Tiêu điểm: Xe máy sẽ được kiểm định khí thải như thế nào?

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, trong đó có quy định xe máy phải thực hiện kiểm định khí thải. Vậy là sau 15 năm, kể từ khi Chính phủ phê duyệt chủ trương kiểm soát khí thải xe máy vào năm 2010, đến nay loại phương tiện đi lại nhiều nhất ở nước ta mới chính thức được kiểm soát khí thải.

Luật đưa ra quy định như vậy nhưng thời điểm thực hiện còn phụ thuộc lộ trình áp dụng mà Chính phủ ban hành. Mới đây, theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ 1/1/2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực nhưng không đồng nghĩa tất cả xe máy sẽ phải kiểm định khí thải từ ngày này. Người dân đang chờ đợi các quy định chi tiết về giới hạn mức khí thải, vấn đề đo khí thải ra sao.

Ở Việt Nam, quy trình đo khí thải xe máy đang vận hành được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp đo khí thải trong kiểm tra hoặc bảo dưỡng phương tiện giao thông đường bộ. Tiêu chuẩn quy định rất rõ về cách thức đo, phương pháp đo và chế độ đo.

Quy trình gồm 3 bước, trong thời gian từ 15 đến 20 phút.
Bước 1: Cho xe máy hoạt động ở chế độ không tải đến khi dầu bôi trơn đạt nhiệt độ 80 độ C.
Bước 2: Chuẩn bị thiết bị và tiến hành đo 2 thành phần là CO và HC.
Bước 3: Nhận kết quả và so sánh với giới hạn tiêu chuẩn.

Bắt buộc kiểm định khí thải xe máy không phải điều mới trên thế giới. Đài Loan (Trung Quốc) - thị trường tiêu thụ xe máy top đầu Châu Á - đã áp dụng quy định này từ gần 30 năm trước. Ở Indonesia, thủ đô Jakarta quy định xe máy sau 3 năm đầu tiên phải kiểm định khí thải định kỳ hàng năm.

Thực tế, tại nước ta cũng đã thực hiện chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe máy tại 3 thành phố lớn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Kết quả cho thấy, xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn. Vì vậy, quy định kiểm định khí thải xe máy cần nghiên cứu cơ chế, lộ trình phù hợp với thực tế.

Ước tính, hiện nước ta có khoảng hơn 72 triệu xe máy, tương đương hơn 2/3 người dân sở hữu xe máy và hơn 90% hộ gia đình có phương tiện này. Điều này đặt ra thách thức về cơ sở hạ tầng, bộ máy đăng kiểm để đáp ứng được số lượng xe máy khổng lồ hiện nay.

Khi quy định này được thực thi, nhiều người dân lo ngại có thể phải mất thêm thời gian, thêm thủ tục, chi phí. Cần phải tính toán phương án, cách thức thực hiện sao cho hài hòa, hợp lý, khả thi nhất.

BĂN KHOĂN CHẬM KIỂM ĐỊNH KHÍ THẢI XE MÁY

Ở nước ta, xe máy là phương tiện đi lại chính, là “cần câu cơm” của nhiều người lao động. Vì thế, quy định kiểm định khí thải xe máy chắc chắn ít nhiều sẽ có tác động đến đời sống xã hội. Nếu như xe máy chất lượng kém, không đạt tiêu chuẩn kiểm định khí thải thì sẽ phải xử lý như thế nào? Người dân lo lắng không biết xoay xở nguồn tài chính ở đâu để sửa chữa hay mua xe mới. Câu hỏi đặt ra đó là phải hài hòa thế nào giữa bảo vệ môi trường và ổn định kinh tế xã hội?

Không còi, không đèn, không gương, không biển số..., chiếc xe máy này đã có tuổi đời trên 20 năm, mỗi ngày xe cùng ông Mạnh đi hàng chục cây số, khắp các phố phường Hà Nội để mưu sinh. Dù không còn đảm bảo về khí thải ra môi trường và an toàn khi lưu thông nhưng với thu nhập ít ỏi của mình, ông buộc phải tiếp tục sử dụng. Vì thế, khi biết tới đây xe máy phải thực hiện đo kiểm khí thải, ông rất lo lắng.

Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người lao động, khi kế sinh nhai phụ thuộc hoàn toàn vào những chiếc xe máy cũ

Theo thống kê, chỉ riêng tại Hà Nội, hiện có khoảng 7 triệu xe máy, trong đó có trên 3 triệu chiếc xe máy cũ, sản xuất trước năm 2000. Sử dụng những chiếc xe này phần đông là dân lao động nghèo. Thế nhưng, chúng lại đang là thủ phạm xả thải nguy hại ra môi trường cao gấp nhiều lần so với xe thông thường.

Khi đo kiểm khí thải, những xe không đạt tiêu chuẩn bắt buộc phải khắc phục, sửa chữa, thậm chí có thể bị buộc dừng lưu hành. Do đó, theo các chuyên gia, cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng để cân bằng giữa bảo vệ môi trường và kinh tế xã hội, tránh gây ra những tác động tiêu cực.

Theo một số chuyên gia, dù xe máy là công cụ đi lại, kiếm sống của hàng triệu người nhưng ai cũng phải có trách nhiệm với môi trường.

Việc kiểm soát khí thải xe máy là không thể chần chừ được nữa. Bởi, lợi ích về môi trường và đặc biệt là sức khỏe của người dân mà chính sách này mang lại, vẫn là quan trọng nhất.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-xe-may-se-duoc-kiem-dinh-khi-thai-nhu-the-nao-230443.htm