Kỳ vọng những quyết sách, nỗ lực hoạt động

Theo dõi phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV vừa qua, dư luận cử tri và Nhân dân hài lòng với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024; đồng thời, đặt niềm tin vào những quyết sách và nỗ lực hành động của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành sẽ giải quyết cơ bản những vấn đề tồn đọng, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Từ bám sát thực tế, hiểu nguyện vọng của Nhân dân

Cử tri và Nhân dân ghi nhận nỗ lực của đại biểu và cho rằng, những ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, có chất lượng tại phiên thảo luận ngày 29.5 thể hiện giá trị sức lao động của ĐBQH,là kết quả của quá trình bám sát thực tế, điều tra, khảo sát, kiểm chứng, đánh giá việc thực thi chính sách, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Từ đó, chỉ ra được các vấn đề quốc kế dân sinh cần giải quyết, đề xuất các sáng kiến chính sách hợp lòng dân.

Điều làm cho Nhân dân tin tưởng, an lòng nhất là tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, đất nước ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, theo báo cáo của Chính phủ trong năm 2023, tốc độ tăng GDP đạt 5,05%, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,25%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Các chỉ số tín nhiệm quốc gia dài hạn, chỉ số môi trường kinh doanh, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đều được nâng hạng… Những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn cơ bản ổn định và được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi. Quý I.2024, tăng trưởng GDP đạt 5,66%. Duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực của nền kinh tế quốc dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đẩy mạnh. Các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế, văn hóa, xã hội... đều tăng so với cùng kỳ.

Đó là những điểm sáng của nền kinh tế mà thực tiễn cuộc sống mỗi người dân đều có thể cảm nhận, phấn khởi. Cử tri và Nhân dân đánh giá cao các quyết sách của Quốc hội, điều hành hiệu lực, hiệu quả của Chính phủ và chính quyền địa phương trong suốt nhiều năm qua và từ đầu nhiệm kỳ nên mới đạt được những kết quả khả quan như ngày hôm nay.

Ngăn chặn những hệ lụy có thể dẫn đến “vàng hóa” nền kinh tế

Bên cạnh kết quả đạt được, cử tri và Nhân dân đồng tình với những ý kiến phân tích, đánh giá của ĐBQH về tình hình của thị trường hàng hóa, dịch vụ; về công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính... Nổi lên là những biến động của thị trường vàng, giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và CPI những tháng đầu năm 2024 tăng cao đã tác động trực tiếp đến tâm lý tiêu dùng dân cư, đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tăng trưởng kinh tế.

Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV Ảnh: Quang Khánh

Nhiều cử tri cho rằng, vàng đang vừa là hình thái tiền tệ, vừa là loại hàng hóa đặc biệt và là phương tiện cất trữ an toàn giá trị tài sản được người dân tin dùng. Do đó, cần biện pháp đồng bộ giữa các ngành liên quan chứ không riêng ngân hàng để can thiệp hợp quy luật kinh tế nhằm bảo vệ đồng tiền, chống lạm phát, ngăn chặn những hệ lụy có thể dẫn đến tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Mặt khác, các phương tiện thông tin đại chúng nên tham gia “bình ổn giá vàng” bằng cách đưa tin có chọn lọc, được các chuyên gia kinh tế có uy tín phân tích, đánh giá khoa học, tránh tình trạng đưa tin kiểu “giật gân”, câu like đọc giả, lúc thì giá vàng “bật tăng dựng đứng”, giá vàng “đu đỉnh”, lúc thì “lao dốc”... gây hoang mang dư luận không cần thiết.

Nhân dân cũng quan tâm đến các biện pháp bình ổn giá vì CPI bình quân 4 tháng tăng đến 3,93% so với cùng kỳ. Trong đó, giá vé máy bay nội địa đang trở thành “xa xỉ”, tác động tiêu cực đến ngành du lịch, dịch vụ - ngành công nghiệp “không khói” và mũi nhọn của quốc gia và của nhiều địa phương. Nhân dân mong Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp hiệu quả vì lợi ích của cả nền kinh tế quốc dân. Khắc phục tình trạng người dân đi từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội phải mua vé bay qua Thái Lan rồi mới bay về Hà Nội để tiết kiệm tiền như Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và báo chí nêu ra.

Cử tri và Nhân dân đồng tình với ý kiến ĐBQH quyết liệt khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, trì hoãn, chậm hoặc không ban hành các quyết định quản lý theo thẩm quyền, chậm giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân và doanh nghiệp liên quan đến những nội dung về pháp lý khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Dẫn chứng cụ thể là đơn khiếu nại, tố cáo chiếm đoạt vốn thuộc sở hữu nhà nước xảy ra tại Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Dâu tằm tơ (SIMEXCO) Quận 2, TP. Hồ Chí Minh kéo dài hơn 5 năm nay chưa được giải quyết dứt điểm, nguy cơ thất thoát hàng chục tỷ đồng vốn thuộc sở hữu nhà nước.

Cử tri và Nhân dân đặt niềm tin vào những quyết sách tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV và nỗ lực hành động của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành sẽ giải quyết cơ bản những vấn đề còn tồn đọng, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

ThS.Nguyễn Vân Hậu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/ky-vong-nhung-quyet-sach-no-luc-hoat-dong-i373785/