Kỳ vọng những quyết sách mới tạo bước phát triển đột phá

Hội nghị Trung ương 3 là một trong những những sự kiện chính trị có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bởi đây là dịp để giới lãnh đạo Trung Quốc định hình chính sách quan trọng. Các chuyên gia kỳ vọng sẽ có những quyết sách mới tạo bước phát triển đột phá, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kinh tế ảm đạm.

Định hình chính sách quan trọng

Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) sẽ nhóm họp từ 15 - 18.7 tới. Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong chương trình nghị sự chính trị của Trung Quốc và thường tập trung vào các khía cạnh khác nhau của cải cách trong nước.

Thông thường, trong nhiệm kỳ 5 năm, CPC tổ chức 7 hội nghị trung ương. Trong đó, hội nghị thứ 3, tức Hội nghị Trung ương 3, có vai trò đặc biệt quan trọng bởi đây là dịp đầu tiên để ban lãnh đạo khóa mới công bố các chủ trương chính sách mới về kinh tế và chính trị. Thông thường, các Hội nghị Trung ương 3 các khóa sẽ có sự tham gia của khoảng 200 thành viên của CPC. Một số đại diện của các cơ quan Chính phủ và Quốc hội cũng có thể được mời.

Hội nghị Trung ương 3 các khóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra nhiều quyết sách có tác động sâu sắc tới sự phát triển của nước này. Theo đó, tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI năm 1978, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tuyên bố mở cửa đất nước và đưa nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường. Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII vào năm 2013, một năm sau khi trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã công bố các kế hoạch nới lỏng hơn nữa chính sách một con, thay đổi hệ thống đăng ký hộ khẩu cũng như củng cố an ninh quốc gia.

Ngoài ra, nhiều cải cách quan trọng được liệt kê trong thông cáo Hội nghị Trung ương 3 vào tháng 11.2013, chẳng hạn như cải cách doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp khoảng cách thành thị - nông thôn và cải cách phân công chi tiêu trung tâm - địa phương, vẫn chỉ nằm trên giấy tờ hoặc chưa được thực hiện đồng đều.

Chính vì vậy, phiên họp toàn thể lần này được kỳ vọng sẽ mang đến những tín hiệu tích cực đối với những cải cách chưa thể thực hiện, cũng như đưa ra những tín hiệu khôi phục cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Dư luận chờ đợi điều gì?

Theo Tân Hoa Xã, Hội nghị Trung ương 3 sắp tới sẽ thảo luận về các giải pháp nhằm cải cách sâu rộng toàn diện hơn nữa, để đến năm 2035 xây dựng toàn diện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trình độ cao và cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Theo Bloomberg, dù không kỳ vọng Bắc Kinh sẽ có những cải cách về cấu trúc mang tính đột phá trong phiên họp toàn thể này, các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao bất kỳ dấu hiệu nào về định hướng chính sách nhằm giải quyết một loạt vấn đề dài hạn như cuộc khủng hoảng bất động sản, sự suy yếu của khu vực kinh tế tư nhân, định hướng công nghệ của đất nước hay tình trạng già hóa dân số…

Chính sách bất động sản là lĩnh vực được các bên quan tâm, vì suy thoái bất động sản vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tháng 6 vừa qua, Hội đồng Nhà nước đã yêu cầu các quan chức tiếp tục xây dựng các chính sách mới nhằm thu hút nguồn cung nhà ở hiện có với một “tư duy cởi mở”. Điều đó làm dấy lên dự đoán về các bước đi mới và nguồn tài trợ bổ sung để củng cố thị trường sau khi Bắc Kinh công bố gói biện pháp giải cứu lĩnh vực này vào hồi tháng 5, bao gồm 300 tỷ nhân dân tệ (41,3 tỷ USD) dưới dạng các khoản vay giá rẻ do ngân hàng trung ương cung cấp cho chính quyền địa phương để mua các dự án nhà ở đang bị tồn đọng.

Một trong những vấn đề khác cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư là cải cách về tài khóa. Tại một cuộc họp quan trọng vào tháng 12 năm ngoái, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đang cân nhắc thực hiện “một đợt cải cách tài khóa và thuế mới”. Điều này đã làm dấy lên hy vọng rằng nhiều thông tin chi tiết có thể sẽ được công bố tại Hội nghị Trung ương 3 sắp tới.

