Kỳ vọng sự phát triển từ các công trình giao thông trọng điểm quốc gia
Việc xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, khởi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10 làn xe và hàng loạt dự án lớn trọng điểm đã, đang và sẽ triển khai tại Đồng Nai được kỳ vọng sẽ tạo đà cho Đồng Nai 'cất cánh' trong tương lai.
Trước thông tin trên, người dân Đồng Nai rất phấn khởi, mong chờ các dự án triển khai hoàn thành sớm để hệ thống giao thông được đồng bộ, liên hoàn, kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh. Từ đó mở ra những cơ hội khai thác được những tiềm năng để Đồng Nai phát triển hơn…
* Giám đốc Sở Xây dựng HỒ VĂN HÀ: Người dân được hưởng lợi từ các dự án giao thông trọng điểm
Với vị trí địa lý thuận lợi, thời gian tới, người dân Đồng Nai sẽ được lợi từ các dự án giao thông trọng điểm có tính kết nối vùng như: Đường vành đai 3 - TP.HCM và đường vành đai 4 - TP.HCM; Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mở rộng…
Đường giao thông vốn được ví như mạch máu đi nuôi cơ thể, khi có nhiều tuyến giao thông lớn đi qua sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Đồng Nai phát triển. Khi các dự án kết nối vùng được triển khai sẽ kết nối Đồng Nai với các tỉnh, thành kinh tế trọng điểm phía Nam như: TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu… tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Xác định tầm quan trọng của các dự án trọng điểm, Đồng Nai tập trung chuẩn bị tốt công tác hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ cam kết với Chính phủ trong thực hiện các dự án kết nối vùng, tạo tiền đề để thực hiện các dự án tiếp theo. Đồng thời, xây dựng các phương án phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh, mục tiêu đặt ra là xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn, kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh.
Riêng các tuyến đường giao thông nội tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xúc tiến thực hiện các tuyến: 770B, 769, vành đai Biên Hòa, đường tỉnh kết nối Xuân Lộc với Trảng Bom. Đây là các dự án được tỉnh ưu tiên đầu tư trong 5 năm tới nhằm kết nối nhiều tuyến quốc lộ, đường cao tốc và các huyện, thành phố của Đồng Nai với sân bay Long Thành.
Bên cạnh đó, các tuyến đường được vào quy hoạch như: đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm; tuyến đường sắt kết nối ga Trảng Bom đến Vũng Tàu… giúp hỗ trợ phát triển logistics và trong quy hoạch Đồng Nai xác định kho luân chuyển miền Đông Trảng Bom là một trong những điểm trung chuyển của sân bay Long Thành, vùng Tây nguyên, miền Trung vào khu vực miền Đông…
Với nhiều dự án đồng loạt triển khai, Đồng Nai giống như một đại công trình. Cơ hội mở ra nhưng cũng có nhiều thách thức. Tiến độ dự án phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện giải tỏa, bồi thường, bàn giao mặt bằng… Do vậy, rất cần sự chung sức đồng lòng của người dân trong thực hiện các chủ trương của tỉnh, nhất là người dân ở trong vùng chịu ảnh hưởng của dự án.
Dự án triển khai, đưa vào khai thác sử dụng sớm thì đối tượng thụ hưởng là người dân càng được lợi.
* Bà VÕ KIM DUNG (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất): Phấn khởi khi các dự án giao thông lớn được triển khai
Tôi rất phấn khởi khi thấy các dự án giao thông lớn tại địa phương được triển khai, hứa hẹn kết nối giao thông thông suốt, tạo nhiều thuận lợi cho người dân. Khi mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10 làn xe chắc chắn sẽ không còn tình trạng kẹt xe như hiện nay. Mong dự án trên và dự án Sân bay Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sớm thi công hoàn thành và đưa vào khai thác.
Nghĩ đến việc không phải kẹt xe, nhích từng chút một mỗi lần di chuyển trên quốc lộ 51 vào những ngày cuối tuần, hay phải chen chúc, chờ đợi tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào dịp lễ, Tết là thấy vui rồi.
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông tại Đồng Nai có nhiều khởi sắc. Tôi tin tưởng và kỳ vọng các dự án quy mô lớn này sẽ tạo bước đột phá cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Mong muốn các công trình được triển khai theo đúng tiến độ đề ra. Để làm được việc này, theo tôi việc đền bù giải phóng mặt bằng phải thực hiện minh bạch, công khai, tránh để xảy ra việc khiếu nại kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
* Ông NGUYỄN CHÍ NHÂN (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa): Hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng đến đời sống người dân khi thực hiện dự án
Thực tế những năm qua, hạ tầng, quy hoạch tại Đồng Nai chưa theo kịp với tốc độ phát triển và nhu cầu vận tải. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc thường xuyên gây ra tình trạng quá tải ở các tuyến đường chính đi qua địa bàn.
Việc đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông không chỉ gia tăng sự liên kết vùng mà còn giúp chỉnh trang, làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương. Đây cũng là mong chờ của người dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, khi thực hiện các dự án lớn, cần chuẩn bị nhiều khâu liên quan như: giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, tái định cư cho người dân, nguồn vốn đầu tư... Khi mọi thứ được sẵn sàng thì việc triển khai thực hiện dự án sẽ nhanh và hiệu quả, tránh tình trạng dự án bị “treo” hoặc kéo dài tiến độ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Trong quá trình thi công cần lưu ý tránh gây ảnh hưởng đến môi trường sống của khu dân cư như trường hợp phát tán bụi từ sân bay Long Thành vừa qua. Ngoài ra, để việc thi công đảm bảo chất lượng và bảo đảm an toàn trong quá trình thi công, không xảy ra tiêu cực, thất thoát, mong rằng, các ngành chức năng cần tăng cường giám sát; lưu ý chủ đầu tư, các nhà thầu, cơ quan liên quan thực hiện đúng quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng.
Kim Liễu (ghi)