2 kịch bản cho thị trường chứng khoán tháng 11
Tháng 10 đã khép lại với nhiều biến động. Tâm lý e ngại bao trùm thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index trải qua một tháng trầm lắng, ít động lực tăng trưởng. Tháng 11 được kỳ vọng sẽ mở ra các cơ hội mới, dù trong bối cảnh chịu tác động lớn từ các sự kiện quốc tế, nhất là sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ và dòng tiền chưa có dấu hiệu bứt phá mạnh mẽ.
VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.250 - 1.300 điểm
Đánh giá tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 10, Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho biết, VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.250 - 1.300 điểm và duy trì xu hướng giảm điểm sau nhiều lần cố gắng tiếp cận ngưỡng kháng cự 1.300 điểm nhưng không thành công. Chỉ số kết phiên tại vùng 1.260 điểm, tiếp tục cho thấy sự đi ngang và thiếu động lực, điều này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi dòng tiền không sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở mức cao hơn.
Diễn biến thị trường trong tháng cho thấy, thành phần dòng tiền thiếu sự chủ động. Dòng tiền chủ yếu chờ đợi các mức giá thấp hơn, điều này cho thấy nhà đầu tư không quá mặn mà với việc mua đuổi. Việc dòng tiền không tích cực cùng với áp lực bán từ nhà đầu tư ngoại đã kìm hãm sự tăng trưởng của VN-Index khiến thị trường duy trì trạng thái đi ngang và ít hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư lớn.
Về thanh khoản và dòng tiền trong tháng 10, thanh khoản có dấu hiệu cải thiện nhẹ nhưng chưa mạnh. Tổng giá trị giao dịch trong tháng 10 đạt 335 nghìn tỷ đồng, tăng gần 30% so với tháng trước đó. Tuy vậy, so với mức trung bình từ đầu năm, thanh khoản vẫn thấp hơn khá nhiều, điều này cho thấy dòng tiền mới vẫn chưa sẵn sàng trở lại và nhu cầu mua vào không đủ để hỗ trợ đà tăng.
Trong khí đó, dòng tiền nước ngoài duy trì xu hướng bán ròng. Sau một tháng giảm nhiệt trong đà bán, nhà đầu tư nước ngoài lại quay trở lại bán ròng trong tháng 10 với tổng giá trị bán ròng hơn 8 nghìn tỷ đồng. Xu hướng này cho thấy sự e ngại của khối ngoại về các yếu tố vĩ mô và chính sách toàn cầu. Sự rút lui của dòng tiền ngoại tác động tiêu cực đến niềm tin thị trường trong nước, góp phần làm giảm kỳ vọng về sức tăng trưởng của VN-Index trong ngắn hạn.
Về diễn biến từng nhóm ngành chính, tháng 10 không mang đến nhiều điểm sáng cho từng nhóm ngành cụ thể khi dòng tiền phân tán và thiếu một nhóm ngành dẫn dắt rõ rệt. Một số nhóm ngành đáng chú ý bao gồm: Nhóm cổ phiếu trụ bao gồm các mã VHM và MSN chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các thông tin không mấy tích cực về việc mua cổ phiếu quỹ và phát hành thêm cổ phiếu không như kỳ vọng. Những kỳ vọng chưa được đáp ứng này đã tạo áp lực giảm giá cho nhóm cổ phiếu trụ, gây ảnh hưởng xấu lên VN-Index.
Nhóm ngân hàng sau một nhịp tăng trưởng mạnh đã quay lại trạng thái tích lũy. Tuy nhiên, vào cuối tháng, một số cổ phiếu dẫn dắt như VCB, CTG và STB đã bật tăng nhẹ trước thông tin tích cực về khả năng tăng vốn thông qua việc chia cổ tức. Điều này cho thấy triển vọng của ngành ngân hàng vẫn còn tiềm năng, nhưng cần sự kiên nhẫn từ nhà đầu tư để đợi các yếu tố hỗ trợ rõ ràng hơn.
Các nhóm ngành thép, bất động sản, bán lẻ vẫn chưa thể thoát khỏi sự ảm đạm. Các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này đang đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm chi phí đầu vào tăng, lãi suất cao, và nhu cầu tiêu dùng suy giảm, khiến giá cổ phiếu không có sự hồi phục mạnh.
Kịch bản nào cho thị trường tháng 11
Theo VFS, trong tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ các sự kiện quốc tế. Theo đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát các yếu tố như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (5/11). Cuộc bầu cử này có khả năng tạo ra những thay đổi quan trọng trong chính sách tài khóa và tiền tệ của Mỹ. Kết quả bầu cử có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt nếu xuất hiện những thay đổi bất ngờ trong định hướng chính sách kinh tế của Mỹ.
Tiếp đến là quyết định lãi suất của Fed (8/11). Các chuyên gia cho rằng quyết định về lãi suất của Fed trong tháng 11 sẽ là yếu tố tác động trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư trên toàn cầu. Nếu Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất, dòng tiền sẽ dễ dàng ở lại các thị trường mới nổi, bao gồm cả Việt Nam. Ngược lại, việc tăng lãi suất sẽ khiến chi phí vay tăng lên, đồng thời gây áp lực lên thị trường chứng khoán do vốn có khả năng rút lui khỏi các thị trường có rủi ro cao hơn.
Ngoài ra là các động thái từ Trung Quốc và chính sách thương mại quốc tế. Bởi bất kỳ thay đổi nào trong các động thái kinh tế của Trung Quốc và các cuộc đàm phán thương mại cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Với Việt Nam, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn và các biến động kinh tế từ quốc gia này có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý và dòng tiền đầu tư.
Từ các yếu tố trong và ngoài nước, thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 11 có thể đi theo hai kịch bản chính.
Kịch bản 1: VN-Index dao động trong biên độ 1.250 - 1.300 điểm. Đây là kịch bản dễ xảy ra nhất khi dòng tiền vẫn còn thận trọng và sự chờ đợi về các sự kiện lớn vẫn chưa tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư. Trong kịch bản này, VN-Index có thể tiếp tục duy trì mức thanh khoản thấp và dao động trong biên độ hẹp.
Kịch bản 2: VN-Index có thể vượt qua ngưỡng 1.300 điểm. Kịch bản này có thể xảy ra nếu có những thông tin tích cực từ các sự kiện lớn như quyết định lãi suất của Fed hay kết quả bầu cử Mỹ, tạo động lực cho dòng tiền quay trở lại. Để kịch bản này xảy ra, thị trường cần có các yếu tố hỗ trợ tích cực và đồng nhất từ dòng tiền, tâm lý nhà đầu tư, cũng như sự ổn định của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
VFS cho rằng trong bối cảnh dòng tiền yếu và thị trường còn nhiều biến động, nhà đầu tư nên theo dõi sát các sự kiện quốc tế và nội tại. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và quyết định lãi suất của Fed là những sự kiện có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý và dòng tiền đầu tư trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các động thái của chính phủ trong việc điều chỉnh chính sách kinh tế cũng cần được theo dõi, vì chúng có thể tạo ra sự thay đổi trong định hướng dòng tiền.
Các chuyên gia phân tích khác thì cho rằng, tháng 11 là thời điểm then chốt để VN-Index có thể bứt phá hoặc duy trì xu hướng dao động hẹp, phụ thuộc nhiều vào tâm lý nhà đầu tư và tác động từ các sự kiện lớn.
Trong bối cảnh thị trường biến động khó lường, việc đầu tư một cách thận trọng và có kế hoạch là vô cùng cần thiết. Các yếu tố hỗ trợ từ thị trường quốc tế sẽ là điểm mấu chốt, nhưng việc xây dựng một danh mục đầu tư phù hợp với mục tiêu cá nhân và luôn sẵn sàng đối phó với các biến động không thể dự đoán sẽ giúp nhà đầu tư đạt được kết quả tích cực trong dài hạn.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/2-kich-ban-cho-thi-truong-chung-khoan-thang-11-157352.html