Hơn nữa, trước thềm Hội nghị Trung ương 3, các nhà đầu tư và doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc thời gian qua liên tục kêu gọi nhà chức trách mở cửa thị trường hơn nữa. Theo một khảo sát của công ty nghiên cứu độc lập Beijing Dacheng Enterprise Research Institute với lãnh đạo các công ty tư nhân lớn, đa số những người được hỏi bày tỏ hy vọng Hội nghị Trung ương 3 sẽ “định hướng những cải cách của thị trường”. Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nhân mong đợi sẽ có những cải sách sâu rộng hơn nữa với hệ thống kinh tế, để thị trường có thể đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực, tạo ra một môi trường kinh doanh định hướng thị trường; đồng thời thúc đẩy và bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu khác.

Các nhà đầu tư cũng kỳ vọng vào việc cơ cấu lại sự phân chia trách nhiệm giữa trung ương và địa phương trong chi tiêu ngân sách. Theo đó, Bắc Kinh chịu trách nhiệm chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này diễn ra trong bối cảnh các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang đối mặt khối nợ khổng lồ trong khi nguồn thu từ đất sụt giảm do khủng hoảng bất động sản. Một số nhà kinh tế dự báo, Bắc Kinh sẽ có sự thay đổi lớn trong chính sách thuế tiêu thụ nhằm mang lại thêm nguồn thu cho các chính quyền địa phương. Cùng với đó là cải cách về thuế giá trị gia tăng - nguồn thu thuế lớn nhất tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các chính sách đô thị hóa và cải cách nông thôn cũng được các nhà lập pháp mong muốn được đề cập đến trong phiên họp toàn thể này. Bất chấp nhiều thập kỷ mở rộng, chỉ có khoảng 66% tổng dân số Trung Quốc sống ở các thành phố, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hơn 80% ở nhiều nước phát triển. Điều đó có nghĩa là đô thị hóa sẽ vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và chính phủ sẽ cần giải quyết một loạt vấn đề mà quá trình này sẽ tạo ra.

Việc thêm hàng triệu nông dân di cư đến làm việc ở các thành phố trong bối cảnh thúc đẩy sáng kiến “Thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã củng cố nhu cầu mở rộng mạng lưới an toàn xã hội và các dịch vụ công cộng. Vì vậy việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế liên quan đến hệ thống hộ khẩu như hệ thống đăng ký từng hộ gia đình và xác định nơi mọi người có thể sống, làm việc, đi học và nhận trợ cấp là cần thiết.

Ngoài ra, cải cách đất đai nông thôn đã được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 3 trước đây, và trong phiên họp sắp tới dự kiến sẽ được thúc đẩy nhanh hơn. Các nhà phân tích của JPMorgan nhận định rằng, việc cho phép mua bán nhà ở nông thôn sẽ giải phóng nguồn vốn để tài trợ cho nhà ở công cộng và mạng lưới an toàn xã hội; đồng thời các hộ gia đình và chính quyền địa phương có thể chia sẻ doanh thu từ việc tăng giá trị trong cải cách đất đai. Những biện pháp này sẽ phù hợp với mục tiêu của chính quyền là cho phép thị trường đóng vai trò then chốt trong việc phân bổ nguồn lực, từ đó dần dần thúc đẩy sức chi tiêu của người tiêu dùng, giúp tái cân bằng nền kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, sau hơn 40 năm cải cách và mở cửa, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ngày càng giàu kinh nghiệm trong việc quản lý một nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc. Những nỗ lực như khuyến khích người dân sinh thêm con, cung cấp cho họ nền giáo dục tốt nhất, tập trung vào đổi mới công nghệ và không ngừng xây dựng lực lượng sản xuất mới có chất lượng, cũng như hình thành các mối quan hệ đối tác thân thiện với các nước láng giềng của Trung Quốc và Nam bán cầu, sẽ tạo điểm tựa cho sự tăng trưởng của Trung Quốc, bất chấp những thách thức mà quốc gia này đang phải đối mặt.

Như Ý

Theo Tân Hoa Xã; Global Times; Bloomberg

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/ky-vong-nhung-quyet-sach-moi-tao-buoc-phat-trien-dot-pha-i380106/