Kỳ vọng ở công trình thủy lợi lớn nhất châu thổ Cửu Long
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng được xây dựng trên 2 huyện An Biên và Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Sau 2 năm thi công, hệ thống thủy lợi lớn và hiện đại nhất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cơ bản hoàn thành, đang vận hành thử nghiệm. Dự án được kỳ vọng kiểm soát hạn mặn, tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định, bền vững cho khoảng 385.000ha đất vùng châu thổ này.
Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 có 2 công trình quan trọng - đó là cống Cái Bé (trên sông Cái Bé) và cống Cái Lớn (trên sông Cái Lớn). Riêng cống Cái Bé, toàn bộ phần xây dựng, lắp đặt thiết bị cống và âu thuyền đã hoàn thành, được Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (gọi tắt là Ban 10) đưa vào vận hành tạm thời từ đầu tháng 2/2021, vượt tiến độ. Còn cống Cái Lớn hiện đạt trên 99% khối lượng hợp đồng, đủ điều kiện vận hành phục vụ sản xuất từ cuối tháng 6/2021.
Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban 10 cho biết, tất cả phần việc chính đã hoàn thành 99%, chỉ còn công tác phụ trợ như: Làm vệ sinh, trồng thêm cây cảnh để tăng tính thẩm mỹ cho công trình. Dự kiến công trình cống Cái Lớn sẽ hoàn thành toàn bộ, đủ điều kiện nghiệm thu và chính thức bàn giao, đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất vào cuối tháng 11/2021.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1).
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: Qua giám sát, thấy rõ việc thực hiện rất phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của tỉnh. Một công trình lớn, hiện đại nhưng rút ngắn được thời gian xây dựng, phát huy hiệu quả đã đáp ứng được mong mỏi của người dân. Công trình khi đưa vào vận hành không chỉ giúp kiểm soát xâm nhập mặn, tạo nguồn nước ngọt cho các vùng ven biển mà còn giúp cho nhiều địa phương ở ĐBSCL chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai.
Việc vận hành tạm thời cống Cái Bé từ tháng 2/2021 đã giúp kiểm soát được nguồn nước mặn, ngọt cho khoảng 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang, nhờ đó tỉnh không phải đắp đập tạm ven sông Cái Bé, tiết kiệm ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng. Kiên Giang sẽ giảm được khoảng 20 tỷ đồng/năm cho việc đắp đập tạm xử lý mặn xâm nhập vào chu kỳ từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm. Không chỉ Kiên Giang, khi cống Cái Bé - Cái Lớn được đưa vào vận hành chính thức còn giúp cho các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng hưởng lợi rất nhiều trong việc kiểm soát mặn, ngọt; tạo điều kiện cho hàng vạn người dân sản xuất nông nghiệp ổn định.
Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang đánh giá, khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành, một diện tích đất rộng lớn sẽ được kiểm soát mặn, triều cường, lũ lụt… tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Do đó, cần xây dựng các mô hình sinh kế nhằm thích ứng với điều kiện mới, phát huy tối đa huy hiệu quả kinh tế từ những lợi ích mà công trình Cái Lớn - Cái Bé mang lại.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiểm tra tiến độ công trình đánh giá, giai đoạn 1 dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé sau khi hoàn thành sẽ có 395.000ha đất sản xuất được kiểm soát mặn, ngọt. Giai đoạn 2 của dự án sẽ bao trùm vùng ảnh hưởng lên đến 1 triệu hécta, kiểm soát gần 25% vùng đất sản xuất ở châu thổ Cửu Long. Không chỉ kiểm soát nguồn nước, hệ thống thủy lợi hiện đại nhất ĐBSCL nàyđược kỳ vọng sẽ tạo nguồn nước ngọt cho các vùng ven biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai cũng như tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn.