Kỳ vọng sự tích cực của chứng khoán trong ngắn hạn
Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay với mức tăng 0,75%, cao nhất từ tháng 12/2018 trở lại đây. Một số chuyên gia tài chính nhận định: Việc tăng lãi suất lần này có thể mang lại sự tích cực cho thị trường chứng khoán (TTCK) trong ngắn hạn.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 28/7, PGS TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính nhận định: “Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm tăng lãi suất cho vay bằng đồng USD, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp ở Mỹ sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam”.
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ chậm lại trong những quý tới do người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ và các quốc gia châu Âu thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu phải mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Dự báo, từ nay tới cuối năm, TTCK sẽ đi lên, quy trở lại mốc 1.300 đến 1400 điểm nhờ giá VNĐ, USD ổn định; dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn ở mức lớn; nền kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn với GDP kỳ vọng đạt trong năm nay từ 7,8 đến 8,4%.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán (CTCK) Yuanta Việt Nam cho biết: Việc tăng lãi suất của Fed có khả năng vẫn ảnh hưởng tới TTCK, nhưng lịch sử cho thấy, trong giai đoạn đầu Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng mạnh nhất tới TTCK, các lần sau tác động giảm dần và dần dần không đáng kể.
“Có thể kỳ vọng kịch bản tích cực đối với TTCK Việt Nam. Nhìn từ 2013 tới nay, chỉ số đánh giá mối quan hệ thị trường của cổ phiếu và lợi nhuận thu được trên mỗi cổ phiếu (P/E) có 3 lần về mức 12 lần thì bật lên. Theo đó, kỳ vọng từ nay tới cuối năm, TTCK sẽ vẫn tích cực nhưng thanh khoản sẽ không cao như năm 2021. Tình trạng phân hóa sẽ xảy ra chứ không phải tăng đồng loạt ở các nhóm cổ phiếu”, ông Nguyễn Thế Minh cho biết.
Theo quy luật, tiền rẻ luôn là nguồn năng lượng cho thị trường tài chính, TTCK, nên tiền đắt dĩ nhiên ảnh hưởng xấu đến thị trường, làm tăng chi phí và gây rủi ro lớn hơn cho nhà đầu tư. Giới đầu tư cũng nhận thấy, TTCK và các kênh đầu tư mạo hiểm khác bắt đầu giảm mạnh từ cuối năm ngoái khi Fed và các ngân hàng Trung ương – NHTW lớn khác có động thái thắt chặt tiền tệ.
“Tuy nhiên việc tăng lãi suất lần này có thể mang lại sự tích cực cho TTCK trong ngắn hạn, có thể duy trì thêm một vài tuần tới do thông tin tăng lãi suất của Fed đã được dự báo từ trước, TTCK phản ứng trước đó; giới đầu tư đã bắt đầu quen với hành động của các NHTW và Fed; TTCK đã giảm sâu trong thời gian qua và đã đến các ngưỡng HT cũng như vùng giá hấp dẫn; tháng sau Fed sẽ "nghỉ ngơi" trước khi có hành động tiếp theo sau nhiều tháng tăng lãi suất liên tiếp tạo cơ hội cho nhà đầu tư ngắn hạn”, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho biết.
Tuy nhiên theo ông Phan Dũng Khánh, nhà đầu tư cần lưu ý về trung dài hạn TTCK vẫn chịu nhiều áp lực bởi thời kỳ tiền rẻ đã trôi qua khi tiền ngày càng đắt hơn khiến chi phí để kinh doanh cao hơn làm cho dòng tiền có xu hướng trú ẩn nhiều hơn như số liệu cho thấy từ đầu năm đến nay lượng tiền chạy vào hệ thống ngân hàng (tiền gửi) ngày càng tăng.
Do đó từ nay tới cuối năm, kỳ vọng VN-Index quay về mức đỉnh 1.500 là rất khó. TTCK sẽ không xấu hơn hoặc tích lũy và có phục hồi từng đoạn ngắn đã là tích cực tạo tiền đề tốt và tạo bước chạy đà cho những năm sau.
Các chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể thấy việc tăng lãi suất của Fed đã có ảnh hưởng lớn đến TTCK Việt Nam khi thị trường giảm từ tháng 4/2022 đến nay và dòng vốn ngoại rút ròng khỏi thị trường.
Tuy nhiên theo SSI, giới đầu tư lưu ý, khi Fed dần có động thái dừng tăng lãi suất cũng là lúc dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại thị trường. TTCK sẽ phát đi những tín hiệu tích cực hơn.VN-Index đang trong xu hướng hồi phục với 2 ngưỡng kháng cự quan trọng lần lượt ở 1.200 - 1.220 điểm. Các nhóm ngành NĐT tiếp tục chú ý trong giai đoạn sắp tới gồm: Chứng khoán, bất động sản, xây dựng, thép và tôn mạ, ngân hàng.
Mặc dù vậy, việc lựa chọn cổ phiếu trong giai đoạn này sẽ khó khăn hơn khi không còn là tất cả các cổ phiếu thuộc cùng một nhóm ngành đều tăng cùng nhau. Do đó, nhà đầu tư phải lựa chọn đúng các cổ phiếu có "điểm rơi" lợi nhuận và "câu chuyện" kinh doanh khả quan trong 3 - 6 tháng tới.
VN-Index lấy lại mốc 1.200 điểm sau một tháng thử thách
Trong phiên chiều 28/7, hầu hết cổ phiếu ở các nhóm ngành đều tăng điểm khiến nhà đầu tư hứng khởi.
Đóng cửa phiên chiều 28/7, sàn HoSE có 378 mã tăng và 90 mã giảm, VN-Index tăng 17,08 điểm (+1,43%), lên 1.208,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 668,8 triệu đơn vị, giá trị 15.346,9 tỷ đồng, tăng hơn 50% về khối lượng và 53% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 48,3 triệu đơn vị, giá trị 1.390,8 tỷ đồng. Còn sàn HNX có 167 mã tăng và 47 mã giảm,
HNX-Index tăng 5,32 điểm (+1,87%), lên 289,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 78 triệu đơn vị, giá trị 1.728,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 11,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 422 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên chiều 28/7, UpCoM-Index tăng 0,63 điểm (+0,71%), lên 89,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,2 triệu đơn vị, giá trị 667,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,48 triệu đơn vị, giá trị 113,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong phiên giao dịch này, thanh khoản thị trường cải thiện với tổng giá trị giao dịch 3 sàn gần 18.300 tỷ đồng, tăng mạnh 76% so phiên trước, còn so với những phiên thanh khoản yếu của tuần trước thì đạt gần gấp đôi. Đặc biệt, khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh tương tự phiên hôm trước với giá trị mua ròng 680 tỷ đồng.