơn hàng theo đúng cam kết, từ mồng 6 Tết Quý Mão 2023, hơn 300 công nhân đã ra quân sản xuất đầu năm và bắt tay trở lại làm việc với tinh thần vui vẻ.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Giám đốc công ty cho biết: Cuối năm 2022, tình trạng thiếu đơn hàng diễn ra tại nhiều DN may mặc nhưng công ty vẫn duy trì được các đơn hàng, bảo đảm công việc thường xuyên cho công nhân với mức lương bình quân từ 6-8 triệu đồng/tháng, có thưởng 10% tổng mức thu nhập của năm để người lao động phấn khởi đón Tết. Hiện, công ty đã chốt đơn hàng đến tháng 4/2023 và đang chuẩn bị ký kết đơn hàng đến cuối năm 2023.
"Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư", Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương Hồ Nhật Bình cho biết thêm.
Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương Hồ Nhật Bình cho biết: Xung đột Nga-Ukraina diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu, lạm phát tăng cao nên người dân toàn thế giới cắt giảm chi tiêu, các công ty thời trang tồn kho nhiều dẫn đến đơn hàng giảm.
Năm 2023 vẫn chưa thể khẳng định các DN may mặc sẽ hoàn toàn sản xuất bình thường bởi làn sóng bùng phát dịch bệnh tại Việt Nam vẫn có nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là có thêm một số dịch bệnh như đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết thể gia tăng…
Bên cạnh đó, các DN có thể phải chịu áp lực bởi các chính sách thương mại thế giới, lao động tiếp tục bị cạnh tranh bởi các DN nước ngoài thực hiện đầu tư vào Việt Nam; cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ nước ngoài, giữa thương hiệu nước ngoài và các nhà sản xuất trong nước…
Để vượt qua khó khăn, các DN cần tiếp tục tuyên truyền cho người lao động hiểu về những khó khăn thách thức năm 2023 để cùng nỗ lực thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh; khuyến khích động viên cán bộ, công nhân phát huy tính chủ động, sáng tạo, có sáng kiến cải tiến trong công việc để tăng hiệu quả và hoàn thành nhiệm vụ; tập trung tuyển dụng, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để đáp ứng yêu cầu phát triển; luôn quan tâm đến đời sống và việc làm của người lao động; phát động các phong trào thi đua sôi nổi, tạo khí thế động lực, tinh thần đoàn kết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202302/ky-vong-may-mac-khoi-sac-2207288/