Kỳ vọng sớm đẩy lùi sốt xuất huyết

Hệ thống tiêm chủng VNVC đã tiêm gần 15.000 liều vaccine phòng sốt xuất huyết (SXH) cho trẻ em và người lớn, kể từ khi triển khai tiêm vào tuần trước. Đây là những số liệu mới nhất được chia sẻ tại một thảo luận chuyên sâu của các chuyên gia đầu ngành về SXH tại TPHCM vừa được tổ chức.

Nhiều năm qua, Việt Nam cũng như các quốc gia nằm trong khu vực lưu hành bệnh SXH đã chủ trương thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh thông qua khẩu hiệu: “Không lăng quăng, không muỗi, không SXH” bằng cách tiêu diệt bọ gậy, lăng quăng, ngăn chặn khả năng sinh sôi, loại trừ nơi sinh sản của muỗi và chủ động bảo vệ chính bản thân khỏi muỗi đốt. Tuy nhiên, giải pháp này không thể giải quyết triệt để tình hình dịch bệnh, đồng thời không có khả năng loại trừ hoàn toàn bệnh SXH trong tương lai.

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM cho rằng, bệnh SXH khó kiểm soát nguồn lây bởi người mắc SXH có thể không có biểu hiện hoặc có triệu chứng không rõ ràng. Theo nghiên cứu, 80% người không có triệu chứng vẫn có khả năng lây nhiễm SXH. Bệnh nặng khó dự đoán trước và có thể phát triển mà không có dấu hiệu cảnh báo.

Trước bối cảnh đó, vaccine phòng SXH ra đời, trở thành phát minh khoa học đóng góp quan trọng cho sức mạnh của nền y học sức khỏe nói chung và y tế dự phòng nói riêng.

Trong đó, vaccine phòng SXH Qdenga (Takeda, Nhật Bản) được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành vào tháng 5/2024 và được Hệ thống tiêm chủng VNVC lần đầu tiên đưa về Việt Nam, triển khai tiêm chủng tại hàng trăm trung tâm hiện đại trên toàn quốc từ ngày 20/9/2024.

Vẫn theo BS Trương Hữu Khanh, trước đây chỉ các bác sĩ chuyên khoa Nhi mới e ngại dịch SXH, nhưng hiện nay, ngay cả các các nhân viên y tế điều trị cho người lớn cũng lo lắng trước căn bệnh này. BS Khanh cho biết, hàng năm, dịch SXH vẫn tái diễn với mức độ khó lường, khiến ngành y tế luôn phải chạy sau để đối phó. Theo ông Khanh, nếu không có vaccine hiệu quả và được phổ biến rộng rãi, cộng đồng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ dịch bệnh. Công tác phòng ngừa SXH cần được coi trọng hơn bao giờ hết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, hiện nay công tác đào tạo được VNVC quyết liệt thực hiện cho tất cả các trung tâm trên toàn quốc. Đặc biệt là đào tạo về tiêm chủng an toàn và diễn tập phản ứng sau tiêm liên tục trong tuần, trong tháng. Việc đào tạo diễn tập xử trí phản ứng sau tiêm trở thành công tác thường quy đồng thời kết nối với các bệnh viện, cơ sở y tế tại địa phương để có thể hỗ trợ các trường hợp cần thiết.

Với những thông tin khả quan này, cộng đồng y tế Việt Nam đặt kỳ vọng lớn vào việc sớm được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, góp phần kiểm soát dịch bệnh SXH - 1 trong 10 mối đe dọa hàng đầu về sức khỏe toàn cầu, được xếp mức độ 3 (mức độ cao nhất) về khẩn cấp y tế, đặc biệt ở trẻ em.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý với người dân cần kết hợp tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch với các biện pháp phòng chống muỗi, lăng quăng để đạt hiệu quả phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh tối ưu.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-vong-som-day-lui-sot-xuat-huyet-10291289.html